Một bộ phận thầy cô giáo sa đà vào việc “kinh doanh” giáo dục
VOV.VN -Một bộ phận thầy cô giáo chạy theo lối sống kiếm tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò.
Bên cạnh những người thầy ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người của dân tộc, hun đúc nên sự nghiệp vẻ vang của nền giáo dục nước nhà nói chung và đạo đức giáo dục nói riêng thì xã hội cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng trước những hiện tượng một bộ phận thầy giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách.
Những gian lận trong chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La có sự tha hóa của một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (ảnh minh họa) |
Một bộ phận thầy cô giáo chạy theo lối sống kiếm tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò. Đau lòng hơn, còn có những thầy cô vô tâm hành hạ, đánh đập, dùng áp lực, xúc phạm đến nhân cách học trò. Những hiện tượng này đã làm cho xã hội không khỏi hoang mang, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân nên cần phải được chấn chỉnh.
Đó là những trăn trở của PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục tại Diễn đàn Khoa học Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay diễn ra sáng 28/8 tại Hà Nội.
Mỗi thầy cô giáo phải không ngừng rèn luyện
Theo PGS.TS Tô Bá Trượng, để nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo, mỗi thầy cô giáo phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó là không được trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến với người học, không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học. Mỗi thầy cô giáo tuyệt đối không được xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học.
Nhằm giúp thầy cô giáo có ý thức tự rèn luyện và không ngừng rèn luyện đạo đức, PGS.TS Tô Bá Trượng cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông mới phải nêu rõ được vai trò, trách nhiệm và không ngừng rèn luyện của người thầy trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sách giáo khoa phổ thông mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực, tính chủ động, sáng tạo, khả nặng tự học của học sinh gắn kiến thức tiếp thu được với thực tiễn cuộc sống.
Nên đưa môn giáo dục đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy
Đề đến đạo đức nhà giáo, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn khi những năm qua, ngành Giáo dục đã phải đối diện với những thách thức trước tình trạng một bộ phận giáo viên tha hóa, biến chất, đánh mất nhân cách người thầy. Đó là có những người tiếp tay cho nạn tiêu cực trong chấm thi ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 diễn ra ở các địa phương như: Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.
Một bộ phận giáo viên sa đà vào thương mại hóa giáo dục, bắt ép học sinh học thêm dẫn đến bức xúc trong xã hội (ảnh minh họa: Lao động) |
Một bộ phận khác thì lợi dụng uy tín của người thầy để uy hiếp, đe dọa danh dự học sinh, thậm chí lạm dụng tình dục học trò; đổi tình lấy điểm, thương mại hóa các hoạt động giáo dục, bắt ép học sinh học thêm, nhồi nhét kiến thức dẫn đến nhiều hiện tượng thầy đánh trò, trò tấn công lại thầy làm dấy lên vấn nạn về bạo lực và sự xuống cấp của văn hóa học đường.
Những thách thức trên đòi hỏi ngành Giáo dục cần có giải pháp để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp. Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, bên cạnh việc mỗi cơ quan sử dụng, quản lý cán bộ công chức, người lao động phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử về chuẩn đạo đức nghề nghiệp thì cần đưa môn giáo dục đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy chính thức trong các cơ sở đào tạo, dạy nghề.
Cần biện pháp xử lý nghiêm khắc
Đóng góp vào việc nâng cao đạo đức nhà giáo, bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc truyển đạt kiến thức, đạo đức của người làm nhà giáo cần được nhân rộng ở lòng nhân ái, sự bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; tận tụy với “nghề trồng người”; công bằng trong giảng dạy và ứng xử với học trò, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học…
Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. |
Xã hội cần công tâm hơn khi nhìn nhận về nghề giáo bởi những đóng góp của phần lớn người làm trong ngành giáo dục rất đáng trân trọng.
Thời gian qua, có một số vụ nổi cộm như gian lận thi cử, cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng hay xâm phạm đến học trò là những hành vi vi phạm đạo đức của nhà giáo thì ngành Giáo dục cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc để không xảy ra trường hợp tương tự.
Theo bà Kim Tuyến, bên cạnh việc nhìn nhận những nổi cộm trong ngành giáo dục như hạn chế về chuyên môn của một bộ phận nhà giáo, hay sự tha hóa về đạo đức, thì nên chăng chúng ta cũng cần tôn vinh những tấm gương tiêu biểu về nhân cách nhà giáo.
Ví dụ nhà giáo như hết lòng vì học sinh, giúp học sinh vượt qua mọi khó khăn, hoặc không ngừng trau dồi kiến thức, đạo đức nghề nghiệp để xã hội cùng ghi nhận, biểu dương. Đó cũng là một trong những giải pháp mà ngành Giáo dục cần quan tâm để nâng cao đạo đức nhà giáo./.
Đừng “giết chết” tương lai của con ở lớp học thêm
Đánh học sinh, ép học thêm, giáo viên có thể bị phạt tới 30 triệu đồng