Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)

Nỗ lực chăm lo cho giáo viên vùng khó khăn

Năm 2010, nhiều chính sách ưu tiên cho giáo viên miền núi sẽ được đồng loạt triển khai, điển hình là đề án 61 nhằm hỗ trợ 62 huyện nghèo trên toàn quốc sẽ góp phần cải thiện cơ bản đời sống của giáo viên.  

Trong thư gửi các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh, sinh viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân có đoạn viết: “Chúng ta rất day dứt khi hàng vạn thầy cô giáo phải chấp nhận sự không công bằng để đem cái chữ, ánh sáng cuộc đời cho các em học sinh người dân tộc, các gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn… Bắt đầu từ năm 2009, Bộ GD-ĐT sẽ cùng với Uỷ ban nhân dân các tỉnh đưa các thầy cô giáo đã dạy học từ 10 năm trở lên, rồi 5 năm trở lên ở các vùng rất khó khăn được trở về công tác ở nơi thuận lợi hơn, nếu có nguyện vọng”.

Xung quanh vấn đề Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên tình nguyện lên những vùng, miền khó khăn, biên giới hải đảo xa xôi của đất nước, phóng viên VOVNews có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Mậu, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT).

PV: Trong bức thư gửi tới các thầy cô giáo nhân ngày 20/11/2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý đến vấn đề cần quan tâm hơn tới đời sống của những giáo viên giảng dạy ở những vùng khó khăn. Xin ông cho biết, trong 1 năm qua, ngành GD-ĐT đã thực hiện công việc này như thế nào?

Ông Trương Đình Mậu: Hiện nay, có khoảng hơn 1 triệu giáo viên phân bố trên địa bàn rộng khắp cả nước từ biên giới, hải đảo đến thành phố, nông thôn. Thực tế cho thấy, những khó khăn của giáo viên, đặc biệt là với giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa rất đa dạng. Có nhiều khó khăn không thể khắc phục được vì đặc thù như: Điều kiện tự nhiên, điều kiện tinh tế, đời sống văn hóa...

 Giáo viên và học sinh ở vùng cao Hà Giang

Bộ GD-ĐT đã xác định, còn quá nhiều giáo viên khó khăn, đặc biệt là giáo viên hệ Mầm non chỉ hưởng phụ cấp. Cục Nhà giáo đã đề xuất chính sách hỗ với các đối tượng này với mức lương cho giáo viên hợp đồng do địa phương tự chi trả là 500.000 đồng/tháng. Tại các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các vùng đô thị, mức hỗ trợ cao hơn, tuy vẫn chưa thật sự tương xứng với cường độ lao động, công sức giáo viên cống hiến nhưng phần nào đã động viên các thầy cô gắn bó với nghề hơn.

Hiện tại, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi những người công tác ở các địa bàn khó khăn thông qua các khoản phụ cấp... Nhiều địa phương cũng có chế độ ưu đãi đối với những giáo viên được điều động về công tác tại các địa bàn khó khăn như đến năm 35 tuổi được chuyển công tác theo nguyện vọng; được ưu tiên cấp nhà, cấp đất để ổn định công tác lâu dài.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua đề án nhằm hỗ trợ “đội ngũ nhà  giáo được hưởng chính sách thâm niên”. Đó là sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp “trồng người”. Sắp tới, sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ưu tiên giáo dục nên đời sống giáo viên sẽ được nâng cao, cải thiện hơn. Đặc biệt, năm 2010, nhiều chính sách ưu tiên giáo viên miền núi sẽ được đồng loạt triển khai, điển hình là đề án 61 nhằm hỗ trợ 62 huyện nghèo trên toàn quốc, sẽ cải thiện cơ bản đời sống giáo viên.

PV: Luân chuyển giáo viên làm việc ở những vùng khó khăn về vùng thuận lợi hơn và ngược lại là một đề án thiết thực nhằm tạo sự công bằng cho các thầy cô giáo. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ luân chuyển gần 15.000 giáo viên nay đã hoàn thành nhiệm vụ tại các vùng, miền khó khăn ra sao, thưa ông?

Ông Trương Đình Mậu

Ông Trương Đình Mậu: Bộ GD-ĐT đã thực hiện cuộc điều tra về việc luân chuyển giáo viên và nhận thấy: Các địa phương do chưa thống kê hết số lượng giáo viên nên báo cáo không trùng khớp với thực tế. Tại huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), địa phương báo cáo còn tới 800 giáo viên hết nghĩa vụ chưa được chuyển về, nhưng thực tế kiểm tra con số lại sụt xuống 7-8 lần. Tại Tuyên Quang, Phú Thọ, hiện không còn tồn đọng đối tượng nằm trong chương trình điều động của Bộ.

Nhiều địa phương, lượng giáo viên hết thời hạn công tác ở những huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn chưa được sắp xếp trở về, phần lớn đều nằm trong chương trình do các Sở GD-ĐT trực tiếp tuyển và điều động nên Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thành đề án luân chuyển giáo viên trình Chính phủ vào năm 2010 và sẽ có quyết định đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Tại các tỉnh đều có cơ sở đào tạo giáo viên Mầm non hoặc THCS nên sẽ hạn chế điều động bổ sung giáo viên từ các tỉnh khác về. Hiện nhiều địa phương đã tự đáp ứng nhu cầu này. Một số tỉnh như Điện Biên đã thực hiện gửi con em địa phương đi đào tạo, sau đó quay về phục vụ, thay thế dần đội ngũ giáo viên sắp về hưu. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các tỉnh đẩy mạnh thực hiện quy trình này.

PV: Tuy nhiên, hiện đang diễn ra một thực tế là, giáo viên giảng dạy ở vùng khó khăn khi chuyển về những vùng thuận lợi hơn lại không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và những đổi mới ở trường học vùng xuôi. Ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Ông Trương Đình Mậu: Chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề này. Trước đây, việc luân chuyển giáo viên chủ yếu được thực hiện từ một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên một tỉnh miền núi phía Bắc. Còn hiện nay, việc luân chuyển giáo viên được thực hiện chủ yếu trong một địa phương, vùng thấp lên vùng cao cũng ở trong một địa phương đó, huyện này lên huyện khác hoặc từ xã này sang xã kia của huyện đó. Vì thế, địa phương sẽ có điều kiện và cơ sở thực tế để có thể bù đắp những thiếu hụt về chất lượng giáo viên trước hoặc sau khi luân chuyển. Đồng thời, xây dựng những cơ chế hợp lý để hỗ trợ, giúp đỡ các thầy cô khi lên vùng cao công tác cũng như những giáo viên từ vùng khó khăn chuyển về vùng thuận lợi hơn.

 PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên