Liên tiếp có trẻ tử vong do đuối nước, hồi chuông báo động với phụ huynh

VOV.VN - Chỉ mới bắt đầu mùa hè, nhưng trên cả nước đã liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em, gióng lên hồi chuông báo động về tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, dạy kỹ năng mềm cho trẻ.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4/2021 đến nay, trên cả nước đã liên tiếp xảy ra hàng chục vụ trẻ em đuối nước thương tâm.

Mới đây nhất, chiều 16/5, ông Nguyễn Sỹ Kiêm, Chủ tịch UBND xã Cư Dliê M’Nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy vụ đuối nước thương tâm khiến hai chị em ruột tử vong. Các nạn nhân bị đuối nước là cháu Phan Thị Thanh L. 13 tuổi, và em trai ruột Phan Thanh N. 11 tuổi, cả hai trú thôn 1, xã Cư Dliê M’Nông. Cháu Thanh L. là học sinh khối 7 trường THCS Hoàng Hoa Thám; còn cháu Thanh N. là học sinh khối 5 trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Dliê M’Nông.

Vụ đuối nước xảy ra khi hai cháu L. và em trai theo mẹ lên nương làm rẫy. Sau đó, cả hai đến khu vực hồ thủy lợi Drao cuối thôn 1, xã Cư Dliê M’Nông chơi. Do bờ hồ thủy lợi Drao tương đối cao và dốc, trong lúc chơi, cả hai không may trượt chân rơi xuống lòng hồ dẫn tới đuối nước.

Ngày 14/5, tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), 2 cháu bé gái là Mang Thị K’T. (10 tuổi) và Mang Thị K’Th. (6 tuổi) là 2 chị em ruột trong một gia đình ở khu phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà vào rẫy cà phê của gia đình chơi. Trong lúc vui đùa, cả 2 cháu bé đã trượt ngã xuống mương dẫn nước vào một hồ chứa để tưới cà phê của người dân trong khu vực. Không thấy 2 cháu về nhà nên gia đình đã huy động người thân, hàng xóm tổ chức tìm kiếm thì phát hiện các cháu đã tử vong.

Trước đó, ngày 13/5, tại huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk 2 học sinh lớp 7 cũng đã tử vong do đuối nước khi rủ nhau đi tắm sông Krông Nô.

Phòng chống đuối nước không chỉ là học bơi

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tại Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù, trong những năm qua số lượng trẻ em bị đuối nước đã giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại những nơi cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

Ths Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam có tới 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao. Trong đó, đặc điểm chung của trẻ em là hiếu động, đặc biệt trong thời gian các em nghỉ dịch, nghỉ hè ở nhà, đa số phụ huynh vẫn phải đi làm hàng ngày, không thể quan sát các em thường xuyên, dẫn đến việc các em tự ý hoặc rủ nhau đi chơi, tắm sông, biển mà không được sự cho phép của cha mẹ và người giám sát.

Thứ hai, hệ thống ao, hồ, sông, suối, biển ở nước ta rộng lớn, nhưng lại không có biển cảnh báo trong khi số lượng bể bơi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn chưa nhiều, vì vậy trẻ em tại các vùng nông thôn thường có xu hướng đi bơi, đi tắm tại sông. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không có đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp như tại các bể bơi, rất khó để người lớn có thể hỗ trợ, giúp đỡ các em khi có nguy hiểm xảy ra.

“Bên cạnh đó, kỹ năng thiết yếu phòng tránh đuối nước, không chỉ là kỹ năng bơi. Nhưng trẻ em Việt Nam còn chưa được trang bị những kiến thức, kĩ năng về phòng tránh đuối nước và xử lý phù hợp khi bản thân hoặc bạn bè bị đuối nước dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra”, bà Linh cho biết.

Cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

Để giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là đuối nước, bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, cần có sự phối hợp đa bên, liên ngành cùng sự chung tay của cả xã hội, gia đình, nhà trường và chính các em là vô cùng cần thiết.

“Ngoài các nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện các chính sách, chương trình bảo vệ trẻ em, tôi muốn nêu bật vai trò của cộng đồng, gia đình và nhà trường. Việc đầu tiên cần làm trang bị cho trẻ em những kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh đuối nước và ứng xử khi gặp tình huống đuối nước.

Việc giáo dục cho trẻ các kỹ năng sống thiết yếu này là vô cùng cần thiết, ngay từ khi trẻ bắt đầu nhận biết xung quanh. Trong các buổi đối thoại, diễn đàn trẻ em gần đây do  Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức, nhiều em học sinh đã bày tỏ mong muốn, nhu cầu về việc tăng cường các khoá học kĩ năng sống, trong đó có kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước. Vì vậy, việc đưa các lớp học, bài học về kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích trong các chương trình học phổ thông hoặc hoạt động ngoại khoá là vô cùng cần thiết”, bà Phương Linh cho biết.

Chuyên gia này cũng lưu ý về phương pháp giảng dạy, giáo dục kỹ năng cho trẻ, dạy kỹ năng phải tập trung vào thực hành, phương pháp tư duy, xử lý tình huống chứ không chỉ là lý thuyết. Bố mẹ và thầy cô không thể ở bên trẻ 24/7, do đó cần tìm các phương pháp giáo dục thân thiện với trẻ, giúp con nhận biết các nguy hiểm và rủi ro, tư duy phân tích và phản biện, cách xử lý tình huống và giải quyết, tự bảo vệ mình và bạn bè.

Ví dụ, riêng trong vấn đề đuối nước, ngoài việc thực hành dạy bơi và chống đuối nước cho trẻ, cần cho trẻ nhận biết rằng trẻ em dù biết bơi vẫn có thể đuối nước, dù biết bơi cũng chưa chắc đã cứu được bạn mình. Ngoài việc tập bơi, trẻ cần biết các kỹ năng tự cứu, xử lý tình huống, ví dụ khi bị chuột rút, thoát hiểm khi đuối sức, cứu đuối an toàn tự bảo vệ mình và bạn bè, sơ cứu đuối nước…

Bên cạnh việc giáo dục trẻ như kể trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh cho rằng, việc đảm bảo môi trường, không gian an toàn cho trẻ là rất quan trọng. Khi ở nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ không nên để các lu nước, chậu nước, bể nước mở nắp dễ gây tai nạn cho trẻ nhỏ. Nếu buộc phải trữ nước ở các khu vực thiếu nước ngọt, các bể, đồ chứa cần có nắp đậy chặt không trong tầm tiếp cận của trẻ. Ở các khu vực cộng đồng, ao hồ, biển cần có biển cảnh báo, rào chắn cần thiết…Bên cạnh đó, cần tăng cường số lượng bể bơi đạt tiêu chuẩn, có đội ngũ cứu hộ tại các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, tạo ra một môi trường vui chơi, tập luyện thể thao an toàn cho trẻ tham gia, từ đó giảm đi những trường hợp đuối nước đau lòng và đáng tiếc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè
Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè

VOV.VN - Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè.

Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè

Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè

VOV.VN - Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè.

Cảnh báo nguy cơ trẻ đuối nước khi vào Hè
Cảnh báo nguy cơ trẻ đuối nước khi vào Hè

VOV.VN - Dù trẻ biết bơi, nguy cơ đuối nước vẫn luôn rình rập, theo đó, không chỉ trẻ em mà người lớn vẫn cần biết những kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước.

Cảnh báo nguy cơ trẻ đuối nước khi vào Hè

Cảnh báo nguy cơ trẻ đuối nước khi vào Hè

VOV.VN - Dù trẻ biết bơi, nguy cơ đuối nước vẫn luôn rình rập, theo đó, không chỉ trẻ em mà người lớn vẫn cần biết những kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước.

2 bé gái là chị em ruột đuối nước thương tâm
2 bé gái là chị em ruột đuối nước thương tâm

VOV.VN - Một vụ đuối nước thương tâm vừa xảy trên địa bàn thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Nạn nhân là 2 cháu bé gái trong cùng một gia đình.

2 bé gái là chị em ruột đuối nước thương tâm

2 bé gái là chị em ruột đuối nước thương tâm

VOV.VN - Một vụ đuối nước thương tâm vừa xảy trên địa bàn thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Nạn nhân là 2 cháu bé gái trong cùng một gia đình.

Đi tắm sông, hai nữ sinh đuối nước thương tâm
Đi tắm sông, hai nữ sinh đuối nước thương tâm

VOV.VN - Sáng nay (13/5), ông Đặng Xuân Kiên – Bí thư Đảng ủy xã Ea R’bin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk xác nhận, trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai học sinh lớp 7 tử vong thương tâm. 

Đi tắm sông, hai nữ sinh đuối nước thương tâm

Đi tắm sông, hai nữ sinh đuối nước thương tâm

VOV.VN - Sáng nay (13/5), ông Đặng Xuân Kiên – Bí thư Đảng ủy xã Ea R’bin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk xác nhận, trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai học sinh lớp 7 tử vong thương tâm.