Học trực tuyến: Cần biết vận dụng sức mạnh của môi trường số
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, khi học trực tuyến, ngoài SGK, giáo viên và học sinh có thể tham khảo thêm nhiều học liệu đa dạng trên internet qua những kênh chính thống, giúp phong phú, sinh động các bài học.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, để giúp học sinh thích ứng với việc học từ xa, nhiều giáo viên đã hướng dẫn học sinh tìm đến các nguồn học liệu trực tuyến từ Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các đơn vị uy tín cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến.
Bảo Minh, học sinh lớp 9 trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngoài giờ học trực tuyến trên lớp, em và các bạn trong lớp thường dành thời gian để ôn luyện các bộ đề từ nhiều nguồn học liệu khác nhau. Đó có thể là các bài tập tự luận môn Văn, Toán hay bài thi trắc nghiệm để học sinh tự làm ở nhà.
"Trong thời gian học trực tuyến, việc tương tác với thầy cô để trao đổi bài tập bị hạn chế hơn nhiều so với học trực tiếp, từ đó yêu cầu mỗi học sinh cần chủ động hơn nữa trong việc học. Là năm học cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, em rất lo lắng nên thường chủ động tìm thêm các nguồn học liệu khác để tham khảo, trong đó có các bộ đề thi của các năm để luyện tập. Một số kênh, ngoài đề thi có cung cấp cả đáp án để học sinh có thể đối chiếu, học hiệu quả hơn", Minh cho biết.
Cô Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) cho hay, khi chuyển từ dạy và học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến, cần xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, thay đổi phương thức giảng dạy, trong đó cũng cần đa dạng hơn những ngữ liệu bài học, tạo sự phong phú, sinh động, tăng thêm hứng thú với học sinh.
Cô Hiền cho rằng, việc học trực tuyến đặt ra không ít thách thức với học sinh và giáo viên khi đã quen với các phương pháp dạy và học truyền thống, song nếu biết tận dụng các tài nguyên số có sẵn trên internet, có thể tạo ra những bài học thú vị hơn, thu hút học sinh tốt hơn khi học trực tuyến. Hiện nay trên internet có rất nhiều các trang cung cấp học liệu khác nhau, tuy nhiên giáo viên và học sinh cần biết cách chọn lọc để có những tài liệu chất lượng, phù hợp với chương trình học.
Qua 2 năm liên tiếp giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường THCS Nam Trung Yên và các giáo viên đã chủ động giúp học sinh tìm hiểu và làm quen nhiều kho học liệu điện tử. Bản thân nhà trường cũng có nguồn học liệu riêng, được xây dựng từ việc tham khảo, chắt lọc từ nguồn học liệu trên các website uy tín và cả trên mạng xã hội. Thông qua nguồn học liệu này, học sinh dễ dàng tự nghiên cứu, rèn kĩ năng tự học để thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh.
Mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã bổ sung thêm hàng nghìn bài giảng trên truyền hình và bài giảng điện tử tương tác cho học sinh sử dụng trên Hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng công bố nguồn bài giảng số phục vụ việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 và lớp 2, giúp phụ huynh hướng dẫn con rèn nét chữ một cách có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức giáo dục uy tín cũng cung cấp các bài giảng, tài liệu học để hỗ trợ học sinh.
Từ kinh nghiệm trong công tác dạy học trực tuyến cho học sinh phổ thông trong nhiều năm qua, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Để hoạt động giảng dạy của thầy cô được hiệu quả, nội dung bài học nên được xây dựng với thời lượng nhỏ, tùy chỉnh cách thức sao cho phù hợp với từng độ tuổi khác nhau, giúp học sinh nâng cao hiệu quả tiếp thu.
Với học sinh tiểu học, nội dung kiến thức được thể hiện dưới dạng hoạt họa, với thời lượng rất ngắn chỉ vài phút để học sinh nắm được nội dung kiến thức một cách nhanh nhất. Ở bậc THCS thì nội dung tập trung vào kiến thức nền tảng, xây dựng bám sát khung chương trình giáo dục phổ thông, đi từ kiến thức cơ bản vào vấn đề thực tế để giúp học sinh dễ dàng vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Theo ông Linh kiến thức học tập nên được truyền tải không chỉ dưới dạng text, hay video thu hình bài giảng sẵn của các thầy cô, mà còn được hoạt hình hóa, sơ đồ hóa, hay thậm chí một số nội dung còn được phim hóa sao cho gần gũi, tiếp cận với học sinh một cách tốt nhất./.