Nhiều điểm mới trong bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018
VOV.VN - Ngày 23/11, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT-Chương trình ETEP thuộc Bộ GD-ĐT tổ chức “Tọa đàm về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Ngày 23/11, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) thuộc Bộ GD-ĐT tổ chức “Tọa đàm về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Thông tin tại hội thảo, ông Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP cho biết, để đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT mới, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã đẩy mạnh việc bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, liên tục, tại chỗ kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Từ đó xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông, nâng cao vai trò của các trường sư phạm nói chung và của giảng viên sư phạm trong bồi dưỡng thường xuyên, gắn kết các trường đại học sư phạm với các cơ sở giáo dục phổ thông.
Cụ thể, đối với giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán sẽ được giảng viên các trường sư phạm bồi dưỡng theo công thức 5-3-7 (đối với mô đun 1,2,3) và 7-2-7 (đối với mô đun 4,5 và 9). Theo đó, giáo viên cốt cán sẽ có 5 -7 ngày học trực tuyến, tập trung vào các nội dung, kiến thức tổng quan của mô đun, sau đó có 2-3 ngày tham gia bồi dưỡng trực tiếp bởi các giảng viên sư phạm, tập trung vào các nội dung thực hành, phân tích, thảo luận các vấn đề mang tính thực tiễn, cần có sự tương tác với giảng viên, cuối cùng là 7 ngày để hoàn thành bài tập cuối khóa, đánh giá, phản hồi về khóa học cũng như hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp cho mô đun.
Một điểm mới của mô hình bồi dưỡng giáo viên đang triển khai là chuyển từ hoạt động bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng, giáo viên đại trà trên cả nước sẽ tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) với hỗ trợ của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Sau khi hoàn thành các khóa tự bồi dưỡng qua mạng (E-course), các giáo viên được Sở GD-ĐT, Phòng tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại trường/cụm trường với sự chủ trì, tư vấn về chuyên môn của đội ngũ cốt cán theo môn học và sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt.
Cũng theo Ban quản lý Chương trình ETEP, chương trình bồi dưỡng giáo viên cũng gặp một số khó khăn khi có khoảng 8-10% tỷ lệ giáo viên phổ thông cốt cán hao hụt theo thời gian sau khi được bồi dưỡng các mô đun, do các nguyên nhân như nghỉ thai sản, chuyển đổi vị trí công việc từ giáo viên sang quản lý, nghỉ hưu... Nhiều Sở GD-ĐT lựa chọn cốt cán chưa phủ hết các môn học, cấp học, nhiều học viên sau khi hoàn thành mô đun 1 lại không tiếp tục học mô đun 2,3. Cơ cấu đội ngũ cốt cán chưa cân đối ở một số địa phương. Đặc biệt một số giáo viên phổ thông chỉ muốn chọn môn chính, không muốn lựa chọn học các môn kiêm nhiệm như hoạt động trải nghiệm, nhiều phòng GD-ĐT không có cốt cán ở một số môn. Việc thiếu hụt cốt cán ảnh hưởng tới việc hướng dẫn đồng nghiệp tự bồi dưỡng, một số địa phương đã phải huy động cốt cán hỗ trợ nhiều huyện trên địa bàn. Điều này dẫn đến một số giáo viên cốt cán quá tải phải hướng dẫn 100 giáo viên đại trà, trong khi yêu cầu 1 cốt cán chỉ hỗ trợ khoảng 30 đại trà.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, mỗi nhà giáo phải tự xác định không ngừng tự bồi dưỡng, đây chính là quá trình tự cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình công tác. Trong thời đại khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển, nguồn tài liệu trên internet vô cùng da dạng và phong phú. Bằng kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn thông tin, mỗi nhà giáo cần tự rèn luyện cho mình năng lực tự học để có thể lựa chọn cho bản thân những thông tin bổ ích, thiết thực hỗ trợ quá trình hành nghề của mình./.