Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên

Đây là dịp để ngành Giáo dục tưởng nhớ và ghi nhận những công lao, đóng góp của ông đối với đất nước nói chung và ngành Giáo dục nói riêng.

Chiều 15/11 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (16/11/1908-16/11/2008).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên sinh ra trong một gia đình nho học và làm thuốc tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Khi mới 8 tuổi đã mồ côi cha, ông được mẹ sớm hôm tần tảo nuôi cho ăn học. Năm 1926, ông được sang Pháp du học. Năm 1927, ông đỗ Tú tài phần I. Năm 1928, đỗ Tú tài phần II rồi đỗ Cử nhân Văn chương năm 1929 và Cử nhân Luật năm 1931.

Với những kết quả học tập xuất sắc, ông Nguyễn Văn Huyên được bổ nhiệm giảng dạy tại trường Ngôn ngữ Phương Đông từ năm 1932-1935. Trong quá trình giảng dạy, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu về văn hoá, văn học Việt Nam và là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ văn khoa tại trường Đại học Tổng hợp Sorbonne Paris với kết quả xuất sắc.

Bảo vệ xong học viện Tiến sĩ, ông Nguyễn Văn Huyên quyết định về nước, không chịu ra làm quan mà chọn nghề dạy học và trở thành Giáo sư tại trường Bưởi từ tháng 2/1935-8/1938. Với lòng say mê khoa học, ông đã chuyển sang nghiên cứu các di sản văn hoá dân tộc. Chỉ trong khoảng 3 năm (1937-1940), ông đã có gần 20 công trình nghiên cứu đặc sắc về văn hoá Việt Nam. Do đó, ông được tín nhiệm và trở thành uỷ viên Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đông Dương (1941-1945), đồng thời là uỷ viên thường trực của trường Viễn Đông Bác Cổ (1938-1945).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiều trọng trách: Tổng Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ. Từ tháng 11/1946, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Đồng thời, ông còn tham gia nhiều hoạt động chính trị, xã hội khác như: Cố vấn của phái đoàn Chính phủ ở Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau năm 1946; Thành viên của phái đoàn Chính phủ; Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khóa V; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Trung.

Suốt 30 năm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã đem hết tâm sức, vượt mọi khó khăn để lãnh đạo xây dựng nền Giáo dục đạt được những thành tích đáng tự hào. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Ngày nay, ở thủ đô Hà Nội có 2 trường THPT và một đường phố mang tên ông. Tại Tuyên Quang có trường THPT Nguyễn Văn Huyên./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên