Hàng triệu học sinh lớp 12 trên cả nước chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Trước giờ “G”, mọi khâu chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất.

Đến thời điểm này, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) đã có thể phần nào yên tâm bàn giao lại cơ sở vật chất nhà trường để lên đường làm thi tại một điểm trường khác.

Là trường nằm ở huyện miền núi của Thanh Hóa, điều kiện giao thông, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, làm sao để tổ chức được kỳ thi an toàn cho học sinh, để không em nào vì khó khăn mà phải bỏ thi luôn là trăn trở của thầy Đạo cũng như lãnh đạo địa phương.

Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa)

Thầy Nguyễn Minh Đạo cho biết, hiện tại, mọi điều kiện cần thiết phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đều đã sẵn sàng. Với đặc thù miền núi, giao thông khó khăn, thời điểm thi lại vào mùa mưa, để đảm bảo an toàn cho thí sinh, Trường THPT Quan Sơn đã mượn thêm 1 điểm trường ngay sát trường để làm chỗ ăn ở, sinh hoạt cho thí sinh trong suốt thời gian thi.

“Ở đây có những em nhà ở xa, cách trường đến 60 km, nên chúng tôi tổ chức luôn cho các em đến trường thi từ sớm, trước 1-2 ngày, ăn ở tại một điểm trường ngay cạnh đó, thậm chí ở nhờ nhà thầy cô, nhà dân, đảm bảo không em nào phải đi xa, vất vả trong ngày thi. Những em có hoàn cảnh khó khăn, trường cũng có hỗ trợ riêng”, thầy Đạo cho biết thêm.

Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn chia sẻ, những năm qua, công tác tổ chức thi tại trường THPT Quan Sơn nói riêng và các trường trên địa bàn huyện nói chung đều diễn ra nghiêm túc, không xảy ra tình trạng gian lận, vi phạm quy chế. Song không vì thế mà việc tổ chức kỳ thi bị lơ là, công tác đảm bảo an ninh vẫn được siết chặt với sự phối hợp của lực lượng công an từ tỉnh, huyện, xã.

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, ngoài những điều kiện về cơ sở vật chất, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, Sở đã phối hợp với UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan ở các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ về nơi ở, phương tiện đi lại cho học sinh và gia đình học sinh trong thời gian thi. Đặc biệt là học sinh khuyết tật, con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và các thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, không để học sinh nào phải bỏ thi vì quá khó khăn về các điều kiện kinh tế, điều kiện đi lại.

Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn thành lập các đội tình nguyện “tiếp sức mùa thi” để hỗ trợ các thí sinh trong việc bố trí chỗ trọ, ăn ở… tại tất cả các điểm thi và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Để hỗ trợ thí sinh, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục có thí sinh dự thi rà soát, nắm bắt các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thí sinh vùng sâu, vùng xa để có phương án hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho thí sinh và người nhà trong những ngày thi.

Theo đó, các điểm thi đã bố trí chỗ ở trọ tại nhà dân và nhà công vụ đơn vị. Hiện tỉnh đã chuẩn bị trên 300 chỗ ở cho thí sinh, chủ yếu tại khu vực các huyện miền núi.

Một số trường đã bố trí suất ăn miễn phí cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 100.000 đồng/ngày cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng phương án đưa đón những thí sinh trong điều kiện thời tiết bất thường xảy ra như mưa to, bão, lũ,… và phương án phòng, chống dịch bệnh. Các điểm thi đã bố trí đội ngũ sinh viên, học sinh tình nguyện hỗ trợ cho thí sinh và người nhà thí sinh trong những ngày thi.

Các điểm thi đã bố trí đội ngũ sinh viên, học sinh tình nguyện hỗ trợ cho thí sinh và người nhà thí sinh trong những ngày thi.

Một trong những khâu được các địa phương đặc biệt quan tâm là đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay các khâu chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng. Trong đó vấn đề đảm bảo an ninh được đặt lên hàng đầu. Theo đó, khu vực in sao đề thi là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Trong khu vực in sao đề thi, không được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các loại điện thoại, trừ 1 điện thoại cố định có loa ngoài, kết nối với thiết bị ghi âm đặt tại vòng 2 được công an, cán bộ giám sát kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày, mọi cuộc liên lạc đều phải bật loa ngoài, ghi âm.

