Học trò hiện nay thiếu kỹ năng sống thực tế

Thời gian qua, ở đối tượng học sinh phổ thông nổi lên những vấn đề bức xúc như bị chết đuối do không biết bơi, thiếu hiểu biết về giới tính, vi phạm pháp luật nghiêm trọng...

Những vấn đề "nóng" ấy của con trẻ đã, đang tạo thêm áp lực, gánh nặng cho toàn xã hội, liên quan đến mọi gia đình, khiến chúng ta phải lo lắng...

Trước hết, đã đến lúc, các nhà soạn sách, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo (có thể coi đây là thành phần khoa học, trí tuệ, hiểu biết và bài bản nhất trong giáo dục con trẻ) cần rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, rồi quá trình dạy và học… xem chúng ta đã đề cập, truyền đạt những vấn đề đang bức xúc đó đến học sinh hay chưa? Ở mức độ nào?. Nếu chúng ta chỉ chú trọng trang bị cho học sinh toàn những kiến thức chuyên môn mà lãng quên đi các kiến thức, kỹ năng sống hết sức cần thiết cho con trẻ khi bước vào cuộc sống, trong tình hình thực tế đầy phức tạp, nhiều cám dỗ hiện nay, thì đó điều sai lầm, khập khiễng, không thể chấp nhận được.  

Dạy con trẻ biết bơi

Cứ mỗi dịp hè đến là thể nào cũng có tin tức về những em bé bị chết đuối. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, trong chương trình giáo dục phổ thông của ta, không hề có nội dung, bài học lí thuyết lẫn thực hành để dạy cho con trẻ biết cách bơi. Thiết nghĩ, đã đến lúc, các nhà soạn sách, quản lý giáo dục cần đưa môn bơi vào trong trường phổ thông để dạy cho các em.

Từ bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông, các em học môn Thể dục, mỗi tuần thường có đến 2 tiết. Các thầy thể dục dạy rất nhiều môn như cầu lông, bóng rổ, đẩy tạ... thì nay có thêm một môn thể thao nữa là môn bơi lại càng hay. Nếu thầy thể dục nào chưa có phương pháp và thực tiễn dạy môn bơi lội thì cần được tập huấn. Trước mắt, nếu chưa có bể bơi ở tại trường, thì nhà trường cần tìm thuê chỗ bơi để các em tập dượt. Môn bơi lội vừa tốt cho sức khoẻ vừa bảo đảm được tính mạng khi gặp nước. Học đồng bộ, bài bản trong nhà trường, chắc chắn em nào cũng biết bơi, sẽ phòng được những bất trắc xảy ra. 

Giáo dục giới tính

Nội dung này được giới thiệu sơ lược, dưới hình thức lồng ghép trong một số bài học của 2 bộ môn Giáo dục công dân và Sinh học. Vì đây thuộc vấn đề tế nhị, kín đáo, còn nặng quan niệm về phong tục, tập quán Á đông nên nhiều thầy cô giáo dạy các bộ môn liên quan rất e ngại đụng đến, thường nói lướt lướt trong vài ba phút cho xong.

Khi về nhà, có mấy em lại hỏi chuyện ấy với bố mẹ mình. Vả lại, nhiều bậc cha mẹ, nhất là ở vùng thôn quê, do thói quen tâm lý và công việc kiếm sống vất vả bận rộn nên chẳng bao giờ đề cập, chỉ dẫn cho con cái. Mù mờ thông tin về giới tính, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản... các em, nhất là các em nữ, gặp rất nhiều khó khăn, túng lúng... khi gặp chuyện khó giải quyết.

Chẳng nói đâu cho xa, học sinh nữ trường tôi đang dạy, năm nào cũng có em phải bỏ học vì mang bầu, lo sinh nở, làm mẹ ngoài ý muốn. Mặt khác, do tâm lý tò mò, nhiều em lên mạng internet, hấp thu những thông tin thiếu lành mạnh nên dẫn đến tình trạng học sinh yêu sớm, có những hành vi xấu như hiếp dâm...

Lối giáo dục giới tính nửa vời, hời hợt, buông xuôi, thiếu đồng bộ của nhà trường và gia đình gây hệ quả tất yếu là thực trạng đáng buồn nêu trên.  

Giáo dục pháp luật

Tình trạng bạo hành, vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh đang có chiều hướng gia tăng, lan rộng trên mọi địa phương, nhất là các thành phố lớn. Thanh thiếu niên thường có những suy nghĩ, việc làm bồng bột, non dại, manh động, không lường trước hậu quả nghiêm trọng. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng các loại sách báo độc hại, phim ảnh đen, thông tin độc hại trên mạng, rồi do thiếu sự quan tâm của gia đình, nhiều những thiếu niên hư hỏng, bỏ nhà đi bụi. Để có tiền tiêu xài, ăn chơi, hút xách, lao vào các trò điện tử, chát chít, có em về nhà bòn rút tiền của cha mẹ hoặc rủ nhau đi "xin đểu", cướp giật, trộm cắp, tống tiền, thậm chí giết người... Có đối tượng chỉ hơn chục tuổi đã dính vào hàng chục vụ phạm pháp. Những băng nhóm phạm tội "nhí" tham gia đua xe, trộm cướp, trấn lột, chém giết theo kiểu "xã hội đen" khiến nhiều bậc cha mẹ phải lo lắng và đau xót.

Tình trạng đáng buồn đó ai cũng thấy cả. Vấn đề quan trọng, cấp bách lúc này là tìm "phương thuốc" để chữa trị. Nhà trường, gia đình, chính quyền, đoàn thể xã hội là các nhân tố có trách nhiệm, bổn phận tuyên truyền, giáo dục con trẻ sống có kỷ cương, nền nếp, lành mạnh, tránh xa bạo lực, tệ nạn xã hội. Song trước tiên, trường học phải là nơi mở đường và bài bản nhất cho công việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về pháp luật đến tất cả học sinh.

Hiện nay, môn Giáo dục công dân có cung cấp cho học sinh kiến thức về pháp luật nhưng vẫn chưa nhiều, chưa đủ, cần được tăng cường nhiều hơn nữa và có đánh giá, cho điểm hẳn hoi. Hình thức tuyên tuyền, giáo dục cần được đổi mới, sinh động hơn, có tính thuyết phục, hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với tâm lí lứa tuổi các em hơn. Có như vậy, các em mới biết tuân thủ và không vi phạm pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên