Nhìn lại kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Vẫn mong không còn áp lực
VOV.VN - Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã giảm tốn kém, căng thẳng cho thí sinh vì không phải đến thành phố thi nữa nhưng vẫn còn những lo lắng về đề thi.
Từ ngày 22 đến 24/6, hơn 860.000 thí sinh trên cả nước chính thức tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Trong đó, có 75% thí sinh đăng ký dự thi quốc gia có nguyện vọng chọn xét tuyển đại học, cao đẳng. Số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội chiếm 42%, khoa học tự nhiên chiếm 38%, thi cả hai bài thi chiếm hơn 8%. Nhìn lại kỳ thi năm nay, chúng ta thấy có những mặt tích cực và còn những điều chưa được cần phải xem xét lại
Kỳ thi giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được rút ngắn với thời gian thi là 2,5 ngày và là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT giao cho các địa phương chủ trì tổ chức để lấy kết quả vừa dùng để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Nếu như mọi năm, việc giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức thi thì thí sinh từ nhiều vùng miền xa xôi phải lên các thành phố lớn từ 1đến 2 ngày trước kỳ thi, thuê phòng trọ, tốn kém thời gian, công sức và kinh phí cho việc ăn ở, đi lại thì năm nay, chúng ta không còn thấy cảnh tượng đó. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng không còn xảy ra ở nhiều tuyến phố hay tại cổng trường, xung quanh các trường ĐH, CĐ.
Giám thị đối chiếu thông tin cá nhân của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017
Ngoài khâu tổ chức thi giảm tải áp lực cho thí sinh và xã hội, kỳ thi năm nay được đánh giá là có mặt tích cực trong việc đảm bảo khách quan cho kỳ thi. Nếu như những năm trước đây, khi thiếu cán bộ coi thi, các trường đều phải điều động học viên cao học hay sinh viên năm cuối tham gia công tác coi thi thì năm nay, Bộ GD-ĐT đã huy động toàn bộ cán bộ coi thi là giảng viên. Những địa phương có nhiều phòng thi hơn dự kiến Bộ đã điều động bổ sung cán bộ coi thi ĐH để đảm bảo 50% cán bộ coi thi của tất cả các điểm thi đến từ các trường ĐH.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, giáo viên phổ thông không được làm nhiệm vụ ở điểm thi có học sinh trường mình. Trước mỗi buổi thi, điểm thi tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên cho cả cán bộ coi thi thứ nhất và cán bộ coi thi thứ hai để nhận phòng thi làm nhiệm vụ. Tất cả những quy định đó nhằm loại bỏ những nguy cơ xảy ra tiêu cực, đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi.
Một điểm mới là năm nay mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh, ít hơn những năm trước (30 - 40 thí sinh/phòng thi) nên cán bộ coi thi có thể quán xuyến phòng thi tốt hơn. Hầu như ở các hội đồng thi, mỗi bàn chỉ có 1 học sinh nên giảm tải được tình trạng học sinh trao đổi, nhìn bài của nhau.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm hơn nhiều so với năm 2016 và những năm trước. Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi).
Kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; riêng thí sinh GDTX chỉ thi Lịch sử, Địa lí). Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức thi theo bài và có dạng bài thi tổ hợp gồm nhiều môn học và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi.
Thí sinh Đinh Công Hưng, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội nhận xét, việc thi theo bài và thi trắc nghiệm khách quan hầu hết các bài thi là phương thức hiệu quả để ngăn chặn tình trạng quay cóp và các gian lận, tiêu cực khác trong phòng thi. Tổ chức thi theo phương thức này còn đặt ra yêu cầu học sinh học đều chương trình, tránh học tủ, học lệch góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường phổ thông.
Việc ra đề thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan cũng giúp học sinh khắc phục tình trạng học thuộc lòng, phải nhớ nhiều sự kiện, ngày tháng mà yêu cầu thí sinh phải thực sự hiểu bài và nắm chắc các kiến thức thì mới có thể làm được bài.
Lỗi mã đề thi và những lo lắng...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì kỳ thi THPT Quốc gia còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là trong đề thi Vật lý có tới 7 mã đề bị lỗi kỹ thuật mất chữ trong khi sao in và phải đính chính.
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã phát hiện lỗi kỹ thuật mất chữ ở 7 mã đề kịp thời, trước khi phát đề cho thí sinh cũng như Ban soạn thảo đề thi đã gửi kèm đính chính và hướng dẫn cho cán bộ coi thi, thí sinh khi gửi kèm đề thi nhưng tâm lý của thí sinh vẫn lo lắng.
Thí sinh trao đổi về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 |
Thí sinh Nguyễn Minh Hà, trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết: “Khi phát đề thi Vật lý có kèm theo đính chính, em vẫn thấy lo lắng vì phải đọc thêm và sợ bị sai sót nên cũng mất thời gian. Em còn băn khoăn về việc chấm thi với đề thi Vật lý không biết sẽ như thế nào”.
Đối với đề thi Ngữ văn, mặc dù Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi không có sai sót. Tuy nhiên, từ “thấu cảm” trong câu Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) đã gây ra tranh cãi.
Một số giáo viên trường THPT cho rằng, "thấu cảm" chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cắt ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Chỉ trở về khởi thủy, tạm hiểu theo cách chiết tự với hai yếu tố là hiểu và cảm.
Đoạn văn của tác giả Đặng Hoàng Giang khiến người đọc khó "thấu cảm" được bởi không thể "nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ" được. Mỗi con người hãy cứ là chính mình với những quan sát, thấu hiểu, cảm thông. Ngoài ra, càng không thể "hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó", thậm chí đó là điều không tưởng với chính mình. Thêm nữa, đây là đoạn văn thiếu logic, không chặt chẽ và chủ quan.
Xung quanh đề thi năm nay, có phụ huynh lo lắng là mỗi thí sinh làm 1 đề thi riêng nhưng có thể xảy ra đề thi của thí sinh này dễ hơn đề của thí sinh kia.
Là phụ huynh có con thi tại Hội đồng trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bác Trần Thúy Mai bày tỏ: “Việc mỗi thí sinh làm 1 đề thi trắc nghiệm khác nhau có mặt tích cực là hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi bài. Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại là độ khó của các đề thi có thể khác nhau. Nếu thí sinh nào được phát đề dễ hơn thì sẽ được điểm cao hơn. Như vậy, sẽ rất thiệt thòi cho thí sinh nhận phải mã đề thi có câu hỏi khó hơn và như vậy điểm thi của các em có thể vênh nhau”.
Không chỉ lo lắng về 7 mã đề thi Vật lý bị lỗi mà thí sinh cũng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng khi năm nay là năm đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia có bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội gồm 3 môn thi liền nhau. Khoảng cách giữa các môn thi, thí sinh chỉ được nghỉ có 10 phút nên nhiều thí sinh cảm thấy chưa thể bắt kịp để thi môn tiếp theo.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn vì sau đó, ngành Giáo dục còn phải thực hiện công tác chấm thi, nhận đơn phúc khảo của thí sinh và hỗ trợ các trường ĐH, CĐ xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi này. Tất cả các công việc đang ở phía trước và thí sinh, phụ huynh và xã hội vẫn đang rất cần một sự làm việc khách quan, trung thực và giảm áp lực nhất./.