Khống chế chỉ tiêu đại học liệu có làm “thui chột” giảng viên giỏi?
VOV.VN-Việc siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh đại học đang khiến nhóm trường có nguồn tuyển sinh dồi dào lo ngại sẽ không thu hút và giữ chân được giảng viên giỏi.
Câu chuyện Bộ GD-ĐT khống chế chỉ tiêu tuyển sinh tối đa ở các cơ sở giáo dục đại học với số lượng không quá 15.000 sinh viên chính quy đang khiến nhiều trường lo lắng vì có thể dẫn đến gần một nửa số giảng viên của họ rơi vào cảnh thất nghiệp. Liệu đây có thực sự là “tin xấu” đối với giảng viên ở các trường đại học hay không và các trường phải làm gì trước quy định siết chặt nguồn tuyển sinh “đầu vào”?
Từ nhiều năm nay, hệ thống giáo dục đại học luôn trong tình trạng báo động vì chất lượng đào tạo yếu kém. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do trình độ giảng dạy của giảng viên còn hạn chế, chưa bắt kịp kiến thức, phương pháp đào tạo mới, thành tựu khoa học công nghệ hiện đại…
ảnh minh họa |
Lãnh đạo một trường đại học từng chia sẻ: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trung bình một năm, mỗi giảng viên phải dạy tối đa từ 280 đến 320 tiết (tùy theo từng trường học, bộ môn). Thế nhưng, trên thực tế có trường, một giảng viên phải “chạy sô” giảng dạy từ lớp nọ sang lớp khác; từ trường này sang trường kia với thời lượng lên đến 500 tiết/năm.
Với đồng lương còn hạn chế, không đủ chi phí nuôi gia đình nên nhiều giảng viên “chạy sô” giảng dạy ở nhiều nơi để có thêm thu nhập là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng, điều này dẫn đến việc giảng viên chưa chủ động hoặc không có thời gian tập trung nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ cho công tác đào tạo. Điều này khiến cho các cơ sở giáo dục đại học thiếu hụt đội ngũ giảng viên có trình độ cao kế cận.
Thêm nữa, theo quy định của Bộ GD-ĐT, một trường đại học muốn mở, duy trì và phát triển một ngành nghề đào tạo thì phải đảm bảo ít nhất có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ làm giảng viên cơ hữu (giảng viên giảng dạy ổn định, nằm trong biên chế của trường). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường đã không đáp ứng được yêu cầu đề ra vì tìm kiếm, đào tạo và giữ chân được giảng viên giỏi khó như “mò kim dưới đáy biển”.
Siết chặt chỉ tiêu đào tạo đại học: Lãnh đạo các trường lên tiếng
Trong khi đa phần các trường đại học thiếu hụt đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao thì nhiều trường mạnh dạn hoặc được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên nên tạo được thương hiệu, uy tín xã hội, có được nguồn tuyển sinh dồi dào.
Thế nhưng, các trường này lại đang thuộc nhóm có số lượng nguồn tuyển “vượt trần” quy định của Bộ GD-ĐT như: Đại học Bách Khoa Hà Nội có 26.046 sinh viên chính quy, Đại học Kinh tế Quốc dân (21.737), Đại học Giao thông Vận tải (21.016), Đại học Kinh tế TP HCM (22.274), Đại học Cần Thơ (32.405), Đại học Công nghiệp Hà Nội (24.429)…
Nếu theo quy định của Thông tư 32, trung bình một giáo viên sẽ giảng dạy 20 sinh viên thì đúng là nhiều trường đại học thừa đến gần nửa hoặc quá nửa giảng viên. Số giảng viên dư thừa, các trường không biết sẽ xử lý như thế nào, cắt giảm hay luân chuyển sang làm các công việc khác?
Phải khẳng định, Thông tư 32 với quy định siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học nhằm giúp các trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học là chủ trương đúng đắn.
Thế nhưng, trong khi đa phần các cơ sở giáo dục đại học đang loay hoay, chật vật tìm cách thu hút, níu kéo giảng viên có trình độ cao giảng dạy thì Thông tư 32 với quy định khống chế quy mô đào tạo tối đa của các trường chỉ ở mức không được vượt quá 15.000 sinh viên chính quy đã vô tình “làm khó” các trường, khiến các trường không biết “giữ chân” giảng viên giỏi, có chuyên môn cao bằng cách nào khi mà chỉ tiêu đào tạo giảm gần một nửa. Phần lớn nguồn thu phục vụ cho việc trả lương cho giảng viên phụ thuộc rất lớn vào học phí của sinh viên.
Hơn nữa, mức lương chi trả phải ổn định và đủ sống thì các trường mới thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao phục vụ công tác đào tạo và hướng dẫn đội ngũ giảng viên có chuyên môn kế cận.
Mặt khác, Việt Nam đang hướng tới có khoảng 20 trường đại học trọng điểm mang đẳng cấp ở khu vực và thế giới thì việc siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh của nhóm trường liệu có vô hình làm giảm quy mô phát triển của các trường cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu mà chúng ta đề ra?
Vẫn biết rằng, một Thông tư trước khi công bố rộng rãi là đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không phải là khi được ban hành thì tính khả thi sẽ có hiệu quả cao. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc khi khống chế chỉ tiêu đào tạo ở những cơ sở giáo dục đại học đã tạo được thương hiệu, uy tín xã hội./.