Học sinh, phụ huynh hoang mang, “chóng mặt” với thay đổi thi cử

Học sinh, phụ huynh hoang mang, “chóng mặt” với thay đổi thi cử

VOV.VN - Thông tin Bộ GD-ĐT đổi kỳ thi THPT quốc gia thành thi tốt nghiệp THPT đã khiến không ít học sinh, phụ huynh và cả giáo viên lo lắng.

Ngày 21/4, Bộ GD-ĐT vừa có cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT, việc xét tuyển đại học sẽ được trả về cho các trường đại học tự chủ.

Ngay khi biết thông tin này, không ít phụ huynh, học sinh hoang mang lo lắng.

vov_phu_huynh_14_oocj.jpg
Ảnh Phụ huynh lo lắng đợi con trước trường thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Nguyễn Thùy Hương học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm nay, em dự kiến dự thi trường ĐH Dược Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại Hà Nội và “dự phòng một số trường khác có mức điểm thấp hơn để tăng tỷ lệ đỗ đại học.

Song trước thay đổi của Bộ GD-ĐT, nữ sinh không khỏi lo lắng: “Nếu thi theo phương án mới, chúng em sẽ phải tham gia rất nhiều kỳ thi, gồm cả thi tốt nghiệp và thi vào từng trường. Một số trường ĐH top trên em dự kiến thi đều đã thông báo phương án dự phòng là tổ chức kỳ thi riêng, như vậy mỗi trường đăng ký sẽ tương ứng với một đợt thi. Tiêu chí, đề thi của từng trường đến giờ vẫn chưa có thông tin rõ ràng, chúng em không biết sẽ phải thi như thế nào”.

Phan Hiếu, học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) không quá lo lắng về việc thi tốt nghiệp, nhưng điều khiến nam sinh băn khoăn là việc tuyển sinh đại học. Hiếu cho biết, ngay từ đầu năm học, em cũng như những bạn học khác đã chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi THPT quốc gia, việc thay đổi đột ngột của Bộ GD-ĐT khiến thí sinh hoang mang.

“Theo lịch của Bộ, chỉ còn hơn 3 tháng nữa, chúng em sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, nhưng đến giờ Bộ đột ngột thay đổi phương án thi, học sinh chúng em thực sự lo sợ không biết mình sẽ đi đâu về đâu. Khi nghe thông tin này, em không còn tâm trí ôn tập. Các trường đại học cũng chưa công bố chính thức phương án thi. Thậm chí, trong bối cảnh hiện nay, một số trường đã ra phương án thi riêng, mỗi trường mỗi kiểu, chúng em thực sự loay hoay. Đơn cử như trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển sang thi môn Toán theo hình thức tự luận, trong khi chúng em lại được dạy để thi theo hình thức trắc nghiệm. Điều này sẽ rất khó khăn”, Hiếu bày tỏ.

Nam sinh cho biết, em dự kiến đăng ký dự thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây đều là những trường đã thông tin sẽ tổ chức thi riêng nếu Bộ GD-ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia. Hiếu lo ngại, nếu vậy em sẽ phải thi ít nhất là 4 đợt để xét tốt nghiệp và đại học, chưa kể sẽ đăng ký thêm một vài nguyện vọng vào các trường thấp hơn để an toàn.

“Em cũng rất lo ngại việc các trường đại học tổ chức thi cùng ngày hoặc sát ngày, như vậy rất có thể thí sinh sẽ phải lựa chọn một trong các trường”, Hiếu bày tỏ.

Phụ huynh lo học sinh kiệt sức với phương án mới

Có con đang học lớp 12, chị Hồng Minh (Đống Đa, Hà Nội) luôn theo dõi sát sao những thông tin về kỳ thi THPT quốc gia. Chị Minh cũng không khỏi bất ngờ khi Bộ GD-ĐT thay đổi kỳ thi vào phút chót: “Thời gian không còn nhiều, sau bao mong chờ của giáo viên và học sinh, vừa mới đây, Bộ GD-ĐT đưa ra đề thi minh họa THPT quốc gia. Đề thi được tinh giản để phù hợp với tình hình, được đánh giá là có tính phân loại tốt, phù hợp cho mục đích tuyển sinh đại học. Đến nay lại thông báo chuyển kỳ thi này thành tốt nghiệp, giống như “đánh úp” học sinh, phụ huynh vậy. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, việc học đã và đang bị gián đoạn quá nhiều, lại học theo hình thức trực tuyến, hạ tầng mạng không đảm bảo, học sinh đã rất vất vả. Nếu vẫn tổ chức thi, tại sao Bộ không giữ nguyên phương án thi như mọi năm? Muốn thay đổi phương án thi thì cần phải có lộ trình và Bộ nên thông báo từ đầu năm học, thay vì sát nút mới công bố”.

