Khởi nghiệp không phải bắt đầu từ “đồng tiền”
VOV.VN -Việc khởi nghiệp chính là sự đổi mới, sáng tạo và đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ mới, chứ không phải là bắt đầu từ “đồng tiền”...
Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Bên cạnh việc cùng với các cơ quan của Nhà nước xây dựng thể chế, chính sách thì các trường đại học (ĐH) và doanh nghiệp đang có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi khởi nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn trẻ lo ngại, muốn khởi nghiệp thành công là phải có một số kinh phí nhất định, các yếu tố khác là đứng sau.
Trước những băn khoăn của các bạn trẻ, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP HCM).
PV: Nhiều bạn trẻ lo ngại, để khởi nghiệp thì việc trang bị đầy đủ tri thức thôi chưa hẳn đã thành công mà vấn đề quyết định là phải có một số vốn nhất định. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng: Tôi hiểu được những lo lắng, rào cản tâm lý của các bạn trẻ khi có ý định khởi nghiệp ở một lĩnh vực, ngành nghề nào đó. Có thể nhiều bạn trẻ sẽ gặp khó khăn về kinh tế, lập kế hoạch kinh doanh, các thủ tục pháp lý trên con đường khởi nghiệp...
Tuy nhiên, việc khởi nghiệp lại chính là sự đổi mới, sáng tạo và đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ mới. Vì thế, sự thay đổi trong tư duy của thầy cô giáo và sinh viên ở các trường ĐH lại là vấn đề rất quan trọng. Theo đó, tất cả giảng viên đều phải được bồi dưỡng về tư duy khởi nghiệp để giảng dạy cho các bạn trẻ những kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Có như vậy, các bạn sẽ nhận thức rõ vấn đề cốt yếu của khởi nghiệp không phải bắt đầu từ đồng tiền.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) |
PV: Chính phủ đã ban hành chương trình khởi nghiệp. Theo ông, chúng ta phải làm gì để các bạn trẻ sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thách thức trên con đường khởi nghiệp?
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng: Hiện nay, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND TP HCM đã thực hiện nhiều hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế là xã hội chưa thực sự khuyến khích những hoạt động khởi nghiệp.
Để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, chúng ta cần có sự thay đổi về các thủ tục lập công ty đơn giản hơn với chi phí thấp xuống và có những việc làm để các bạn trẻ tin tưởng vào những quyết định mạo hiểu đầu tư.
Nếu những hình ảnh về ông bán phở cũng bị công an truy tố vì một lỗi nhỏ nhặt nào đó trong công việc thì nhiều bạn trẻ sẽ không dám nhìn vào đó để khởi nghiệp nữa.
Nhằm giúp các bạn trẻ sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thách thức trên con đường khởi nghiệp, chúng ta cần có hành lang pháp lý tốt như thành lập Quỹ đầu tư, Quỹ mạo hiểm để bảo vệ các doanh nhân, bạn trẻ dám có ý tưởng khởi nghiệp.
PV: ĐH Bách Khoa TP HCM là một trong những đơn vị tiên phong trong khởi nghiệp cho sinh viên. Việc khởi nghiệp bắt nguồn từ những chương trình học tiến tiến ở trường được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng: ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) đã thực hiện chương trình học tiên tiến và là đơn vị đầu mối tiếp nhận nhiều chương trình khởi nghiệp cho sinh viên.
Hiện nay, số lượng các bạn trẻ tham gia chương trình khởi nghiệp sử dụng ngoại ngữ là tiếng Anh khá nhiều. Thông qua chương trình, các em học được về văn hóa, ngôn ngữ và cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin mới trên con đường khởi nghiệp.
Trước đây, sinh viên năm thứ 3 mới đi thực tập. Còn hiện nay, nhà trường đã mời những doanh nhân, kỹ sư đến nói chuyện với sinh viên ngay từ những năm đầu tiên. Ngoài ra, trường cũng mở thêm hoạt động “Vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghiệp”; “Câu lạc bộ khởi nghiệp” để sinh viên muốn khởi nghiệp đều có thể đăng ký xin làm ở đó.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Nhà khoa học xuất sắc Việt Nam năm 2016 khởi nghiệp từ niềm đam mê
Muốn khởi nghiệp thành công, giới trẻ phải bắt đầu như thế nào?