Ngành giáo dục TPHCM tất bật gỡ khó đầu năm học

VOV.VN - Đến thời điểm này, TP cơ bản giải quyết xong hai vướng mắc lớn là giáo viên và trường lớp học.

Tại thành phố lớn như TPHCM, dân số tăng cơ học nhanh chóng khiến trường học quá tải. Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học là các địa phương của TP tất bật với việc giải quyết những khó khăn.

Năm nay, toàn thành phố có khoảng 1,7 triệu học sinh học tập tại trên 2.200 trường học với gần 46.000 phòng học. Đến thời điểm này, TP cơ bản giải quyết xong hai vướng mắc lớn là giáo viên và trường lớp học, đảm bảo năm học mới được bắt đầu từ ngày 19/8 tới, đúng theo kế hoạch.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới của Sở GD-ĐT TPHCM.

Tại trường THPT Phạm Văn Sáng ở huyện Hóc Môn, mọi công việc chuẩn bị cho năm học mới đã xong. Khuôn viên trường đã được dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, phòng học khang trang. Các tổ giáo viên bộ môn đã bắt tay vào công tác chuyên môn, lên kế hoạch đón học sinh, phân công giảng dạy.

Đáng mừng nhất là năm nay, trường dù ở ngoại thành xa nhưng vẫn giữ chân được đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên môn Tiếng Anh- bộ môn mà nhiều trường luôn lo ngại giáo viên nghỉ dạy.

Em Nguyễn Cao Cẩm Các, học sinh lớp 11 hài lòng với cách dạy tiếng Anh của thầy cô trường mình, dù vẫn đi học thêm: "Trong trường dạy tiếng Anh em thấy khá ổn, học tiếng Anh trường em rất đảm bảo. Nhưng vì phần giao tiếp khác với phần làm bài tập trong lớp nên em đi học thêm và thường xuyên nói chuyện bằng tiếng Anh với các bạn trong lớp nhiều để có thể làm quen dần với môi trường giao tiếp".

Năm học 2019-2020, TPHCM tăng thêm 75.434 học sinh, trong đó có 62.998 học sinh công lập và 12.436 học sinh ngoài công lập. Hiện nay, việc đảm bảo số lượng, chất lượng giáo viên ở một số môn vẫn còn hạn chế. Cụ thể, vẫn chưa có định biên, chế độ chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học, giáo viên tư vấn tâm lý và giám thị.

Bà Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng Trường  THPT Nguyễn Văn Linh, quận 8.

Để đảm bảo giáo viên, ngành giáo dục TP tiếp tục thực hiện việc giao quyền tìm nguồn tuyển giáo viên cho các quận, huyện, trường và không yêu cầu giáo viên dự tuyển phải có hộ khẩu thành phố. Bà Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng trường  THPT Nguyễn Văn Linh, quận 8 cho biết, nhờ có chủ trương giáo viên được tuyển không cần có hộ khẩu TP khiến việc tuyển giáo viên dễ dàng và chất lượng hơn.

"Theo cách tuyển mới là giáo viên không cần hộ khẩu TP vẫn được đăng ký dự tuyển, làm tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để Sở có nhiều sự lựa chọn, để chọn giáo viên, nhất là với những môn khó tuyển giáo viên như môn Anh văn, Tin học", bà Kim Nguyễn Quỳnh Giao nói.

Thêm vào đó, bắt đầu từ năm 2018, TP thực hiện việc chi thu nhập tăng thêm, đời sống giáo viên được cải thiện rõ rệt, nên đầu năm học này, tình trạng giáo viên nghỉ dạy để chuyển việc khác không còn quá căng thẳng. Thầy cô giáo, trong đó có thầy cô dạy môn Tiếng Anh yên tâm, ổn định hơn với công việc.

Ông Võ Thiện Can, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5 cho rằng: "Phải làm sao cho thầy cô có khí thế dạy học, vì giáo viên tiếng Anh ra ngoài họ làm được nhiều việc lắm. Cố gắng giữ chân giáo viên bằng cách như vậy, tinh thần là trên hết. Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo chế độ chính sách cho thầy cô. Mới đây thực hiện phân loại đánh giá theo hàng quý để trả lương tăng thêm, đặt ra yêu cầu, động viên thầy cô thực hiện tốt được đánh giá là xuất sắc thì thầy cô phấn chấn. Nghị quyết 03 rất hiệu quả, đánh giá, tạo động lực cho giáo viên làm việc tốt".

