Học sinh lớp 9 tại Hà Nội căng mình học online, giáo viên đề xuất giảm bớt môn thi vào 10
VOV.VN - Sắp kết thúc kỳ 1 của năm học 2021-2022, nhưng học sinh tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội vẫn chưa thể trở lại trường học trực tiếp. Trước thực tế này, nhiều ý kiến đề xuất Hà Nội nên xem xét bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 hoặc giảm độ khó của đề thi.
Thời điểm này, nhiều học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang không khỏi hoang mang lo lắng về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầy cam go phía trước. Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi ngày càng ngắn hơn, kiến thức vẫn nhiều nhưng học sinh lại chưa thể đi học trực tiếp. Với học sinh cuối cấp THCS, đây là một rào cản lớn.
Em Nguyễn Thị Lan Anh, trường THCS Hạ Bằng, Thạch Thất cho biết, bản thân em cảm thấy khá lo lắng khi phải trải qua 2 năm liền học trực tuyến dài ngày: “Thời lượng thực học trong mỗi tiết học trực tuyến cũng không được đảm bảo như trên lớp, chúng em không được tương tác nhiều với thầy cô, bạn bè như học trực tiếp, cũng bởi vậy, việc tiếp thu kiến thức khó khăn hơn rất nhiều. Với những môn học là thế mạnh như tiếng Anh em không quá lo ngại, nhưng với môn Toán, em rất lo lắng vì còn nhiều kiến thức bị hổng, chưa nắm chắc”.
Có nguyện vọng thi vào THPT Kim Liên – một trường có điểm chuẩn cao top đầu thành phố, tỷ lệ “chọi” năm nào cũng ở mức cao, Phạm Minh Trang (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi lo lắng. Trang chia sẻ, đáng ra thời điểm này, học sinh cuối cấp đang tất bật với việc học chính khóa, học thêm để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đầy cam go, thì hiện tại Trang cũng như nhiều bạn học khác vẫn đang tiếp tục học trực tuyến, chưa rõ ngày trở lại trường.
Trải qua 2 năm liền học online, dù đã quen với cách học này, song nữ sinh cho biết, em vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức, bên cạnh đó, ngồi học online một mình cũng làm giảm khả năng tập trung, dễ có cảm giác chán nản, buồn ngủ… Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, Trang đang tự lên kế hoạch học tập cho bản thân thật chi tiết để chạy đua với thời gian: “Khi không được học trực tiếp, em phải tự học nhiều hơn. Trong 3 môn đã biết trước của kỳ thi lớp 10, em học môn Văn và tiếng Anh tốt hơn môn Toán. Bởi vậy mỗi ngày em đều cố gắng học thật tốt 2 môn thế mạnh để “cứu điểm” các môn còn lại, với môn Toán, ngoài thời gian học chính khóa, hoàn thành các bài tập được giao, em vẫn làm thêm các đề thi những năm trước, với mỗi dạng bài em thường lên mạng tìm các bài tương tự, làm đi làm lại. Em không dành nhiều thời gian vào học những kiến thức nâng cao môn Toán mà học chắc những dạng cơ bản để lấy điểm trong đề thi”, Trang chia sẻ.
Đặc biệt, với môn thi thứ 4 chưa được công bố, Minh Trang cho biết, em cảm thấy khá lo lắng, hiện tại, Trang vẫn dành thời gian học đều tất cả các môn, song việc học quá nhiều cũng khiến em cảm thấy mệt mỏi. Học sinh này cũng mong muốn được giảm bớt môn thi thứ 4 trong điều kiện phải học online quá dài ngày.
Nên bỏ bớt môn thi, hoặc giảm độ khó của đề thi vào lớp 10
Thầy Nguyễn Anh Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, dù giáo viên đã rất nhiệt tình, nhưng thực tế phải thừa nhận rằng, việc học online hiệu quả chưa cao. Đón học sinh trở lại học từ đầu tuần theo chỉ đạo của TP Hà Nội, thầy Chiến cho biết, dù tinh thần học tập của các em rất sôi nổi, nhưng khi giáo viên cho làm bài khảo sát thì kết quả chưa như mong đợi.
“Cả vợ chồng tôi đều là giáo viên, nhưng khi hỗ trợ con học online ở nhà hàng ngày vẫn thấy không hiệu quả bằng thầy cô dạy trên lớp. Với những gia đình bố mẹ không ở nhà, con cái ở với ông bà thì kết quả học tập càng hạn chế hơn. Đến nay, gần hết học kỳ 1 nhưng các em vẫn phải học trực tuyến, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, học sinh ngoại thành được đi học, trong khi khu vực nội thành vẫn học online thì đó cũng là điều bất công với các em ở nội thành. Tôi cho rằng, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nên xem xét đến việc bỏ môn thi thứ 4”, thầy Nguyễn Anh Chiến nói.
Cô Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình) cũng cho rằng, trong quá trình học online nhiều em bị ảnh hưởng do đường truyền mạng internet kém, gián đoạn khi nghe thầy cô giảng bài, học sinh không ghi chép đầy đủ. Tính tương tác trong giờ học giữa giáo viên với học sinh hay giữa học sinh với nhau gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số học sinh còn thiếu tính tự giác khi học trực tuyến, vẫn tranh thủ lướt facebook, chơi game trong giờ học. Tất cả những điều này dẫn đến hiệu quả của việc học trực tuyến không cao.
“Không chỉ kết quả học tập mà cả tâm lý học sinh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian dịch bệnh, với các em học sinh cuối cấp, thời điểm này càng lo lắng nhiều hơn. Tôi cũng cho rằng nên bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 để giảm áp lực cho học sinh”, cô Lê Hoàn Châu đề xuất.
Còn theo thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), thời lượng mỗi tiết học trực tuyến khá ngắn, do đó học sinh hầu như không có thời gian luyện tập ngay trong các tiết học, bởi vậy dù là giải pháp hữu hiệu nhất nhưng chất lượng của phương pháp học này vẫn chưa thể bằng học trực tiếp trên lớp.
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Xuân lại cho rằng, không cần thiết phải bỏ môn thi thứ 4, thay vào đó, cần có cách ra đề thi phù hợp với tính chất đặc biệt của năm học. “Nếu đề bỏ đi những nội dung quá khó, chỉ tập trung kiểm tra những kiến thức cơ bản, dừng lại ở mức độ nhận biết, thông hiểu, khoảng 5% các câu hỏi trong đề mang tính vận dụng để đánh giá, phân loại học sinh, không có kiến thức quá khó như vận dụng cao thì các em cũng sẽ bớt đi áp lực. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng không cần thông báo môn thi thứ 4 quá sớm, bởi nếu vậy chắc chắn sẽ có những trường chạy theo thành tích, vội vàng kết thúc những môn học khác để tập trung ôn 4 môn thi. Như vậy kết quả có thể cao, nhưng thiệt thòi cho học sinh khi không được học những kiến thức còn lại”, thầy Xuân nói./.