Học xong 10 năm chưa nhận đủ bằng, bác sĩ nội trú “kêu cứu"
VOV.VN - Trong hơn 10 năm qua, nhiều bác sĩ nội trú đã không được Trường Đại học Y Hà Nội trả lời thỏa đáng cho việc trả thiếu bằng buộc họ phải có đơn “kêu cứu khẩn cấp”.
Trong đơn “kêu cứu khẩn cấp” gửi Báo Điện tử VOV, hơn 100 bác sĩ đã hoàn thành các khóa đào tạo hệ bác sĩ nội trú (BSNT) của Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khi nhận thông báo tuyển sinh, học viên được biết và nắm rõ chương trình đào tạo tương đương với đào tạo cao học. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo BSNT, học viên sẽ nhận được 3 bằng: bằng BSNT, bằng Chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ.
Nhưng Trường Đại học Y Hà Nội lại chưa thực hiện đúng như thông báo tuyển sinh cũng như các văn bản pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
“Khi công nhận tốt nghiệp cho hơn 1.000 BSNT bệnh viện từ năm 2007 đến năm 2017 (khóa 28 đến khoá 38), Trường Đại học Y Hà Nội chỉ cấp bằng BSNT bệnh viện. Đối chiếu với thông báo và chương trình học mà chúng tôi đã hoàn thành, đối chiếu với các quy định về vấn đề này tại thời điểm đó, chúng tôi hoàn toàn bất bình với cách làm của Trường Đại học Y Hà Nội. Việc làm này của trường trái quy định pháp luật và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi” - Đơn “kêu cứu khẩn cấp” của các bác sĩ nêu rõ.
Để làm rõ thêm thông tin, phóng viên VOV đã trực tiếp gặp các bác sĩ đang “kêu cứu”. Các bác sĩ chia sẻ, để trúng tuyển vào hệ đào tạo BSNT và để được công nhận tốt nghiệp, họ phải trải qua quá trình sàng lọc khắt khe và học tập hết sức nỗ lực, nghiêm túc. Khi xác định dự tuyển vào hệ đào tạo BSNT, tất cả xác định mục tiêu phấn đấu trong cuộc đời là gắn bó với một nghề cao quý và đầy trách nhiệm.
“Tôi học Bác sĩ đa khoa 6 năm, tiếp đó học BSNT tại Đại học Y Hà Nội 3 năm. Nếu tiếp tục học thêm 2 năm cao học là 11 năm. So với sinh viên trường khác, khoảng thời gian 11 năm họ đã có thể hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh để nhận bằng Tiến sĩ. Theo tôi, học xong BSNT mà không có bằng Thạc sĩ sẽ có 2 bất cập. Thứ nhất, với người đi giảng dạy sẽ không thi được vào ngạch Giảng viên chính.
Thứ hai, người muốn học nghiên cứu sinh cũng không được vì chưa có bằng Thạc sỹ. Do đó, chúng tôi sẽ phải mất thêm 2 năm để học lại tất cả chứng chỉ đã học trong thời kỳ học BSNT. Điều này gây mất thời gian, tiền bạc. Chính tôi là người đã phải học lại 2 năm cao học để nhận bằng Thạc sĩ. Tôi phải ôn thi lại từ đầu và khi thi đỗ lại học lại tất cả những chứng chỉ đã thi trong chương trình BSNT.
Tôi có mang những chứng chỉ này đến gặp nhà trường để xin nhà trường miễn học và chỉ phải làm luận văn, tuy nhiên, nhà trường không chấp nhận chính chứng chỉ của mình. Trong khi trên bằng BSNT bệnh viện của Đại học Y Hà Nội có mục cấp chứng chỉ nêu rõ đã bao gồm các học phần của cao học”, một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.
Theo các bác sĩ, nếu lúc tuyển sinh (từ năm 2003 đến năm 2013) Trường Đại học Y Hà Nội thông báo rõ đào tạo hệ BSNT không có chương trình cao học thì họ sẽ không có những bức xúc như hiện nay.
Trong hơn 10 năm qua, các bác sĩ đi hỏi Trường Đại học Y Hà Nội về việc này nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng, cũng không biết 02 bằng còn lại ở đâu, khi nào được cấp.
“Những câu trả lời chung chung rằng vì chỉ tiêu đào tạo BSNT nằm ngoài chỉ tiêu đào tạo cao học là cách trả lời chưa thoả đáng vì chương trình đào tạo là do Trường Đại học Y Hà Nội quyết định và có trách nhiệm báo cáo với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo”, các bác sĩ cho biết.
Điều họ cần là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế can thiệp để giải quyết công bằng sự việc này.
BSNT trải qua tất cả hơn 9 năm học nhưng khi đi xin việc nếu chỉ có bằng BSNT thì hệ số lương chỉ được tính như một cử nhân vừa tốt nghiệp. Nếu muốn tiếp tục làm nghiên cứu sinh cũng không được vì không có bằng Thạc sĩ. Không có bằng Thạc sĩ họ cũng không trở thành Giảng viên chính được.
“Tôi học khoá 2013-2016. Học xong BSNT nhưng lương đầu vào xếp ngang với cử nhân, hệ số 2,34, trong khi, có bằng Bác sĩ chuyên khoa I hay Thạc sĩ thì hệ số lương sẽ là 2,67. Nếu muốn học cao học lại phải nghỉ việc để đi học, vừa mất thời gian, mất khoản kinh phí không nhỏ. Điều này gây nhiều bức xúc. Cũng vì không làm nghiên cứu sinh được nên nhiều người chuyển sang thi Chuyên khoa II, thay đổi kế hoạch cả cuộc đời” - một BSNT đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này./.
Khoản 2 Điều 16 tại Quyết định 19/2006/QĐ-BYT của Bộ Y Tế về việc ban hành quy chế đào tạo bác sĩ nội trú nêu rõ: “Công nhận tốt nghiệp: 2. Học viên tốt nghiệp được cấp bằng bác sĩ nội trú, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ”.
Trong thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT-BYT tại Điều 3 Mục III nêu rõ:
“- Người trúng tuyển hệ đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện sẽ được công nhận là học viên cao học.
- Bác sĩ được đào tạo theo chương trình nội trú bệnh viện sẽ học bổ sung các môn còn thiếu trong chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành tương ứng theo Quy chế đào tạo sau đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện, học viên sẽ được cấp bằng Thạc sĩ y học”.