Kiểm định giáo dục từ xa giúp đào tạo giảng dạy hiệu quả hơn
Việt Nam phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 20% sinh viên học tập theo phương thức GDTX; phấn đấu đến năm 2020 sẽ kiểm định được tất cả các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo mở và từ xa.
Hình thức đào tạo giáo dục từ xa (GDTX) ở Việt Nam phát triển được 15 năm và đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều người. Cho đến nay, cả nước có tới 66 trung tâm GDTX tại 63 tỉnh, thành phố; 17 trường ĐH mở rộng loại hình GDTX thu hút trên 232.781 người theo học.
Việt Nam là đất nước đang phát triển, trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao qua đào tạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 45 triệu lao động, trong đó chỉ có khoảng 10 triệu lao động đã qua đào tạo.
Trong những năm gần đây, nhiều trường mới được thành lập, số lượng học viên tăng rất nhanh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu được đào tạo. Nếu chỉ dựa vào phương thức đào tạo truyền thống giới hạn bởi khuôn viên nhà trường và những lớp học bị khép kín thì khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó.
Loại hình GDTX ra đời thúc đẩy sự cởi mở của nền giáo dục, giảm thiểu các rào cản về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh kinh tế, tuổi tác và trình độ. Hình thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt này khẳng định các quan niệm học tập suốt đời và giáo dục cho mọi người.
Học liệu cho chương trình GDTX còn lạc hậu
GDTX đã góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho nhiều người được học, học thường xuyên, học suốt đời và đã khắc phục được khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người học với các trung tâm văn hoá, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, loại hình GDTX ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ những yếu kém.
Tại hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục mở và từ xa vừa diễn ra ở Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) cho biết: Ở Việt Nam, học liệu tiện dụng, phổ biến nhất hiện nay vẫn là giáo trình in ấn và được phụ trợ bằng học liệu điện tử dưới dạng đĩa CD, CD-ROM, chương trình trực tuyến, chương trình phát thanh. So với quốc tế, hầu hết các học liệu do các trường biên soạn chưa thật sự phù hợp. Một số môn học còn dùng chung tài liệu với hệ đào tạo chính quy và đào tạo tại chức.
Ngoài ra, các trường ĐH chưa có sự liên kết, phối hợp để xây dựng chương trình, thiết kế học liệu, mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến chất lượng và hiệu quả thấp. Ở từng trường chưa tập hợp được đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học biên soạn tài liệu dùng chung cho các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật-công nghệ dẫn đến thời gian học trực tiếp còn nhiều.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2010 có khoảng 300.000 sinh viên học tập theo phương thức GDTX. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ là 500.000 người. Ngoài ra, hàng triệu người có nhu cầu theo học từ xa các chương trình ngắn hạn khác. |
Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Thiệp cho rằng: Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá thường được tiến hành tại các trạm tiếp nhận chương trình GDTX ở địa phương. Vì vậy, có nơi, có lúc chưa đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan.
Trong điều kiện hiện nay, khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, công nghệ đào tạo chưa được cải tiến đáng kể, với phương thức xét tuyển đầu vào chủ yếu là không thi tuyển sinh và với quy trình thi, kiểm tra, còn lạc hậu (chủ yếu là kiểm tra theo hình thức tự luận), chưa đáp ứng được công nghệ kiểm tra, thi, đánh giá theo phương pháp trắc nghiệm khách quan nên chất lượng của GDTX còn hạn chế. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến GDTX còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn là hiện nay, chưa có chính sách đầu tư từ Ngân sách Nhà nước cho loại hình này. Phần lớn các trường đang tự chủ, lấy thu bù chi cho các hoạt động đào tạo từ xa hoặc tranh thủ nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Sẽ kiểm định các cơ sở giáo dục từ xa
Để loại hình GDTX phát triển và đến với người học một cách hiệu quả, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, cần xây dựng đề án để kiểm định các cơ sở giáo dục đào tạo mở và từ xa. Các trường triển khai tự đánh giá vào đầu năm 2011 và hoàn thành báo cáo tự đánh giá vào cuối năm 2011; triển khai đánh giá ngoài và công nhận kết quả vào năm 2012. Từ năm học 2012 – 2013 sẽ xây dựng các bộ tiêu chuẩn để kiểm định các chương trình đào tạo từ xa; phấn đấu đến năm 2020 sẽ kiểm định được tất cả các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo mở và từ xa.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, thông qua việc kiểm định chất lượng, các cơ sở đào tạo mở và từ xa sẽ biết mình yếu kém ở đâu để có giải pháp khắc phục và cải tiến chất lượng đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội và của người học. Thông qua kiểm định chất lượng, sinh viên sẽ có ý thức học tập nghiêm túc hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Các cơ sở đào tạo GDTX cần phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng thư viện học liệu mở trên mạng Internet, huy động sự tham gia đóng góp của các trường đại học, cao đẳng. Thông qua học liệu này, mọi người có thể truy cập miễn phí, chủ động học tập theo nhu cầu cá nhân. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn gợi ý, việc xây dựng học liệu mở nên được đầu tư thí điểm cho một số cơ sở GDTX trọng điểm để đến năm 2010, những cơ sở này trở thành cơ sở mạnh về nghiên cứu, sản xuất được học liệu đa phương tiện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Việt (Viện ĐH Mở Hà Nội) nêu ý kiến: Việt Nam phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 20% sinh viên học tập theo phương thức giáo dục từ xa. Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của loại hình này, những cơ sở đào tạo nên phối hợp với nhà tuyển dụng tìm hiểu nhu cầu cần có ở sinh viên học GDTX sau khi ra trường cần làm gì để từ đó đưa ra mục tiêu đào tạo hợp lý, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo GDTX cũng cần đổi mới phương thức tuyển sinh qua thi tuyển công khai có sự giám sát chặt chẽ. Việc kiểm tra, đánh giá, thi tốt nghiệp nên tiến hành theo hình thức thi trắc nghiệm trong phòng máy tính kết nối mạng Internet hoặc thi trên giấy./.