Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook có nguồn gốc từ đâu?
VOV.VN - Tuyệt đối không được dùng Facebook nói tục, chửi bậy; không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai…
Đó là một trong Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook dành cho học sinh trường Lương Thế Vinh được ban hành từ năm 2013. Nhưng thầy cô và học sinh của trường 2 năm qua vẫn “âm thầm” một mình thực hiện nội qui này, trong khi một số người khác cười nhạo rằng điều đó là “mất tự do”.
Câu chuyện trường học quản lý, hướng dẫn việc sử dụng Facebook đối với học sinh đã thực sự được hâm nóng khi mới đây, trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) đã ra quy định về việc sử dụng Facebook đối với các học sinh của trường. Câu chuyện này không mới vì đã được các thầy, cô trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đặt ra và đưa thành nội qui nhà trường từ năm 2013.
Học sinh trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) |
Chia sẻ với VOV.VN về câu chuyện của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đã đưa ra quy định với các nội dung mà trường THPT Lương Thế Vinh đã làm từ cách đây hơn 2 năm, cô Văn Thùy Dương – Phó Hiệu trưởng cơ sở A của nhà trường bày tỏ sự vui mừng khi đã có thêm “đồng minh” vào cuộc. Bởi theo cô Dương, khi trường Lương Thế Vinh đưa ra qui định này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Người thì cho rằng làm như vậy là vi phạm quyền tự do của các em, người thì đồng tình vì thấy cần phải quản lý, hướng dẫn các em việc sử dụng Facebook sao có hiệu quả. Nhưng bản thân những người lãnh đạo nhà trường cảm thấy, nếu để các em tự do bày tỏ, cãi vã, văng tục, chửi bậy… trên mạng xã hội là không thể và không kiểm soát nổi sẽ có hậu quả gì.
“Năm 2013, với tôi Facebook vẫn là cái gì đó rất mới mẻ. Tôi chỉ là người chơi Facebook bình thường. Nhưng sau đó, có hàng loạt câu chuyện đau lòng xảy ra với các em học sinh ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Hàn Quốc… do Facebook khiến tôi giật mình. Tôi mày mò, tìm hiểu xem các em học sinh ở trường mình làm gì trên Facebook. Bình thường trong trường cấm các em nói tục, chửi bậy, nhưng khi lên Facebook, có em đã dùng những từ lóng, chửi bậy… Là người làm sư phạm, tôi thấy như vậy là không ổn, bởi giao tiếp trên Facebook các em tưởng là ảo nhưng lại là thực và ảnh hưởng rất lớn tới lối hành xử trong cuộc sống của các em. Trước thực tế này, tôi đã xin ý kiến của thầy Văn Như Cương cần có qui định riêng của trường để giúp các em sử dụng Facebook đúng cách. Chúng tôi đưa việc này ra bàn rộng rãi với các thầy cô giáo, học sinh trong nhà trường và nhận được sự đồng ý rất cao” – cô Thùy Dương chia sẻ về “hoàn cảnh ra đời” Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook dành cho học sinh trường Lương Thế Vinh.
Tuy nhiên, cô Thùy Dương cho rằng, mỗi trường nên căn cứ vào tình hình học sinh của mình để đưa ra các qui định cho phù hợp. Có thể qui định của trường Lương Thế Vinh không phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của trường Nguyễn Đức Cảnh!?
Facebook với học sinh: Cần có hướng dẫn cho các em
Theo cô Thùy Dương, trong văn bản này có từ “cấm kỵ” không có nghĩa là không cho các em được sử dụng Facebook, mà chỉ hướng các em tránh những việc không nên làm khi sử dụng Facebook. Vì thực tế, khi các em tham gia Facebook có những hoạt động rất hữu ích như trao đổi bài vở, chăm sóc động vật, cây cối, làm từ thiện…
Bước sang năm học 2015-2016, theo cô Thùy Dương, nhà trường đã đưa nội dung về việc sử dụng Facebook vào “Bản cam kết học sinh” được phát cho các em vào đầu năm học.
Nói thêm về câu chuyện này, PGS Văn Như Cương cho rằng: Tình trạng học sinh lên Facebook nói tục, chửi bậy, hẹn hò đánh chửi nhau, thậm chí là chửi mắng cả ông bà, bố mẹ và làm nhiều việc không thể kiểm soát được… đã trở thành phổ biến. Ở lứa tuổi này, có thể nhiều em chưa lường hết tác hại của những trò nghịch ngợm trên mạng xã hội. Chính vì thế, việc hướng dẫn các em ứng xử trên Facebook như thế nào là việc cần thiết hiện nay. Sức mạnh không biên giới của Facebook ai cũng biết được rồi, nếu không có sự kiểm soát thì không ai có thể lường trước hậu quả.
“Khi trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đưa ra những điều này, ông Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Thái Bình còn lên tiếng ủng hộ và cho rằng đó là việc cần làm. Năm 2013, trường Lương Thế Vinh đưa ra Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook thì không một cơ quan quản lý giáo dục nào lên tiếng nhưng nhà trường cảm thấy đây là việc cần làm, nên làm và cứ tiếp tục làm. Những gì đã và đang diễn ra trên mạng xã hội đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải vào cuộc, có thể ban hành một qui chế cụ thể đối với việc sử dụng Facebook”- PGS Văn Như Cương nói./.