Nữ sinh xúc phạm thầy cô trên facebook: Cha mẹ em đâu?

(VOV) - Quan trọng nhất lúc này là cha mẹ em V hãy làm bạn của con, làm cho em nhận thức được những việc mình đã làm...

Quyết định cho nghỉ học 1 năm đối với nữ sinh lớp 8 Nguyễn Thanh V, trường  THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vì có hành vi xuyên tạc lịch sử, xúc phạm thầy cô trên mạng xã hội lại một lần nữa làm dư luận “nóng” lên.

Trong khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về quyết định này thì Ban Giám hiệu nhà trường vẫn bảo lưu quyết định của mình. Ban Giám hiệu nhà trường quyết định như vậy cũng có cái lý của họ, bởi đối với em học sinh này, vi phạm kỷ luật không phải lần đầu tiên. Mà mới chỉ cách đây có vài ngày, em V vừa bị kỷ luật vì đánh nhau. Theo thầy Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng thì không phải đến bây giờ, mà từ lâu nhà trường cũng đã có sự quan tâm sát sao tới một học sinh cá biệt như em V với nhiều hình thức theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở và răn đe nhằm mong em tiến bộ hơn…

Lời "tuyên ngôn" của V đăng trên trang cá nhân (Ảnh chụp màn hình)

Quyết định cho nghỉ học một năm là việc nên làm đối với một học sinh như V. Bởi trước hết, mức độ vi phạm của học sinh này ngày càng nghiêm trọng, mà không có sự sửa đổi nên không thể áp dụng biện pháp kỷ luật “suông” như những lần trước.

Học làm người là cả một quá trình, có khi là cả cuộc đời. Kỷ luật một năm là một cái “án” có thời hạn, không phải là khoảng thời gian quá dài. Với những học sinh như V, cần phải có đủ thời gian để em tu tỉnh, sửa chữa khuyết điểm. Việc kỷ luật em V cũng là để cảnh báo những học sinh khác đang và sắp có hành động tương tự, coi thường đạo lý thầy trò, coi thường truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn đời nay.

Một học sinh học lớp 8, có thể trong mắt bố mẹ lúc nào cũng là bé bỏng, nhưng ở lứa tuổi ấy, các em đã có nhận thức căn bản về những việc mình làm, nhất là việc xúc phạm thầy cô, gọi những người thầy của mình là “bọn thầy cô” là một việc làm trái giáo lý.

Em V cũng nên nhận thức được những hành động trước đây của mình đã được thầy cô và nhà trường nhắc nhở, nương nhẹ, “án” kỷ luật này cũng chỉ là một việc làm bất đắc dĩ của thầy cô bởi việc em làm đã đi quá giới hạn.

Thực sự, nếu lần này, nhà trường cũng chỉ kỷ luật V những những lần trước, chắc chắn mức độ vi phạm của em không chỉ dừng lại ở việc xúc phạm thầy cô. Một năm nghỉ học, để V có thời gian suy nghĩ những việc mình đã làm, kể cả là trong lúc bồng bột thì hành động này cũng không thể chấp nhận được đối với một người làm trò.

Hết thời gian kỷ luật, V lại vẫn có thể đến trường và những người thầy, người cô vẫn dang rộng vòng tay đón em. Chắc chắn là như thế!.

Dù quyết định của nhà trường là một việc nên làm, nhưng có lẽ sau quyết định này, những người làm thầy, làm cô ở trường THCS Lý Tự Trọng cũng không khỏi day dứt, trăn trở. Day dứt vì trong thời gian đã qua, với trách nhiệm của mình, liệu những người làm thầy đã dồn hết tâm sức và cả sự thương yêu để dạy dỗ những em như em V nói riêng, cũng như nhiều học sinh khác?

Việc em V có những hành động như vậy (kể cả là bột phát) một phần có lỗi của chính giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô trong trường. Những lần kỷ luật trước, em V không có biến chuyển, cũng bởi do em chưa thực sự cảm nhận được sự chân thành ở trong đó.

Việc ra quyết định để kỷ luật một con người không quá khó. Nhưng nếu trong phán quyết ấy, không có cả sự yêu thương chân thành từ những người làm thầy, làm cô thì những bản quyết định cũng chỉ là những tờ giấy vô tri, vô giác. Và nguy hiểm hơn, nó sẽ đẩy con người ta ngày càng lún sâu vào sai lầm, tội lỗi.

Trong sự việc này, những vi phạm của V có lẽ phần trách nhiệm nhiều hơn cả là ở chính gia đình của em. Vẫn biết học sinh đến trường để học chữ, học làm người nhưng nếu không có một nền tảng căn bản và sự quan tâm từ gia đình, thì mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa.

Những lần V vi phạm kỷ luật, gia đình có biết và đã có biện pháp phối hợp với nhà trường để uốn nắn con em mình? Dù là bột phát, gia đình chắc sẽ không khỏi giật mình khi con em mình có những lời lẽ xúc phạm thầy cô nặng nề như vậy. Mà cũng khó để khẳng định hành động của V bột phát, vì phải có một quá trình dài không tôn trọng những người thầy của mình, V mới có hành động như thế.

Nếu không có sự quan tâm sát sao, gia đình nào trong trường hợp này cũng sẽ sốc khi con em mình nhận “án” kỷ luật như vậy. Vì thế, qua sự việc này, gia đình em V cũng nên điềm tĩnh để suy xét tất cả mọi việc.

Điều quan trọng nhất lúc này là cha mẹ em V hãy làm bạn cùng con, để làm cho em nhận thức được những việc mình đã làm và cùng em vượt qua thời điểm khó khăn này. Khi con trẻ đã thực sự cảm nhận được sự yêu thương của người lớn, chắc chắn sau này, những sự việc này đối em sẽ mãi là “những kỷ niệm đáng nhớ”, để mỗi khi nhìn lại, em thấy mình phải cố gắng để sống có ý nghĩa hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bị cô giáo xúc phạm, một học sinh nhảy lầu tự tử?
Bị cô giáo xúc phạm, một học sinh nhảy lầu tự tử?

Sự việc việc đau lòng ngoài ý muốn xảy ra với em Nguyễn Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 12A7 (SN 1994, trú tại xã Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình) đã để lại nỗi đau, day dứt cho nhiều người thân và bạn bè...

Bị cô giáo xúc phạm, một học sinh nhảy lầu tự tử?

Bị cô giáo xúc phạm, một học sinh nhảy lầu tự tử?

Sự việc việc đau lòng ngoài ý muốn xảy ra với em Nguyễn Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 12A7 (SN 1994, trú tại xã Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình) đã để lại nỗi đau, day dứt cho nhiều người thân và bạn bè...