Học sinh Việt Nam đứng trên Anh, Mỹ: Kết quả đáng khích lệ

VOV.VN -Kết quả của PISA không đánh giá được toàn diện nhưng qua báo cáo nghiên cứu, Việt Nam có thể rút ra được nhiều điều.

Với điểm số cao, xếp hạng của học sinh phổ thông của Việt Nam đứng ở vị trí cao trong bảng tổng sắp của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 với gần 70 quốc gia tham gia.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là chương trình nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay. PISA được triển khai với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15.

Chương trình này được tổ chức định kỳ 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2000), và chu kỳ năm 2012 là lần đầu tiên Việt Nam tham gia.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, tập trung vào 3 lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán và Khoa học của học sinh ở lứa tuổi 15.

Kết quả đánh giá của năm 2012 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore; đúng trên Mỹ, Anh về môn Toán.

Bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết, năm 2012, Việt Nam có 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố tham gia PISA 2012.

Bà Lê Thị Mỹ Hà cho biết thêm: Kỳ thi PISA khác với các kỳ thi Olympic hoặc chọn học sinh giỏi quốc tế. Tất cả các em đến trường ở bất kỳ một loại hình cơ sở giáo dục nào có tên trong danh sách hệ thống giáo dục quốc dân thì có thể lọt vào danh sách được chọn mẫu để khảo sát PISA. Tất cả những học sinh tham gia vào mẫu khảo sát của các quốc gia do OECD lựa chọn. Trên mỗi trang bìa của đề thi PISA được niêm yết tên, tuổi, ngày tháng năm sinh và mã đề thi. Đề thi do OECD cung cấp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng kết quả này cũng không đánh giá được toàn bộ năng lực người học mà chỉ ở 3 năng lực là Toán, Đọc hiểu và Khoa học theo phạm vi của PISA.

Việt Nam xác định tham gia PISA trước tiên để học hỏi kinh nghiệm đánh giá giáo dục của quốc tế và biết giáo dục nước ta ở đâu so với các nước phát triển trên thế giới. OECD sẽ phân tích kết quả, các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả và đưa ra các khuyến nghị về chính sách giáo dục cho các quốc gia, từ đó ngành giáo dục nước ta sẽ sớm xác định việc làm cần thiết để hội nhập quốc tế và phát triển giáo dục.

“Lâu nay đánh giá chất lượng học sinh mình không quan tâm đến năng lực của người học. Và làm thế nào để xác định được năng lực thì ta chưa có kinh nghiệm. Tham gia PISA, Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm quốc tế về việc này. Việt Nam phải phân tích thật kỹ báo cáo kết quả PISA để xác định những yếu tố ảnh hưởng, từ đó sẽ cải thiện điều kiện làm giáo dục, phù hợp với đất nước, phù hợp với từng vùng, từng miền để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian sắp tới”, ông Hiển nói.

Từ kết quả PISA 2012, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục chuẩn bị để tham gia kỳ khảo sát PISA 2015, trong đó tháng 4 năm nay sẽ tổ chức khảo sát thử nghiệm và tháng 5/2015 sẽ tổ chức khảo sát chính thức. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kĩ thuật, phương pháp của PISA vào công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng - của từng điạ phương. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên