Miễn học phí, cho vay ưu đãi với sinh viên sư phạm?
VOV.VN -Việc thay đổi chính sách học phí với sinh viên sư phạm không quan trọng bằng việc tạo việc làm và có được mức lương cao cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Theo quy định hiện hành, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí. Kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, chính sách này đã tồn tại một số hạn chế, bất cập như học sinh ra trường không làm đúng ngành giáo dục, dẫn đến chính sách hỗ trợ của nhà nước không hiệu quả. Đồng thời, chính sách này không còn phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học (ĐH) nói chung và các trường sư phạm nói riêng, không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do phụ thuộc tâm lý chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.
Luật Giáo dục sửa đổi quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí bằng được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí |
Vì vậy, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV này, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến. Theo đó, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí bằng quy định: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ thì được miễn khoản vay này.
Như vậy, theo quy định mới, việc miễn học phí cho học sinh theo học ngành sư phạm sẽ không mở như hiện nay nữa mà sẽ được thực hiện theo đúng đối tượng. Thế nhưng, với quy định mới thì liệu ngành Giáo dục có thu hút được học sinh giỏi vào trường sư phạm và liệu rằng, bức tranh tuyển sinh của các trường sư phạm sẽ như thế nào?
Đóng học phí không quan trọng bằng việc tạo việc làm và lương cao
Ông Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc đóng góp ý kiến, đúng như Bộ GD-ĐT đề cập, chính sách mới đối với sinh viên sư phạm mang lại một số ưu điểm. Đó là đối với học sinh, sinh viên được vay tín dụng để nộp đủ mức học phí và có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học, sau này ra trường làm đúng nghề sư phạm được xóa khoản vay. Như vậy, nếu sau khi ra trường làm trong ngành sư phạm thì sinh viên vẫn không phải chi trả khoản học phí.
Đối với trường sư phạm, sinh viên đóng học phí đầy đủ cho nhà trường theo mức thu, trường có nguồn thu trực tiếp để chủ động trang trải chi phí.
Khi thực hực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, làm chính sách hỗ trợ không hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Thanh Tâm, khi chúng ta vẫn đang thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì số lượng học sinh giỏi đăng ký học đã ít hơn so với những năm trước. Còn nếu Bộ GD-ĐT đề xuất thay đổi chính sách học phí đối với sinh viên sư phạm thì có thể càng ít học sinh (đặc biệt là học sinh giỏi) đăng ký hơn so với hiện nay.
Là trường có đào tạo chuyên ngành sư phạm ở khu vực miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nếu thực hiện theo chính sách học phí mới, có nghĩa là không mở rộng miễn học phí cho tất cả học sinh đăng ký học sư phạm thì ĐH Tây Bắc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút học sinh.
Theo ông Đinh Thanh Tâm, trước kia, học sinh đăng ký vào các trường sư phạm là vì được miễn đóng học phí. Thế nhưng, cho đến nay, cuộc sống của nhiều gia đình học sinh đã khá giả hơn nên chuyện đóng học phí trong suốt thời gian học ĐH không có gì là quá khó khăn. Thậm chí, nếu em nào có hoàn cảnh khó khăn thì vẫn có thể vay tiền ngân hàng để đóng. Điều quan trọng nhất để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm chính là cơ hội có được việc làm và mức lương đủ sống chứ không phải là vấn đề học phí nữa.
Giảm mạnh chỉ tiêu, liệu có thu hút học sinh giỏi vào trường Sư phạm?
Cần sự kết hợp chặt chẽ giữa trường ĐH và các địa phương
Góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay, số lượng các trường đào tạo giáo viên khá lớn (bao gồm cả ĐH và CĐ). Thế nhưng, chất lượng đào tạo của nhiều trường không được như yêu cầu. Vì vậy, Chính phủ nên thực hiện bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Tuy nhiên, song song với việc bỏ miễn học phí thì ngành Giáo dục nên nghiên cứu để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và tốt nghiệp là có việc làm; đề xuất với Chính phủ nâng cao đời sống của giáo viên bằng cách tăng lương.
Để sinh viên sư phạm tốt nghiệp có việc làm, theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, các trường sư phạm cần có sự liên kết mạnh mẽ với cơ quan quản lý giáo dục, các trường học, địa phương để xác định quy hoạch cần bao nhiêu giáo viên trong tương lai để có định hướng tuyển sinh, đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Trong khi ngân sách Nhà nước còn có hạn, việc tăng lương cho giáo viên có thể không thực hiện đồng loạt mà có thể nâng lên ở một số khu vực, địa phương. Trước tiên, chưa nên tăng lương cho giáo viên ở các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện kinh tế phát triển, đời sống giáo viên không đến nỗi quá khó khăn.
Việc tăng lương cho giáo viên nên được áp dụng thí điểm ở những địa phương, vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn./.