 

Chị Minh cho rằng, hàng năm, thời điểm này là đợt chạy đua nước rút của học sinh cuối cấp, cũng như các trường Đại học tăng cường tư vấn hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành. Nhưng do dịch bệnh, việc học bị ảnh hưởng quá nhiều, việc hướng nghiệp cũng tương tự. Phụ huynh này cũng lo ngại rằng, nếu phải dự thi quá nhiều đợt, cộng với ôn thi căng thẳng, trong thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của học sinh.

“Mọi năm các con thi 1 lần đã quá mệt rồi, nếu năm nay phải thi nhiều đợt, không biết các con có thể trụ nổi không. Không chỉ mình học sinh, mà bao nhiêu học sinh là bấy nhiêu gia đình phải mệt mỏi vì thi cử, chưa kể những học sinh ở vùng sâu vùng xa sẽ thêm phần vất vả”, chị Minh lo ngại.

Chị Mai Thị Hường (Nam Sách, Hải Dương) có con học lớp 12 cũng hy vọng kỳ thi được giữ ổn định như những năm trước. “Nếu thi đại học riêng, các cháu ở tỉnh lẻ sẽ phải lên thành phố thuê nhà trọ, ở vật vạ để thi như nhiều năm về trước. Gia đình cùng học sinh lại phải gồng gánh đi thi, trong điều kiện mùa hè nóng nực sẽ rất vất vả, áp lực. Chưa kể việc thi nhiều trường sẽ phải di chuyển vất vả, tắc đường...”.

Học sinh cần bình tĩnh ôn tập

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, việc thực hiện theo đúng Luật Giáo dục, giao quyền tự chủ cho các trường đại học từ 1/7 là tất yếu, song đây là câu chuyện về lâu về dài. Còn hiện tại, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh có rất ít thời gian học trực tiếp trên lớp, nếu Bộ GD-ĐT thay đổi phương án mới sẽ là bất lợi rất lớn cho học sinh.

“Tất cả các kịch bản chuẩn bị của học sinh và các trường từ đầu năm đến nay đều theo tinh thần thi THPT quốc gia đã được công bố từ trước, nếu thay đổi, các trường và học sinh lớp 12 cũng sẽ bị động. Nếu các trường đại học tự tuyển sinh, học sinh sẽ phải trải qua nhiều lần thi với nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau đúng kiểu trăm hoa đua nở, các em sẽ khó khăn hơn nữa.

Gần đây có tổng kết sơ bộ có hơn 60% các trường đại học chua có phương án thi riêng, như vậy chính các trường đại học cũng đang gặp khó khăn. Như vậy kỳ thi mới có thể sẽ căng thẳng, tốn kém hơn rất nhiều.

“Hiện nay vẫn chưa chốt phương án cuối cùng, tôi hy vọng Bộ GD-ĐT lắng nghe dư luận để có sự điều chỉnh hợp lý”.

Thầy Tùng cho biết, bản thân thầy ủng hộ việc tự chủ đại học, song đây là một năm học “đặc biệt”, cũng không nên cứng nhắc theo Luật Giáo dục đại học là giao quyền tự chủ cho các trường từ 1/7. Bộ vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, còn việc tự chủ nên hiểu là các trường có thể hoặc không sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Điều này vừa không phạm luật, lại tạo thuận lợi cho số đông.

Thầy Trần Mạnh Tùng cũng khuyên các học sinh lớp 12 nên ổn định tâm lý, tập trung ôn tập kiến thức, tận dụng thời gian nghỉ dịch Covid-19 để học online hiệu quả. Bên cạnh đó, thầy Tùng cũng khuyên học sinh và phụ huynh nên chủ động tìm hiểu thông tin tuyển sinh bao gồm chỉ tiêu, phương án tuyển sinh của các trường để có định hướng rõ ràng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên