Ôn thi tốt nghiệp THPT: Không nên học đến quên ăn quên ngủ

VOV.VN - Các thầy cô khuyên trước kỳ thi quan trọng, lo lắng là điều khó tránh, đặc biệt trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học do dịch bệnh, song các em cần sắp xếp thời gian hợp lý, không nên quá căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi quan trọng bởi kết quả này không chỉ được sử dụng để công nhận tốt nghiệp mà còn được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển đại học.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, hàng chục địa phương trên cả nước buộc phải cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học online.

Lo lắng, bất an, áp lực là tâm lý chung của nhiều sĩ tử mùa thi.

Học ngày "cày" đêm vẫn thấy chưa đủ

Nguyễn Thanh Nga (Hà Nội) dự định thi khối B (Toán, Hóa, Sinh) vào Đại học Dược Hà Nội cho biết, kế hoạch học tập của em bị xáo trộn rất nhiều khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Từ học trực tiếp, đến nay Nga cũng như nhiều học sinh Hà Nội khác phải chuyển sang học trực tuyến. Hình thức học này không còn xa lạ khi đã sang “năm covid” thứ 2, nhưng nói về tính hiệu quả, nữ sinh cho rằng vẫn không thể so sánh với việc học trực tiếp.

“Cùng một thời gian học 45 phút, nhưng em thấy lượng kiến thức khi học trực tuyến không được nhiều như học trên lớp, thầy cô cũng không thể giảng bài kỹ như trên lớp. Hiện tại em đang trong quá trình ôn lại toàn bộ kiến thức của các môn dùng để xét tuyển đại học và luyện đề để bổ sung những phần kiến thức còn hổng. Đây là giai đoạn nước rút rất quan trọng, chúng em cần sự giúp đỡ nhiều từ thầy cô và trao đổi với bạn bè, nhưng mọi thứ đều khó khăn hơn do không thể đến trường. Các lớp học ôn thi tại các trung tâm cũng phải dừng lại. Em thấy rất hoang mang, lo lắng, học bao nhiêu cũng chưa thấy đủ”, Nga chia sẻ.

Nữ sinh cho hay, không chỉ hoang mang khi bài vở cần ôn tập còn nhiều, mà em cũng lo ngại về việc kỳ thi sẽ bị thay đổi thời gian, lịch thi: “Em không muốn phải hoãn thi quá lâu do dịch bệnh, vì chưa thi ngày nào là căng thẳng, hồi hộp ngày ấy”.

Nguyễn Quốc Trường (Bắc Ninh) dự định thi vào Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi chuyển sang học online, em phải sắp xếp lại toàn bộ thời gian học trong ngày.

Mỗi ngày của Trường bắt đầu bằng việc thức dậy lúc 4h sáng để luyện các dạng đề, học online theo lịch của nhà trường, học nhóm online cùng các bạn và học cùng gia sư buổi tối. Mỗi ngày nam sinh đều học từ sáng sớm đến đêm khuya nhưng vẫn không khỏi lo lắng: “Ngành mà em có nguyện vọng xét tuyển điểm trúng tuyển rất cao, nếu như những năm trước, phải đạt ít nhất 9 điểm 1 môn mới có cơ hội nên em thấy rất áp lực. Với các môn tự nhiên, học trực tuyến sẽ khó tiếp thu hơn rất nhiều. Trong giai đoạn này, em nghĩ quan trọng nhất là sự tự giác, sắp xếp thời gian một cách khoa học để ôn thi tăng tốc”.

Nam sinh cũng cho biết đang tích cực làm các đề thi thử và tính thời gian đúng như thi thật để luyện tốc độ và kỹ năng làm bài trong phòng thi.

Học nhiều nhưng vẫn cần... chơi

Đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử trong thời gian ôn thi nước rút, thầy Lê Châu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Kon Tum cho rằng, do nhu cầu và kỳ vọng xã hội ngày càng cao, việc học tập trở thành yêu cầu bắt buộc để con người có thể đạt được những thành tựu nhất định. Cùng với đó là các kỳ thi, tình hình dịch bệnh phức tạp, hơn thế nữa, xuất phát từ gia đình, bạn bè hay thầy cô đặt kỳ vọng lên các em quá nhiều đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thi cử của học sinh.

Để giảm căng thẳng khi thi, thầy Vân khuyên các thí sinh cần nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh và tự chủ. “Khi các em làm bài thi trong trạng thái căng thẳng sẽ đều ảnh hưởng lớn tới kết quả bài làm. Do đó các sĩ tử cần xây dựng thời gian biểu hợp lý, hài hòa để có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và đủ thời gian ôn tập, đảm bảo được sức khỏe bản thân.

Bên cạnh đó, khi bước vào kỳ thi các sĩ tử nên giữ vững tinh thần thoải mái, tự tin để có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất”, thầy Vân nhấn mạnh.

Thầy Lê Châu Vân cũng lưu ý rằng, để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đạt kết quả tốt nhất, việc lập thời gian biểu ôn thi là một công việc khá quen thuộc nhưng không hề dễ dàng đối với các sĩ tử.

“Đứng trước một kỳ thi quan trọng chắc hẳn em học sinh nào cũng lo lắng làm sao có thể “nhồi nhét” một khối lượng lớn kiến thức của ba năm học mà vẫn đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi để có sức khỏe tốt trong suốt mùa thi.

Nếu như bình thường, thời gian một ngày của học sinh cân bằng giữa việc học, chơi và ngủ nghỉ thì trong thời gian ôn thi hãy cố gắng hạn chế tối đa thời gian dành cho việc giải trí, thay vào đó, ưu tiên cho thời gian học.

Việc học cần chiếm nhiều hơn trong quỹ thời gian, nhưng tuyệt đối không nên làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của các em. Nếu các em học sinh học quá nhiều, học quên ngủ, lo lắng rằng mình chưa học đủ gây trằn trọc mất ngủ… đều rất có hại cho sức khỏe. Bởi lẽ thời gian ngủ là thời gian cơ thể được nghỉ ngơi, nạp năng lượng, phục hồi chức năng của các cơ quan, bộ phận. Nếu không có những giấc ngủ ngon, các sĩ tử sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, học nhanh quên… trong suốt mùa thi”, thầy Lê Châu Vân nhắc nhở học sinh.

Cũng theo thầy Vân, trong thời gian học, để tránh việc gây hại cho sức khỏe vì ngồi học quá lâu, học sinh nên nghỉ giải lao 5-10 phút sau 45 phút tập trung học ôn. Trong thời gian nghỉ ngơi sĩ tử có thể nạp năng lượng bằng việc ăn nhẹ hoặc thư giãn bằng các bài hát, điệu nhạc.

Đặc biệt, các em nên tránh việc vì lo lắng quá mức dẫn đến thiếu ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nên chấp hành học trực tuyến như học trên lớp

Còn theo thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, những học sinh đang phải tạm dừng đến trường, học trực tuyến, các em nên chú ý theo dõi, cập nhật những thông tin mới trên các group học tập do giáo viên lập. Đối với các bài tập, đề thi thử được giao, học sinh cố gắng hoàn thành theo đúng thời gian yêu cầu của giáo viên. Tùy theo môn học, một số giáo viên có thể quy định một thời gian cụ thể nào đó để cả lớp tương tác trực tuyến nhằm giải đáp thắc mắc, hỗ trợ học sinh ôn tập. Các em nên chấp hành như đang tham gia lớp học trực tiếp để có thêm cơ hội củng cố, hệ thống lại kiến thức và kinh nghiệm, kỹ thuật làm bài thi phù hợp với hình thức thi.

Theo thầy Bình, tại nhiều trường, thời điểm này, học sinh chỉ còn 1 số tiết ôn tập, củng cố kiến thức, do đó thời gian này học sinh cần tự ôn tập nhằm hệ thống lại kiến thức đã học và làm quen với các dạng đề.

“Bên cạnh sự hỗ trợ của thầy cô giáo thì học sinh phải nỗ lực tự học. Phụ huynh phải thường xuyên động viên, nhắc nhở con em mình. Đối với những học sinh chưa có ý thức cao trong việc tự học thì rất cần sự phối hợp nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Trong khi học sinh tạm dừng đến trường thì giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 là cầu nối thông tin giữa nhà trường với học sinh và phụ huynh, nhất là những thông tin có liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh CĐ, ĐH”, thầy Bình lưu ý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hàng loạt địa phương dừng thi thử tốt nghiệp THPT, nghỉ học vì dịch
Hàng loạt địa phương dừng thi thử tốt nghiệp THPT, nghỉ học vì dịch

VOV.VN - Nhiều địa phương tiếp tục phải tạm dừng các hoạt động dạy học trực tiếp, thi thử tốt nghiệp THPT để phòng dịch Covid-19.

Hàng loạt địa phương dừng thi thử tốt nghiệp THPT, nghỉ học vì dịch

Hàng loạt địa phương dừng thi thử tốt nghiệp THPT, nghỉ học vì dịch

VOV.VN - Nhiều địa phương tiếp tục phải tạm dừng các hoạt động dạy học trực tiếp, thi thử tốt nghiệp THPT để phòng dịch Covid-19.

Dịch Covid-19, đề thi tốt nghiệp THPT liệu có nhẹ nhàng hơn năm trước?
Dịch Covid-19, đề thi tốt nghiệp THPT liệu có nhẹ nhàng hơn năm trước?

VOV.VN -Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi.

Dịch Covid-19, đề thi tốt nghiệp THPT liệu có nhẹ nhàng hơn năm trước?

Dịch Covid-19, đề thi tốt nghiệp THPT liệu có nhẹ nhàng hơn năm trước?

VOV.VN -Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi.

Bộ GD-ĐT công bố danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp, tuyển thẳng đại học
Bộ GD-ĐT công bố danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp, tuyển thẳng đại học

VOV.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, cao đẳng thực hiện miễn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng với 144 thí sinh.

Bộ GD-ĐT công bố danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp, tuyển thẳng đại học

Bộ GD-ĐT công bố danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp, tuyển thẳng đại học

VOV.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, cao đẳng thực hiện miễn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng với 144 thí sinh.

Thi tốt nghiệp THPT: Số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội đông áp đảo
Thi tốt nghiệp THPT: Số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội đông áp đảo

VOV.VN - Sáng nay (6/5), Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến 11h ngày 5/5, đã có 631.110 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thi tốt nghiệp THPT: Số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội đông áp đảo

Thi tốt nghiệp THPT: Số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội đông áp đảo

VOV.VN - Sáng nay (6/5), Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến 11h ngày 5/5, đã có 631.110 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021.