Lật ngược một nghịch lý?

VOV.VN -Lượng tăng mà giá trị giảm, nghịch lý này kéo theo nghịch lý khác...

Lâu nay, có một vài số liệu vẫn được đăng đều trên các phương tiện thông tin đại chúng mà có lẽ không nhiều người chú ý, đó là số liệu về khối lượng và giá trị xuất khẩu nông sản kèm theo lời chú thích “tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị”. 

Nghịch lý này kéo theo nghịch lý khác là người nông dân phải trao đi nhiều hơn những tấn gạo, những bao cà phê, những thùng mủ cao su mà mình vất vả mới làm ra để rồi nhận về ít hơn những đồng tiền lẽ ra phải xứng đáng hơn rất nhiều thế. Liệu có thể lật ngược được nghịch lý đã tồn tại quá lâu tới mức như là nghiễm nhiên này hay không?

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm nay cả nước xuất khẩu 4,69 triệu tấn gạo với giá xuất khẩu bình quân giảm 3,2% so với năm 2012, cà phê xuất khẩu đạt kim ngạch 2,09 tỷ USD nhưng giảm 22,5% về giá trị, còn cao su xuất được 638.000 tấn, tăng 4,6% về khối lượng và giảm 14,1% về giá trị... 

Một chuyên gia nước ngoài, cách đây chưa lâu khi nhìn vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đặt vấn đề, liệu có cần thiết không khi có đến hơn một nửa dân số cùng tham gia vào sản xuất lúa gạo để mỗi năm chỉ mang về vài tỷ đô la kim ngạch xuất khẩu gạo. Mặc dù đó chỉ là vấn đề đặt ra của một người ngoài cuộc, song cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về hiệu quả sản xuất nông nghiệp của mình.

Có thể thấy sản lượng cà phê robusta của Việt Nam nhiều đến mức nếu biết điều hành lượng hàng xuất khẩu và thời điểm xuất khẩu, ta có thể làm thay đổi giá cà phê trên thị trường quốc tế (thực tế này đã từng có). Hạt tiêu của Việt Nam cũng có thể tác động được đến thị trường hạt tiêu thế giới tương tự thế. Phi lê cá tra nuôi của Việt Nam cho đến nay hầu như đang chiếm lĩnh thị trường thế giới… Tuy nhiên, trong thực tế, kết quả xuất khẩu nhiều nông sản của chúng ta vẫn lâm vào tình trạng lượng tăng nhưng giá bán và giá trị thu về giảm.

Một trong những nguyên nhân không hề mới nhưng quan trọng là lâu nay chúng ta xuất khẩu nông sản ở dạng nguyên liệu thô. Chè Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mới được xử lý rồi đóng gói mang thương hiệu nước ngoài. Thực tế mấy người tiêu dùng thế giới biết đến thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam (vài năm nay một số thương hiệu cà phê rang xay, hòa tan cũng đã bắt đầu định hình được nhưng chủ yếu là ở thị trường trong nước).

Theo tính toán của Tổ chức Oxfarm, trong tổng lợi nhuận của một cốc cà phê tính từ khâu trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến khi lên bàn điểm tâm của một người tiêu dùng ở châu Âu, 90% lợi nhuận thuộc về các doanh nghiệp rang xay, chế biến, kinh doanh.

Nhưng với sản xuất nông nghiệp ở ta, đầu tư cho chế biến cũng là bước nan giải. Chỉ tính đơn giản nhất là máy gặt, máy sấy ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang quá thiếu.

Một nguyên nhân quan trọng khác là sự phân chia lợi nhuận giữa các thành phần liên quan trong chuỗi sản xuất kinh doanh và xuất khẩu nông sản chưa hợp lý. Trước đây, người nông dân thường thiếu chủ động và luôn phải nhận về phần thiệt thòi. Họ sản xuất rồi bán nông sản cho thương lái hay doanh nghiệp với giá cả và tiến độ phụ thuộc vào người mua. Theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL của Trường ĐH Cần Thơ về chuỗi giá trị cá tra ở ĐBSCL, trong tổng lợi nhuận thu được từ con cá tra xuất khẩu, người nuôi cá thu được 19,4%, thương lái thu được 2,1%, 78,5% còn lại thuộc về công ty chế biến và kinh doanh xuất khẩu.

Gần đây, nhiều trường hợp, tình thế lại đổi chiều khi chính người nông dân găm hàng, lên giá, khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu cho chế biến, bị bạn hàng phạt vì giao hàng không đúng tiến độ và còn lỡ mất các hợp đồng xuất khẩu mới. Trong mọi trường hợp, phần thua thiệt vẫn rơi vào uy tín và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nhìn lại sản xuất nông nghiệp của chúng ta lâu nay, thấy rằng liên kết giữa 4 nhà (nhà nông - sản xuất, nhà doanh nghiệp - tiêu thụ, nhà khoa học - giải pháp giống và công nghệ, Nhà nước - quản lý) dường như chỉ được nhắc đến nhiều chứ ít được áp dụng nghiêm túc, đầy đủ vào thực tế.

Giống lúa IR 50404 được khuyến cáo là hạn chế trồng vì không được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng nên giá trị thấp nhưng thực tế người dân vẫn trồng, phần vì không nắm được thông tin rõ ràng, phần lại không có đủ giống lúa tốt để trồng cho thích hợp. Vườn cà phê già cỗi đến thời kỳ thay cây thì được cung ứng loại giống cà phê chất lượng kém. Có khi có cây giống chất lượng tốt lại gặp phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng nên cũng lại phải chặt hết vườn cây… Rồi chính sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn cho doanh nghiệp để thu mua tạm trữ lúa gạo, cà phê cho nông dân để giữ giá, rồi các biện pháp để giúp người nông dân lãi từ 30% trở lên, nhưng thực tế triển khai có nhiều vướng mắc khiến những ưu đãi này ít đến được tận người nông dân.

Các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng, để sản xuất và xuất khẩu nông sản đạt hiệu quả cao thì phải nâng tỷ lệ hàng hóa đã qua chế biến để tăng giá trị và giá bán sản phẩm, và quan trọng hơn là phải làm chủ được quá trình gia tăng giá trị của sản phẩm đó. Hay nói cách khác, cần phải giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Phải đầu tư đúng mức cho khâu chế biến, thiết thực nhất là thiết bị, công nghệ chế biến.

Gần đây, nhiều loại hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đã được miễn kiểm tra xác xuất về dư lượng hóa chất. Cho dù đây mới là chính sách mà Nhật Bản áp dụng đối với nguyên liệu nhập khẩu, nhưng cũng khẳng định được sản xuất của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường khó tính. Vấn đề là phải tiếp tục duy trì được độ tin cậy này để mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Có như vậy, xuất khẩu nông sản mới cải thiện được tình trạng lượng tăng mà giá trị giảm, để tiến tới lượng hàng xuất giảm mà giá trị mang về lại tăng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VN đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á về xuất khẩu đồ gỗ
VN đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á về xuất khẩu đồ gỗ

VOV.VN -8 tháng năm 2013 xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt trên 3,34 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012.

VN đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á về xuất khẩu đồ gỗ

VN đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á về xuất khẩu đồ gỗ

VOV.VN -8 tháng năm 2013 xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt trên 3,34 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 17,98 tỷ USD
Xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 17,98 tỷ USD

VOV.VN -Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,99 tỷ USD; thuỷ sản ước đạt 4 tỷ USD...

Xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 17,98 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 17,98 tỷ USD

VOV.VN -Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,99 tỷ USD; thuỷ sản ước đạt 4 tỷ USD...

Bài học xuất khẩu gạo
Bài học xuất khẩu gạo

VOV.VN - Thiếu thị trường truyền thống vững chắc, hợp đồng xuất khẩu bị hủy khiến việc xuất khẩu gạo ngày càng thêm khó.

Bài học xuất khẩu gạo

Bài học xuất khẩu gạo

VOV.VN - Thiếu thị trường truyền thống vững chắc, hợp đồng xuất khẩu bị hủy khiến việc xuất khẩu gạo ngày càng thêm khó.

Xuất khẩu cà phê giảm cả về lượng và giá trị
Xuất khẩu cà phê giảm cả về lượng và giá trị

VOV.VN -Khối lượng xuất khẩu cà phê ước đạt 974.000 tấn với giá trị 2,09 tỷ USD

Xuất khẩu cà phê giảm cả về lượng và giá trị

Xuất khẩu cà phê giảm cả về lượng và giá trị

VOV.VN -Khối lượng xuất khẩu cà phê ước đạt 974.000 tấn với giá trị 2,09 tỷ USD