Nam sinh ở Hà Giang dựng lán bên sườn núi bắt sóng 4G để học online

VOV.VN - Nhà của Xá ở bản Sủng Của, nơi sóng điện thoại chập chờn, việc học online khó khăn lắm. Nên dù có phải dựng lán bên sườn núi để học Xá cũng làm.

Những ngày này, Cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang lại lạnh chẳng khác nào cuối đông, càng lên cao càng lạnh, Lầu Mí Xá một mình ngồi trong chiếc lán được dựng tạm từ vài cây gỗ, miếng bạt chênh vênh sát vách vực. Dân bản đi qua đều lấy làm lạ, đỗ lại hỏi Mí Xá: “Mày dựng lều trồng ngô à Mí Xá”?,  “Cháu dựng để học bài”, Mí Xá nói. Ai cũng lắc đầu quầy quậy: "khổ thế, học thế thì học làm gì".

Túp lều được Lầu Mí Xá dựng lên để bắt sóng 4G, học online. (Ảnh: Fanpage: Người Hà Giang)

Việc học, con chữ với người dân bản Sủng Của, xã Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang) quê Mí Xá là điều xa lạ lắm, ai cũng nghĩ đến no cái bụng trước, còn con chữ, biết hay không không quan trọng. Nhưng với Xá thì khác, Xá nghĩ, phải học thì mới có cơ hội thay đổi cuộc sống.

Lầu Mí Xá hiện đang là sinh viên năm 3 Học viện hành chính quốc gia. (Ảnh: FBNV)

Lầu Mí Xá hiện đang là sinh viên năm 3 của Học viện Hành chính quốc gia. Cũng như nhiều sinh viên khác trên cả nước, Xá đang đươc nghỉ học tránh dịch ngay sau khi hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Không đến trường, Xá có thời gian giúp đỡ bố mẹ làm nương, cắt cỏ, thế nhưng lại chẳng thể tham gia các lớp học online của trường.

Xá cùng bạn dựng lán để học. (Ảnh: Fanpage: Người Hà Giang)

“Nhà em ở trên bản, sóng điện thoại cũng yếu, chập chờn lúc được lúc không, nên không thể bắt được mạng để vào lớp học. Cả thôn nơi duy nhất có thể bắt được internet là điểm trường Sùng Của, nhưng nơi đây đã được xã chọn làm điểm cách ly những người từ Trung Quốc trở về. Em đã nghĩ chắc mình phải bảo lưu kỳ học này”, Xá kể.

Dù khó khăn là thế, nhưng Xá vẫn không từ bỏ, nam sinh nghĩ, kiểu gì trong bản chả có điểm vừa cao vừa thoáng có sóng 4G ổn định. Nghĩ vậy, Xá vừa đi quanh bản vừa cầm điện thoại để dò sóng, cho đến khi tìm được khu vực bên sườn núi cheo leo, cách nhà chừng gần 1 cây số.

Tìm được chỗ có sóng điện thoại ổn định, Xá bắt tay ngay vào dựng lán trên mảnh đất nhỏ thoai thoải bên sườn núi. Xá bảo, dù dựng tạm, nhưng lán chắc chắn và kín gió, có khi ở đến 6-7 người cũng đủ.

Ngày đầu tiên dựng xong lán, Xá rủ thêm 2 người bạn sang ngủ cùng, đúng đêm hôm ấy, mưa như trút nước, ở trong lán Xá “ướt như chuột lột”. sáng hôm sau, vì đang có dịch, nên chợ phiên cũng không họp nữa, Xá phải xuống nhà anh rể xin thêm phông bạt kiên cố lại lớp học.

Bên trong "căn cứ địa" của chàng sinh viên người Mông trong những ngày học online. (Ảnh: Fanpage Người Hà Giang)

“Giờ nếu học xong sớm thì em về nhà giúp bố mẹ việc nhà, còn không thì em ngủ lại ở lán luôn cũng  được. Trong này em có cả điện chiếu sáng và đủ chăn ấm, hôm nào trời mưa phùn hay có sương lạnh, thì em đóng chặt cửa cho đỡ”, Xá kể.

Sinh ra trong gia đình có 3 chị em, anh trai Xá đã qua đời từ khi Xá học lớp 8, sau đó 1 năm, người chị gái của Xá cũng lấy chồng xa. Bởi vậy, bố mẹ Xá chỉ mong Xá nghỉ học, ở nhà lấy vợ để giúp đỡ gia đình. Thế nhưng Xá không đồng ý, em muốn đi học, muốn được trở thành cán bộ xã, mang tri thức và ánh sáng về cho bản làng. Xá muốn sau này sẽ có nhiều đứa trẻ ở Sủng Của được đến trường, được nhìn thấy thế giới ngoài kia, sau những vách núi đá.

Đỗ vào Học viện Hành chính quốc gia, Xá là người duy nhất của bản được đi học. Bởi vậy, Xá luôn ý thức được việc học là quan trọng và không ngừng cố gắng.

Lên đại học, dù được miễn học phí theo chế độ chính sách của Nhà nước với con em đồng bào dân tộc thiểu số, Xá vẫn tự xoay sở đi làm thêm từ bốc vác đến sơn sửa, chạy grab để có tiền tham gia các khóa học kỹ năng khác bên ngoài. Chiếc xe máy được bố mẹ đổi từ con bò duy nhất trong nhà theo Xá xuống Hà Nội phục vụ việc học và làm thêm.

"Ở bản em, mọi người không tha  thiết với việc học, nhưng em muốn chứng minh cho mọi người thấy nếu đi học sẽ làm được nhiều điều có ích hơn là làm nương cắt cỏ", Xá nói.

Cô Lý Kim Bình (Phòng Quản lý đào tại và Phát triển nhân lực hành chính, Học viện Hành chính Quốc Gia) cho biết, cô được biết về câu chuyện hiếu học của Mí Xá qua một vài sinh viên khác.

“Từng có thời gian dài học nội trú, nên khả năng tự lập của Xá rất tốt. Ở trường em ấy cũng là học sin chăm chỉ, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong lớp. Tôi cho rằng câu chuyện của Xá sẽ là tấm gương để học sinh nhiều vùng miền trên cả nước cố gắng học tập, không khuất phục trước khó khăn trong mùa dịch”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên