Di dời các trường ĐH, CĐ:

Nan giải tìm nguồn vốn và quỹ đất sạch

Việc mở rộng và phát triển các trường ĐH, CĐ sẽ hiệu quả nếu chúng ta có sự quy hoạch đồng bộ, huy động hợp lý về nguồn vốn, tạo quỹ đất sạch cho sự phát triển giáo dục.  

 Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, từ tháng 2-8/2011, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thuộc diện phải di dời ở Hà Nội và TP HCM phải phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT). 

ĐH Y Hà Nội có bề dày phát triển cả trăm năm nay cũng trong danh sách phải di dời đến
địa điểm mới

Dự kiến sẽ có 23 cơ sở giáo dục cần cải tạo và di dời. Theo đó, 12 cơ sở giáo dục phải di dời gồm: ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở Hà Nội, CĐ Công nghệ cao Hà Nội, CĐ Y tế Hà Nội.

11 cơ sở giáo dục dự kiến phải cải tạo là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, CĐ Nghệ thuật Hà Nội.

Sau khi di dời, các trường sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh như: Gia Lâm (khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo khối Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (ngành Văn hóa xã hội, Sư phạm, Du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐH Quốc gia Hà Nội, đào tạo ngành Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kỹ thuật, Y dược và các nghiên cứu chuyên sâu).

Lộ trình đăng ký di dời đến địa điểm mới đã rõ ràng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ chưa được thông tin về tiêu chí di dời. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOVNews phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

PV: Từ tháng 2-8/2011, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ thuộc hai vùng Hà Nội và TP HCM phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch. Theo Thứ trưởng, tại sao trong một thời gian ngắn mà lại yêu cầu các trường quyết định một chủ trương lớn như vậy?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc di dời các trường ĐH đến một địa điểm khác trước tiên xuất phát từ yêu cầu của các trường khi thấy quỹ đất của mình quá nhỏ hẹp, khó có thể nâng cấp, mở rộng, phát triển trong tương lai. Ví dụ như trường ĐH Luật TP HCM, diện tích của trường quá nhỏ hẹp để xây dựng thêm phòng học, mở rộng ngành nghề nên lãnh đạo nhà trường đã có công văn đề xuất lên thành phố, Bộ GD-ĐT xem xét đăng ký di dời. Theo yêu cầu này, TP HCM cũng như Bộ GD-ĐT phải tìm hiểu thực tế và xem xét kỹ lưỡng trước khi đồng ý đề xuất của ĐH Luật TP HCM.

Từ tháng 2-8/2011, các trường ĐH, CĐ thuộc hai vùng Hà Nội và TP HCM phải phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới. Yêu cầu này không phải vì quỹ đất quá tải của thành phố mà là vì sự phát triển lâu dài của nhà trường, bởi vì nếu không đăng ký sớm thì quỹ đất dành cho xây dựng các trường ĐH, CĐ xung quanh nội thành sẽ hết dần nếu như các ngành khác nhanh chân đăng ký trước. Vì vậy, các trường phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký kế hoạch di dời để UBND TP Hà Nội, TP HCM, Bộ Xây dựng sớm phân bổ quỹ đất cho các trường.

 PV: Trong 10 năm nay, việc di dời ĐH Quốc gia Hà Nội ra ngoại thành còn quá chậm chạp. Liệu lần này, việc di dời một số lượng khá lớn các trường ĐH ra khỏi nội thành Hà Nội liệu có là quá viển vông không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong 10 năm qua, khó khăn đối với việc di dời ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Đà Nẵng là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nếu các trường ĐH không đăng ký di dời trong đợt này thì giá thành giải phóng mặt bằng để lấy quỹ đất sẽ ngày càng tăng lên.

Theo tôi, khó khăn nhất của việc di dời các trường ĐH ra khỏi nội thành là giải phóng mặt bằng và tìm được quỹ đất sạch. Vì vậy, ngành GD cần được hỗ trợ nguồn vốn, ngân sách hay nguồn vay ODA để xây dựng một vài trường ĐH trước. Số tiền thu được do bán quỹ đất cũ của các trường sẽ được dùng để xây dựng các trường ĐH khác. Còn nếu làm như bấy lâu nay là cứ quy hoạch vùng đất rồi sau đó để đấy thì còn lâu chúng ta mới có thể xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trường ĐH.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện bình quân diện tích đất cho 1 SV ĐH, CĐ trong các trường công lập vào khoảng 35,7m2, quá thấp so với tiêu chuẩn mà Việt Nam đề ra từ năm 1985 (khoảng 55 đến 85m2 đất/SV).

Tại Hà Nội, trừ ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường CĐ tại Hà Tây cũ, bình quân trên toàn thành phố, số m2 diện tích đất/SV ĐH, CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 13m2. Trong đó, khoảng 40% số trường có số m2 diện tích đất/SV thấp dưới 5m2/SV.

Tại TP HCM, quỹ đất còn hạn hẹp hơn khi bình quân chung số m2 diện tích/SV ĐH, CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 10m2 (trừ ĐHQG TP HCM). Khoảng 30% số trường ĐH, CĐ có số m2 diện tích đất/SV thấp dưới 5m2.

 PV: Nhiều trường băn khoăn về những trở ngại khi di chuyển đến địa điểm mới, thí sinh và các thầy cô giáo đi lại xa, dẫn đến khó khăn trong việc giảng dạy, học tập. Với vai trò là lãnh đạo trong ngành Giáo dục, Thứ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đúng là sẽ có nhiều khó khăn ban đầu đối với thầy cô giáo và sinh viên khi di chuyển đến địa điểm mới. Tuy nhiên, xét về tầm vĩ mô đối với việc mở rộng và phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ Việt Nam trong tương lai sao cho kịp với khu vực và thế giới thì chúng ta phải có diện tích và cơ sở vật chất tốt cho các trường. Vì thế, đây là một chủ trương đúng và cần được dư luận ủng hộ.

Bộ GD-ĐT mong muốn khi các trường ĐH, CĐ di chuyển đến khu vực mới thì đường giao thông kết nối với các trường sẽ được mở ra; hệ thống giao thông công cộng phục vụ giáo viên, sinh viên sẽ được phát triển hơn.

PV: Hiện nay, một số trường trong diện phải đăng ký di dời đến địa điểm mới đang rất hoang mang và chưa được thông tin rõ ràng về vấn đề này. Ý kiến của Thứ trưởng như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Lý do là các trường thuộc diện đăng ký di dời không phải trường nào cũng do Bộ GD-ĐT quản lý, có trường do địa phương, Bộ, ngành khác chủ quản nên họ chưa nhận được thông tin đầy đủ về việc di dời đến địa điểm mới. Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ họp với một số lãnh đạo địa phương, Bộ, ngành để bàn về vấn đề này. Những trường do Bộ GD-ĐT quản lý sẽ được thông báo về chỉ tiêu sinh viên, số lượng diện tích mặt bằng, thời gian di chuyển…

PV: Vậy khi nào Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tiêu chí đối với các trường ĐH thuộc diện phải di dời?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD-ĐT đã được giao trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về mô hình quản lý các khu ĐH tập trung để áp dụng từ năm 2011.

Theo dự kiến, khoảng hết tháng 3/2011, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tiêu chí đối với các trường thuộc diện phải di dời. Còn về tiêu chí quy hoạch, quản lý đất đai sẽ do địa phương quy định.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên