Những cánh buồm vượt trùng dương

VOV.VN - Qua năm tháng, những người thày thực sự là những cánh buồm lớn vượt trùng dương, đưa con thuyền THPT Giao Thủy chinh phục những kì tích mới.

Nửa thế kỉ xây dựng, trưởng thành và luôn khẳng định được vị trí của mình, trường THPT Giao Thủy đã trở thành một điển hình, một “thương hiệu” trong lĩnh vực giáo dục của đất học Nam Định và có tiếng vang trong toàn quốc. 

Thày trò trường THPT Giao Thủy.

Giá trị ấy không thể tách rời vai trò “đứng mũi chịu sào” của các thế hệ Hiệu trưởng. Qua năm tháng, họ thực sự là những cánh buồm lớn vượt trùng dương, đưa con thuyền THPT Giao Thủy chinh phục những kì tích mới.

 Những viên gạch nền của một công trình lớn:

 

Thầy Hoàng Thọ Mục.

Thầy Hoàng Thọ Mục là hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp 3 Giao Thủy, nay là THPT Giao Thủy. Thầy quê ở Xuân Vinh - Xuân Trường - Nam Định, trước khi về công tác tại trường, thầy đã từng giảng dạy môn Giáo dục công dân, là Chủ tịch Công đoàn (năm học 1962 - 1963) và là Bí thư chi bộ (từ năm 1963 đến 1965) của trường cấp 3 Xuân Trường (nay là THPT Xuân Trường).

Theo quyết định của UBND Tỉnh, tháng 8 năm 1965, thầy Hoàng Thọ Mục cùng 12 thầy cô giáo và 1 cán bộ văn phòng làm cuộc hành trình xuống biển để gieo tri thức cho người dân quê biển Giao Thủy. Từ những ngày đầu muôn vàn gian khó, tại nơi sơ tán (xã Hồng Thuận), ngôi trường dã chiến được mọc lên. Trên trời cao, máy bay địch gào rú, oanh tạc bằng bom đạn, dưới hào sâu vẫn vọng tiếng giảng bài của thầy cô.

Thầy Hoàng Thọ Mục có hai năm công tác và làm hiệu trưởng từ ngày đầu trường thành lập, sau đó thầy trở về trường cũ - Trường cấp 3 Xuân Trường, thầy tiếp tục được giao trọng trách làm hiệu trưởng ở đây 4 năm (từ năm 1967 đến năm 1971), sau đó nghỉ hưu. Những gì thầy đã cống hiến cho ngôi trường THPT Giao Thủy vẫn còn mãi theo thời gian.

Giáo dục thời chiến có nhiều biến động bởi các thầy cô giáo luôn được điều động, luân chuyển theo yêu cầu và nhiệm vụ chính trị. Trong hoàn cảnh ấy, thầy và trò Trường cấp 3 Giao Thủy vừa phải dạy và học dưới làn bom đạn vừa phải ổn định và phát triển quy mô trường lớp. Sau khi thầy Hoàng Thọ Mục chuyển công tác, thầy Hà Ngọc Soạn được điều động về trường đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng nhà trường trong một năm học (1967 - 1968). Đây là năm học thứ 3, nơi sơ tán - vùng giáo dân xã Hồng Thuận - vẫn là chỗ dựa an toàn cho sự nghiệp trồng người.

Thầy Hà Ngọc Soạn.

Sau một năm công tác tại trường cấp 3 Giao Thủy, thầy Hà Ngọc Soạn được chuyển về Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Nam Trực - quê thầy) và làm Hiệu trưởng cho đến ngày nghỉ hưu (từ năm 1968 đến năm 1989.).

Năm học thứ 4 (1968 - 1969) của trường cấp 3 Giao Thủy vẫn tiếp tục có sự biến động trong đội ngũ quản lí. Thầy Nguyễn Minh Tâm về thay thầy Hà Ngọc Soạn để gánh vác trọng trách đứng mũi chịu sào, sau đó thầy được điều động về trường cấp 3 Xuân Trường công tác và đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng suốt 11 năm, từ năm 1971 đến khi thầy về hưu (năm 1982).

Thầy Nguyễn Minh Tâm.

