Học sinh, sinh viên kiến nghị cần nhiều chương trình trải nghiệm nghề nghiệp, khởi nghiệp

VOV.VN - Nhiều học sinh, sinh viên mạnh dạn đề xuất trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT nên có định hướng chỉ đạo các trường phổ thông triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp hơn nữa.

Chiều nay (26/3), Bộ GD-ĐT phổi hợp với các đơn vị chức năng liên quan tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4.

Thay mặt những học sinh khởi nghiệp phát biểu tại chương trình, Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12D1, Trường THPT số 1 TP Lào Cai đoạt giải 3 trong cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SV Startup lần thứ 3 với dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” cho rằng, một trong những chương trình đã giúp em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực đó chính là được tham gia vào các dự án khởi nghiệp ngay ở lứa tuổi học sinh.

Chia sẻ về dự án khởi nghiệp đoạt giải trong mùa SV Startup lần thứ 3, Nguyễn Minh Anh cho biết, ý tưởng và thực hiện dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” xuất phát từ một chuyến đi trải nghiệm thực tế đúng vụ thu hoạch củ Hoàng Sin Cô của bà con đồng bào vùng cao tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Qua tìm hiểu, được biết loại củ này chỉ sinh trưởng ở những nơi có khí hậu lạnh và độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, nếu dưới 1.500m thì sâm đất không có vị ngọt, dưới 1.000m thì cây không cho củ. Vì đặc điểm này mà củ Hoàng Sin Cô chỉ cho chất lượng củ tốt khi trồng tại Lào Cai. Tuy nhiên, bà con đồng bào nơi đây lại đang gặp khó khăn khi đồng loạt trồng củ này nhưng ít có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng, nên bị thương lái ép giá, giá thành bán ra rất rẻ. Với mong muốn nhiều người biết đến đặc sản Lào Cai hơn cũng như tháo gỡ 1 phần khó khăn cho đồng bào người Mông, người Hà Nhì của huyện Bát Xát nên Nguyễn Minh Anh đã quyết định lựa chọn khởi nghiệp theo mô hình này.

Chia sẻ tại Ngày hội khởi nghiệp, nữ sinh cho rằng, chưa bao giờ khát vọng khởi nghiệp lại cháy bỏng trong mỗi học sinh, sinh viên trong toàn quốc như bây giờ. Mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là một con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình và được thử thách, kiểm nghiệm năng lực bản thân. Với những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đây chính là quãng thời gian vàng quan trọng nhất để chuẩn bị cho mình về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp. Như vậy khi tốt nghiệp ra trường sẽ không bị bỡ ngỡ.

Phát biểu tại chương trình, Minh Anh cũng mạnh dạn đề xuất trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT nên có định hướng chỉ đạo các trường phổ thông triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp hơn nữa.

“Chúng em hy vọng các nhà trường có thể tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng về tư duy, sáng tạo khởi nghiệp từ sớm. Để chúng em có thể tự phát hiện được những khả năng của bản thân, tự nhận thức được những xu hướng tiềm tàng về kinh doanh từ đó để lên đại học có thể lựa chọn được đúng ngành, đúng nghề. Bên cạnh đó cần có các chương trình trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp thực tế thật bài bản, nghiêm túc, có định hướng để có thể vận dụng các kiến thức đã học để tạo nên những dự án khởi nghiệp hoặc định hướng được nghề nghiệp”, Minh Anh kiến nghị.

Dương Thế Long, sinh viên năm nhất VinUniversity cho rằng, hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến rất dài với trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 70 không gian làm việc chung dành cho start-up trong các trường đại học, trên 3.000 doanh nghiệp start-up thành công. Các nhà trường cũng đã triển khai thực hiện rất nhiều các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp qua đó, có rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông đã được khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, Dương Thế Long cũng thẳng thắn cho rằng, công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp sáng tạo hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế nhất định.

“Đại học tại Việt Nam là một hình thức đại học khá đặc trưng so với các môi trường đại học khác trên thế giới. Thông thường, các trường đại học sẽ đào tạo đầy đủ các nhóm ngành từ kinh tế, kỹ thuật, y khoa… Tuy nhiên, tại Việt Nam, các trường đại học thường chủ yếu tập trung vào việc đào tạo chuyên sâu, ví dụ như nhóm các trường về Kỹ thuật, các trường về Kinh tế, hay về Y khoa. Đa số các phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay chỉ phát triển tại chính trường đại học mà sinh viên đó theo học, làm giảm đi sự kết nối giữa sinh viên các khối trường khác nhau và chính vì thế, thiếu đi những mắt xích quan trọng trong việc phát triển mô hình, dự án khởi nghiệp”, Dương Thế Long nói.

Theo Dương Thế Long, trong khuôn khổ cuộc thi SV Startup, sinh viên giữa các mùa thi chưa có cơ hội được kết nối với nhau. Các đội thi năm nay thường không biết về các đội thi của năm trước, thậm chí còn không biết về các đội sẽ tham gia thi với mình. Chính vì thế, cuộc thi thiếu đi sự giao lưu, kết nối, học hỏi kinh nghiệm từ các đội thi đi trước, những đội đã có kinh nghiệm vững vàng hơn.

“Em rất mong các bộ, ban, ngành và các cơ quan có thẩm quyền có thể hỗ trợ, thúc đẩy và tạo dựng sự kết nối cho các sinh viên trên khắp cả nước bằng việc xây dựng 1 hệ thống website kết nối ngay trên nền tảng website của Đề án 1665. Tại đây, các sinh viên có thể đăng tải thông tin cá nhân của mình, ghép đội với các nhóm khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước trên khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí là các sinh viên Việt Nam trên toàn thế giới”, Long đề xuất.

Bên cạnh đó, nam sinh cũng cho rằng, sự kết nối giữa sinh viên với các cố vấn, vườn ươm, quỹ đầu tư cũng vẫn còn nhiều hạn chế. Học sinh, sinh viên khi khởi nghiệp rất cần có sự chỉ dẫn và hỗ trợ của những cố vấn với nhiều kinh nghiệm trong ngành, để sự nhiệt huyết, đam mê, năng động, sáng tạo đi được đúng hướng và tạo được nhiều giá trị nhất cho xã hội, cũng như cho bản thân mỗi học sinh, sinh viên.

Xuất phát từ những khó khăn gặp phải khi khởi nghiệp của bản thân, Dương Thế Long đề xuất các nhà trường cần mạnh dạn thay đổi, nội dung chương trình để tạo điều kiện cho mọi học sinh, sinh viên được sớm tiếp cận với các nội dung về đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp, văn hóa doanh nhân và khát vọng cống hiến cần sớm được trang bị cho học sinh, sinh viên ngay từ bậc học phổ thông.

Các nhà trường, đặc biệt là các trường đại học cần tăng cường cơ sở vật chất giúp học sinh, sinh viên sớm được thực hành, trải nghiệm, sáng tạo với các dự án khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường. Có chính sách hỗ trợ các bạn sinh viên có phát minh, sáng kiến được đăng ký phát minh và quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, các trường cũng cần tạo điều kiện để những sinh viên có cơ hội được kết nối với những người cố vấn, những vườn ươm và các quỹ khởi nghiệp.

“Chúng em mong muốn có nhiều quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ hơn nữa giúp chúng em có những nguồn vốn mồi để ban đầu có thể hỗ trợ chúng em hoàn thiện các ý tưởng dự án và có kinh phí để triển khai các sản phẩm mẫu”, Dương Thế Long nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

70 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp của học sinh, sinh viên
70 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

VOV.VN - Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” nhận được hơn 400 dự án, trong đó, BTC đã chọn ra 70 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết.

70 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

70 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

VOV.VN - Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” nhận được hơn 400 dự án, trong đó, BTC đã chọn ra 70 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết.

Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2022
Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2022

VOV.VN - Sự kiện mong muốn truyền cảm hứng, động lực đổi mới sáng tạo tới từng người dân theo những định hướng từ Thủ tướng Chính phủ, thể hiện khát khao lớn lao về một tương lai tốt đẹp và văn minh.

Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2022

Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2022

VOV.VN - Sự kiện mong muốn truyền cảm hứng, động lực đổi mới sáng tạo tới từng người dân theo những định hướng từ Thủ tướng Chính phủ, thể hiện khát khao lớn lao về một tương lai tốt đẹp và văn minh.

Giúp thanh niên làm giàu từ quỹ khởi nghiệp
Giúp thanh niên làm giàu từ quỹ khởi nghiệp

VOV.VN - Từ năm 2015, Tỉnh đoàn Bình Định thành lập Quỹ “Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp”, qua đó giúp nhiều thanh niên làm giàu và phát triển kinh tế.

Giúp thanh niên làm giàu từ quỹ khởi nghiệp

Giúp thanh niên làm giàu từ quỹ khởi nghiệp

VOV.VN - Từ năm 2015, Tỉnh đoàn Bình Định thành lập Quỹ “Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp”, qua đó giúp nhiều thanh niên làm giàu và phát triển kinh tế.