Việc bố trí nhân sự in sao đề thi theo quy định, thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo 3 vòng độc lập, những người làm việc trong khu vực in sao đề thi chỉ được hoạt động trong phạm vi không gian cho phép, đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cơ sở, vật chất sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Thanh Hóa

Về việc vận chuyển đề thi, Ban vận chuyển và bàn giao đề thitỉnh Quảng Bình gồm có 10 người, trong đó có 4 công an bảo vệ và 2 lái xe của công an tỉnh. Ban vận chuyển và bàn giao đề thi đã lập kế hoạch cụ thể, giao trách nhiệm cho các thành viên của Ban, thực hiện nhiệm vụ nhận đề thi từ Ban in sao đề thi, chia thành 2 tổ, bảo quản vận chuyển, phân phối đề thi đến 30 điểm thi trong ngày 6/7/2022.

Đề thi được niêm phong, bảo quản trong các thùng tôn được khóa và vận chuyển đến các Điểm thi bằng các xe đặc chủng của Công an. Toàn bộ quá trình giao nhận, vận chuyển đề thi được công an tỉnh bảo vệ và giám sát chặt chẽ.  

Còn tại tỉnh Lai Châu, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu cho biết, đã sẵn sàng cho kỳ thi. Các ngành chức năng cũng đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản để ứng phó với thời tiết mùa mưa lũ, xử lý khi có sự cố bất thường xảy ra, đảm bảo an toàn, an ninh cho tất cả thí sinh và cán bộ làm thi tại các điểm thi. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch cho thí sinh cũng được đặc biệt chú trọng.

Công tác đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch cho thí sinh cũng được đặc biệt chú trọng

Song ông Tuấn vẫn còn một số lo ngại khi quy chế thi cho phép thí sinh mang vào phòng thi máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thông tin, nhưng không thể nghe, xem và không thể nhận, truyền tín hiệu, âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác hỗ trợ. Nhưng tại các điểm thi của Lai Châu còn gặp khó khăn vì cán bộ coi thi còn thiếu nghiệp vụ để kiểm soát được tính năng hoạt động của các thiết bị mà quy chế cho phép.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, các điểm thi phải chuẩn bị địa điểm đảm bảo an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu, vật dụng bị cấm mang vào phòng thi theo quy chế, tuy nhiên, ở Lai Châu rất khó khăn về cơ sở vật chất, khuôn viên một số điểm thi chật hẹp nên khó khăn để bố trí địa điểm theo hướng dẫn.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công an lưu ý, tại các điểm thi hoặc các vị trí trọng yếu gần nhà dân cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tuyên truyền, cảnh báo đối với các hộ dân xung quanh. Có thể cho các hộ dân xung quanh điểm thi làm bản cam kết không vi phạm quy chế thi, an ninh trật tự của kỳ thi.

Các địa điểm cần giữ bí mật như sao in đề thi, điểm chấm thi và có biện pháp đảm bảo an toàn. Địa phương cần kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm trên. Bộ Công an sẽ sử dụng nhiều biện pháp để phòng chống gian lận thi cử, nhất là các vi phạm về sử dụng thiết bị công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, tổ chức kỳ thi là công việc cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, do đó, trong công tác chỉ đạo cần có một kế hoạch tổng thể, đảm bảo phân công “rõ người, kín việc”. Trong công tác phối hợp phải nhịp nhàng, chặt chẽ, trong công tác chỉ đạo phải quyết liệt, dứt điểm. Đồng thời, cần duy trì chế độ báo cáo, khi có vấn đề cần phát hiện sớm trên tinh thần phòng ngừa là chính.

Đặc biệt nhấn mạnh tới công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng cho rằng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để không có vi phạm và không thể vi phạm, đảm bảo cho một kỳ thi nghiêm túc. “Nếu còn một thí sinh vi phạm quy chế thì kỳ thi chưa thành công”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh./.

Thứ Ba, 11:53, 05/07/2022