“Lịch sử phải là môn học độc lập và bắt buộc trong giáo dục phổ thông“
VOV.VN - Nhiều giáo viên, chuyên gia lịch sử cho rằng: Lịch sử phải là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến cấp THPT.
Đó là ý kiến của nhiều giáo viên, chuyên gia lịch sử tại hội thảo về môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tham luận của các giáo viên, chuyên gia lịch sử tại hội thảo nêu rõ, Lịch sử phải được coi là môn học khoa học với tính giáo dục toàn diện và hệ thống. Dạy lịch sử là dạy cho học sinh về truyền thống dân tộc, quá trình dựng nước và giữ nước. Trong bậc phổ thông, môn lịch sử phải được coi là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc. Nếu tích hợp môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông với các môn khác thành môn học Công dân với Tổ quốc như trong dự thảo cũng đồng nghĩa với xóa bỏ môn lịch sử trong giáo dục phổ thông.
Quang cảnh hội thảo |
Giáo sư Trần Thị Vinh, Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, tích hợp các môn học là xu hướng đúng, nhưng chỉ tích hợp ở cấp tiểu học, còn cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở thì phải có sự phân hóa. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chia nhỏ môn Lịch sử, lấy một ít nội dung đem tích hợp với các môn khác ở bậc trung học phổ thông là đi ngược lại xu thế thế giới, không có cơ sở khoa học mà chỉ là giảm bớt một số môn một cách cơ học:
“Tích hợp ba phân môn Giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và lịch sử là một môn học là cách tích hợp không có cơ sở thực tiễn, không có cơ sở khoa học và không khả thi. Khi thiết lập một môn học mới, điều đầu tiên mà người ta phải quan tâm tới là cơ sở khoa học để tích hợp ba môn này. Trên thực tế, 3 môn này có định hướng khoa học khác nhau, nội dung khác nhau, mục tiêu khác nhau, rõ ràng là không có cơ sở nào để tích hợp”, Giáo sư Trần Thị Vinh nói.
Phân tích về thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, các đại biểu cho rằng, học sinh không thích học môn Lịch sử chứ không phải là không thích lịch sử. Nguyên nhân do chương trình nặng nề, kiến thức hàn lâm, giáo viên dạy chưa hấp dẫn, cơ cấu ngành nghề trong xã hội… nên học sinh không chọn môn Lịch sử.
Theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, xảy ra tình trạng này do chúng ta chưa xác định đúng vị trí của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông: “Người ta đã xếp Lịch sử vào môn phụ, môn học cũng được mà không học cũng không sao, không học, không thi. Như vậy, tất nhiên là bản thân môn Sử cũng có những vấn đề, có những yếu kém. Nhưng kiểu tổ chức như thế này, không đầu tư, không tổ chức và người học môn Sử không nhìn thấy tương lai người ta học làm gì. Tôi cho rằng cái quan trọng nhất là phải đặt lại vị trí của môn Sử, đặt đúng vị trí của nó trong nền giáo dục của đất nước này may ra mới cải thiện được. Nếu tiếp tục như thế này rõ ràng tàn lụi thôi”.
Một số đại biểu cũng khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông nhưng phải tôn trọng những giá trị đặc thù của bộ môn Lịch sử, không nên chia nhỏ môn học để tích hợp với các môn học khác. Điều quan trọng là phải khắc phục những yếu kém, bất cập trong dạy và học môn Lịch sử hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến lại đồng tình với việc tích hợp môn Lịch sử như trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho rằng, không nên bàn quá nhiều về việc môn Lịch sử sẽ được tích hợp với môn học nào mà cần chú trọng đến việc học sinh sẽ học được những bài học lịch sử gì, có kiến thức, năng lực về môn Lịch sử như thế nào.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu và sẽ xem xét trên cơ sở khách quan, khoa học.
Ông Hiển cũng cho biết, việc tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác không phải để giảm số môn học, cũng không hạ thấp giá trị môn Lịch sử mà hướng đến mục tiêu hiệu quả trong giáo dục Lịch sử. Từ kiến thức trong sách, được giáo viên truyền dạy như thế nào để học sinh hứng thú và tìm học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các giáo viên, nhà khoa học đóng góp ý kiến về việc làm thế nào để môn Lịch sử xứng đáng với vai trò lịch sử, giáo dục lịch sử có hiệu quả nhất trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông./.