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5 vệ sinh trường lớp chuẩn bị cho năm học mới.

Học sinh tăng đồng nghĩa với phải tăng giáo viên và phòng học. Tính đến tháng 6/2019, TPHCM có 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (chỉ tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học). Hiện nhiều nơi đang gấp rút hoàn thiện để đưa thêm phòng học mới vào sử dụng. TP chấp nhận duy trì sỹ số các lớp học ở mức cao, nhiều nơi từ 40-50 học sinh một lớp để tất cả trẻ em trên địa bàn thành phố đều được đến trường. Song song đó là tình trạng buộc phải giảm các lớp bán trú và lớp 2 buổi, dù điều này gây khó khăn cho phụ huynh. 

Không những thế, hiện nay, toàn bộ 1.296 trường mầm non của thành phố không có thiết bị khu vận động và giáo dục thể chất, thiết bị vận động sáng tạo… Cả 3 khối tiểu học, THCS, THPT đều hoàn toàn không có bộ thiết bị hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như thiết bị phòng STEM. Tuy nhiên, đây được xem là vấn đề phải giải quyết lâu dài, bằng nhiều cách, huy động vốn từ nhiều nguồn. Còn trước mắt, phải đủ giáo viên và tháo gỡ ngay những khó khăn phát sinh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đề nghị: Đối với những địa phương, ngành mà nội vụ thành phố, quận huyện đã giao biên chế rồi thì tiếp tục thực hiện, còn đơn vị nào chưa giao thì sớm giao biên chế giáo viên để phối hợp với các trường tuyển dụng cho đủ trước ngày nhập học. Những vướng mắc khác thì Giám đốc Sở làm đầu mối chủ động phối hợp giải quyết, trong trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo các lãnh đạo UBND TP.
Phòng Giáo viên của trường THPT Trần Hữu Trang vừa được sửa chữa xong cho năm học mới.
 Năm học 2019-2020 ngành giáo dục và đào tạo TP tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường, chủ động xây dựng đội ngũ giáo viên có nghiệp vụ chuyên môn cao vẫn là ưu tiên hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tan hoang vùng lũ trước ngày khai giảng năm học mới
Tan hoang vùng lũ trước ngày khai giảng năm học mới

VOV.VN -Bản Sa Ná những ngày sau lũ, hoang tan, đổ nát. Nhiều trường lớp học bị phá hủy, nặng nhất là các điểm Trường tại bản Sa Ná, bản Son.

Tan hoang vùng lũ trước ngày khai giảng năm học mới

Tan hoang vùng lũ trước ngày khai giảng năm học mới

VOV.VN -Bản Sa Ná những ngày sau lũ, hoang tan, đổ nát. Nhiều trường lớp học bị phá hủy, nặng nhất là các điểm Trường tại bản Sa Ná, bản Son.

Chuẩn bị hơn 110 triệu bản sách giáo khoa phục vụ năm học mới
Chuẩn bị hơn 110 triệu bản sách giáo khoa phục vụ năm học mới

VOV.VN -NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đã chuẩn bị lượng SGK lớp 1 lớn hơn so với số lượng đã phát hành năm trước để tránh tình trạng thiếu sách đầu năm học.

Chuẩn bị hơn 110 triệu bản sách giáo khoa phục vụ năm học mới

Chuẩn bị hơn 110 triệu bản sách giáo khoa phục vụ năm học mới

VOV.VN -NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đã chuẩn bị lượng SGK lớp 1 lớn hơn so với số lượng đã phát hành năm trước để tránh tình trạng thiếu sách đầu năm học.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm giao thông dịp Quốc khánh và năm học mới
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm giao thông dịp Quốc khánh và năm học mới

VOV.VN -Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh, giảm ùn tắc giao thông dịp khai giảng năm học mới.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm giao thông dịp Quốc khánh và năm học mới

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm giao thông dịp Quốc khánh và năm học mới

VOV.VN -Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh, giảm ùn tắc giao thông dịp khai giảng năm học mới.