Bốn năm học đầu của trường cấp 3 Giao Thủy là những năm tháng không thể nào quên trong kí ức của các thầy cô giáo và học sinh ngày ấy. Vượt lên trên những khó khăn mọi mặt, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban giám hiệu, sự tận tụy của các thầy cô giáo và tinh thần hăng say vượt khó của học sinh, nhà trường đã có những thành tích đáng tự hào như tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm từ 98% - 100%, nhiều đội tuyển và cá nhân đạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, riêng đội Văn do thầy Tạ Xuân Ký bồi dưỡng luôn đạt giải Nhất Tỉnh và có 3 học sinh dự thi quốc gia.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Chương: Bền bỉ vượt gian khó.

 Thầy Nguyễn Chương là một nhà giáo mẫu mực, thầy đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp cách mạng.

 

Thầy Nguyễn Chương: Bền bỉ vượt gian khó.

Quê gốc ở Hà Nội nhưng bén duyên với mảnh đất Giao Thủy - Nam Định - nơi “con sông Hồng chảy về với biển”, Thầy đã xây dựng cuộc sống gia đình ở chính nơi sơ tán thời chống Mĩ của trường THPT Giao Thủy. Trải qua nhiều cương vị công tác từ cán bộ Sở giáo dục, Trưởng Phòng giáo dục huyện Xuân Thủy, đến Hiệu trưởng trường THPT Giao Thủy, thầy luôn phát huy tài năng và phẩm hạnh cao quý, được nhiều thế hệ giáo viên và học sinh kính trọng.

Trong suốt 20 năm là Hiệu trưởng (từ năm 1969 - 1988), thầy đã xây dựng được tinh thần đoàn kết, lối sống nhân nghĩa thủy chung trong tập thể cán bộ giáo viên và nhân viên của nhà trường. Thầy tiếp quản ngôi trường từ nơi sơ tán, đưa ngôi trường với những ngổn ngang trong cuộc chiến tranh vệ quốc từng bước trưởng thành, vững mạnh. Thầy cùng với các thầy cô nguyên là lãnh đạo, giáo viên cốt cán đã tạo tiền đề cho việc xây dựng kỷ cương nền nếp và đánh giá đúng thực chất chất lượng các mặt hoạt động của nhà trường.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Chương với những cống hiến lớn lao của mình, đã trở thành một phần của truyền thống Giao Thủy. Thầy xứng đáng với những tình cảm, sự ngưỡng mộ của các thế hệ giáo viên, học sinh và toàn xã hội.

Thầy Hiệu trưởng - NGƯT Hoàng Kim Hữu: Khẳng định một thương hiệu.

Thầy Hoàng Kim Hữu.

Gắn bó với mái trường THPT Giao Thủy từ ngày thành lập, Thầy Hoàng Kim Hữu đã có nhiều cống hiến, hi sinh để đưa ngôi trường bước sang một trang sử mới. Từ một giáo viên dạy Vật Lý có chuyên môn giỏi, thầy đã được tín nhiệm và lần lượt trải qua nhiều cương vị công tác như Tổ trưởng chuyên môn, Thư kí Hội đồng giáo dục, Bí thư Đoàn trường, Phó Hiệu trưởng (phụ trách công tác chuyên môn từ năm 1975 đến năm 1988) và Hiệu trưởng (từ năm 1988 đến năm 2003). Năm 1997, Thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Có thể tự hào mà khẳng định rằng, những thành công của trường THPT Giao Thủy một phần bắt nguồn từ bàn tay, khối óc của NGƯT Hoàng Kim Hữu. Với lập trường kiên định, bản lĩnh cứng cỏi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thầy đã tạo khâu đột phá để đánh giá đúng thực chất chất lượng mọi hoạt động của nhà trường bắt đầu từ năm 1986. Từ đó đến nay, dạy thật - học thật đã trở thành thương hiệu của Giao Thủy.

NGƯT Hoàng Kim Hữu cũng đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng mô hình liên kết 3 môi trường giáo dục (Nhà trường - Gia đình - Xã hội). Qua 11 năm thực hiện mô hình này (từ năm học 1992 - 1993), kết quả giáo dục toàn diện theo 4 tiêu chí Đức - Trí - Thể - Mỹ của học sinh Giao Thủy đã góp phần đưa hình ảnh về nhà trường vang xa hơn. Mô hình Liên kết giáo dục đã được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, … đánh giá cao và được đưa vào cuốn sách “Những nhân tố mới về giáo dục trong công cuộc đổi mới” của Ban Khoa giáo TW. Thầy đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 2 bằng Lao động sáng tạo.

   “Có những việc các trường chưa làm được thì trường THPT Giao Thủy đã làm. Khi các trường bạn làm một thì trường THPT Giao Thủy phải làm gấp hai, gấp ba” là bài học kinh nghiệm qúy báu được đúc rút từ phương châm làm việc và quản lí của vị Hiệu trưởng khả kính Hoàng Kim Hữu mà mỗi cán bộ, giáo viên trong nhà trường đã thấm nhuần để tạo nên phong cách Giao Thủy.

Với những đóng góp cho trường THPT Giao Thủy trong suốt 38 năm (1965 - 2003), Thầy Hoàng Kim Hữu đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Nhưng phần thưởng tự hào nhất mà Thầy và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường có được là đã tạo được niềm tin yêu trong lòng dân và niềm tự hào của biết bao thế hệ học sinh về nhà trường.

 Năm 2003, Thầy nghỉ chế độ, kết thúc những năm tháng cống hiến bền bỉ cho mái trường THPT Giao Thủy.

 Thầy Hiệu trưởng - NGƯT Nguyễn Văn Khoát: Đưa phong trào nhà trường lên tầm cao mới.

Thầy Nguyễn Văn Khoát.

Sinh năm 1952 tại Giao Tân - Giao Thủy, thầy giáo Nguyễn Văn Khoát là cựu học sinh khóa 2 của trường cấp 3 Giao Thủy. Trong trái tim của đồng nghiệp và của các thế hệ học sinh, thầy chính là biểu tượng đẹp nhất cho hình ảnh nhà giáo - người lính.

Thầy Nguyễn Văn Khoát có hơn 3 năm trong quân ngũ (từ tháng 5 năm 1972 đến tháng 9 năm 1979) và gần 35 năm làm nghề dạy học. Trường THPT Giao Thủy vừa là nơi thầy công tác vừa là ngôi nhà thứ hai của thầy. Trải qua nhiều cương vị công tác, từ một giáo viên dạy Toán tài năng - tâm huyết, một Tổ trưởng chuyên môn nhiệt tình - trách nhiệm, một Phó hiệu trưởng năng động đến một Hiệu trưởng mô phạm và mẫn cán, ta đều thấy ở thầy sự giản dị, liêm khiết và đức tính khiêm nhường. Ở cương vị nào thì thầy cũng để lại dấu ấn đặc biệt. Là giáo viên dạy Toán giỏi, thầy đã đào tạo được nhiều giáo viên dạy Toán giỏi. Là cán bộ quản lí giỏi, thầy đã phát hiện và bồi dưỡng những hạt nhân ưu tú để phấn đấu trở thành cán bộ quản lí giỏi. Là Bí thư chi bộ, thầy đã dìu dắt, bồi dưỡng rất nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường đứng vào hàng ngũ của Đảng…Thầy đã cống hiến thầm lặng và đưa trường THPT Giao Thủy vững bước đi lên.

 Năm 2003, Thầy Hoàng Kim Hữu về hưu, thầy Nguyễn Văn Khoát được giao trọng trách Hiệu trưởng và đó cũng là năm trường THPT Giao Thủy vinh dự được công nhận là trường Chuẩn Quốc gia đầu tiên của tỉnh Nam Định. Phong trào của nhà trường phát triển về mọi mặt, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, thành tích thi học sinh giỏi được giữ vững, điểm thi và tỉ lệ đỗ đại học không ngừng tăng sau mỗi năm… đã đưa trường lên vị trí dẫn đầu trong các trường phổ thông khu vực II nông thôn của cả nước. Mỗi thành tích mà thầy và trò có được đều đậm in bóng dáng Thầy; bởi lẽ “thầy là người đến trường sớm nhất và ra về muộn nhất”, thầy luôn sát sao bám lớp bám trường, quan tâm chỉ đạo mọi mặt hoạt động, chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên và nhân viên...

Có thể nói, những tâm huyết cả một đời làm nghề dạy học đều được Thầy Nguyễn Văn Khoát gửi ở mái trường THPT Giao Thủy. Ghi nhận những đóng góp của Thầy, Thầy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2000 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2012, Thầy nghỉ hưu nhưng hình ảnh về vị Hiệu trưởng mẫn cán vẫn đâu đây trong mỗi ngày đến lớp, mỗi tiết dạy, mỗi câu chuyện của cán bộ, giáo viên, học sinh hôm nay.

 Thầy Hiệu trưởng - Th.s Vũ Văn Hưng: Tầm nhìn và sứ mệnh.

Thầy Vũ Văn Hưng: Tầm nhìn và sứ mệnh.

Thầy Vũ Văn Hưng sinh năm 1966, quê ở Thanh Liêm - Hà Nam, tốt nghiệp Khoa Vật Lý - Đại học Sư phạm Hà Nội I và về giảng dạy tại trường THPT Giao Thủy từ năm 1989. Trong kí ức của học sinh, đây là thầy giáo “thông minh, trí tuệ và phong cách”. Qua quá trình công tác, thầy đã khẳng định được năng lực, nhiều năm liền bồi dưỡng học sinh giỏi và đạt được giải cao của Tỉnh. Thầy từng là Tổ trưởng chuyên môn, là Phó hiệu trưởng (từ năm 2003 đến 2012) và là Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2012 đến nay.

Trong vai trò cán bộ quản lí, thầy luôn phát huy cao tinh thần tự học. Thầy đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ quản lí năm 2013, tốt nghiệp cao cấp chính trị năm 2015. Thầy đã biết kế thừa và phát huy những kinh nghiệm tốt, những bài học quý từ các thầy hiệu trưởng đi trước để vừa giữ vững truyền thống vừa từng bước đưa các mặt hoạt động của nhà trường lên tầm cao mới.

Để đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong thời đại mới, nhất là mục tiêu đưa trường THPT Giao Thủy thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, thầy Hiệu trưởng Vũ Văn Hưng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí, mở rộng liên kết - giao lưu và hợp tác, tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao trình độ. Vì vậy, trong những năm qua, không chỉ chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được khẳng định, trường THPT Giao Thủy còn đang vươn mình với vóc dáng của một ngôi trường hiện đại.

Là đầu tàu và gánh vác một sứ mệnh mới, thầy Vũ Văn Hưng đã thể hiện được cái tầm và cái tâm của một vị Hiệu trưởng trẻ tuổi tài năng và tâm huyết. Những việc thầy đã và đang làm cho trường THPT Giao Thủy đều được xã hội, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh đánh giá cao và ủng hộ. Đó là, đội ngũ nhà giáo được phát triển có chiều sâu, công tác xã hội hóa giáo dục được mở rộng, cơ sở hạ tầng của nhà trường được cải tạo và nâng cấp, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy được đầu tư,.... Thầy là biểu tượng cao đẹp cho các thế hệ nhà giáo biết tri ân quá khứ, biết chăm lo hiện tại để hướng tới tương lai bền vững.

Những cánh buồm vượt trùng dương. Có những cánh buồm đã cập bến nhưng vẫn còn đó cánh buồm lớn với hành trình hướng tới tương lai mới, đang bắt đầu. Mỗi giáo viên trường THPT Giao Thủy hôm nay hãy tự ý thức về nhiệm vụ và sứ mệnh của người làm nghề dạy học, hãy nguyện làm một cơn gió, dương rộng cánh buồm để đưa con thuyền THPT Giao Thủy vượt ghềnh thác, vươn xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tự chủ đại học: Xu thế tất yếu nhưng nhiều trường vẫn e dè
Tự chủ đại học: Xu thế tất yếu nhưng nhiều trường vẫn e dè

VOV.VN -Về mô hình tự chủ đại học, nhiều trường vẫn e dè khi thực hiện chủ trương này do gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.

Tự chủ đại học: Xu thế tất yếu nhưng nhiều trường vẫn e dè

Tự chủ đại học: Xu thế tất yếu nhưng nhiều trường vẫn e dè

VOV.VN -Về mô hình tự chủ đại học, nhiều trường vẫn e dè khi thực hiện chủ trương này do gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.

Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

VOV.VN - Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập.

Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

VOV.VN - Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập.