Lạm thu khó chấm dứt?

Văn bản quy định là vậy, nhưng thực tế các trường vẫn “vẽ” ra 101 kiểu “tự nguyện”, “thỏa thuận” và phụ huynh thì không ai “dám” có ý kiến

Trước thềm năm học mới 2011 - 2012, Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT đã có công văn nghiêm cấm các trường thu các khoản thu sai quy định. Tuy nhiên, thực tế mỗi khi mùa tựu trường đến thì việc thu các khoản thu sai quy định dưới nhiều hình thức lại tái diễn và đè nặng lên vai phụ huynh. Năm học này, lệnh cấm trên liệu có nằm trên giấy?

Xử lý nghiêm nếu sai phạm

Trong văn bản Bộ GD-ĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ yêu cầu tăng cường công tác quản lý thu, chi, nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục. Đối với những khoản đóng góp được thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh (HS) để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong nuôi, dạy HS như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống... yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi. Mức thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ HS quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật; không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc HS đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái những quy định trên…

Để tăng cường quản lý thu chi trong năm học mới này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ thị cho các trường học trên địa bàn: tất cả các khoản thu đều phải công khai bằng văn bản gửi tới cha mẹ HS, không được thu gộp nhiều khoản tiền vào đầu năm học. Theo đó, 4 khoản nhà trường không được thu của HS là phục vụ bảo vệ, trông xe, an ninh và vệ sinh. Thu những khoản nào ngoài quy định bắt buộc, nhà trường phải trả lại cho cha mẹ HS và hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật. Sắp tới, Sở sẽ có các đoàn kiểm tra sát sao việc này.

Tương tự như vậy, để chấn chỉnh tình trạng lạm thu năm nay, Sở GD-ĐT Đà Nẵng có văn bản gửi đến trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện; hiệu trưởng các trường học, trung tâm... cấm các trường lợi dụng khẩu hiệu “xã hội hóa” để thu tiền. Tại TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ đạo, năm học 2011 - 2012, mọi khoản thu được phép thu theo đúng quy định của ngành đều giữ nguyên mức cũ. Sở yêu cầu các trường không được tham gia vận động cũng như không được thu hộ bất kỳ khoản thu nào khác ngoài quy định của ngành…

Vì sao khó chấm dứt?

Văn bản quy định là vậy, nhưng thực tế các trường vẫn “vẽ” ra 101 kiểu “tự nguyện”, “thỏa thuận” và phụ huynh thì không ai “dám” có ý kiến. Một phụ huynh có con học trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) phản ánh: Đầu năm học, con mới bước chân vào trường thì mẹ đã “chóng mặt” với bản danh sách dài các khoản thu từ tiền bàn ghế, điều hòa, máy chiếu, ban công và vô vàn khoản lặt vặt khác, tổng cộng khoảng 10 triệu đồng.

Một phụ huynh ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng lo lắng, ngay từ đầu năm học, chỉ riêng đóng tiền học tiếng Anh của con (do nhà trường kết hợp với một trung tâm Ngoại ngữ khác dạy) đã lên tới khoảng 10 triệu đồng gồm: học phí, tiền đầu tư cơ sở vật chất cho lớp học tiếng Anh… Cùng với khoản đóng góp ở trường, đầu năm học phụ huynh còn phải mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục cho trẻ nên gánh nặng lại càng lớn. Vì vậy, theo phụ huynh này, các trường không nên thu một lần vào đầu năm học mà có thể thu theo từng tháng để giảm áp lực cho phụ huynh.

Lý giải cho việc các trường "vẽ" ra đủ kiểu thu, hiệu trưởng một trường tiểu học (Hà Nội) cho rằng, hiện nay mức học phí (50.000 đồng/tháng) và các khoản thu theo quy định của thành phố đã quá cũ, nếu các trường chỉ trông chờ vào khoản thu này để hoạt động thì vô cùng khó khăn. Chính vì thế mới phát sinh các khoản thu không có trong quy định trên tinh thần “thỏa thuận” với cha mẹ HS. Thế nhưng, mỗi trường “lách” một kiểu không ai quản lý, nên mới dẫn tới vô vàn khoản thu bất hợp lý khiến cho không chỉ phụ huynh, ngành giáo dục mà cả xã hội cũng bức xúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên