Ông Vũ Đức Đam: Nhà nước không “bỏ lửng” khi các trường đại học tự chủ

VOV.VN -Tự chủ sẽ giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà nước không "bỏ lửng" khi các trường tự chủ mà hỗ trợ các trường dưới hình thức khác.

Vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung, nhất là của các cơ sở giáo dục ĐH đã được đề cập trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước hơn 10 năm qua như trong Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam.

Vấn đề tự chủ ĐH lại được “hâm nóng” tại hội thảo “Tự chủ ĐH – cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 30/9 tại Hà Nội.

Đại biểu tham dự Hội thảo“Tự chủ ĐH – cơ hội và thách thức”

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta đang đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Hiện có nhiều chỉ số cho thấy, giáo dục ĐH và sau ĐH có nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ như có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, kỹ sư tốt nghiệp không có việc làm. Thực trạng này có nguyên nhân phụ thuộc vào nền kinh tế-xã hội, không chỉ phụ thuộc vào giáo dục nhưng rõ ràng chất lượng giáo dục ĐH đang có vấn đề. Nếu chúng ta có đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, kỹ sư chất lượng cao thì là nguồn lực rất lớn để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.

Một chỉ số khác đáng buồn là nước ta có nhiều công bố quốc tế đạt chất lượng thấp so với các nước. Trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI, Việt Nam không có tạp chí.

Trong số khoảng 20.000 tạp chí Scorpus thì Việt Nam chỉ có 3 cái, nhưng không có cái nào của trường ĐH.

Gần đây, chúng ta nói nhiều đến khoa học công nghệ. Đất nước muốn phát triển bền vững thì phải tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia.

Theo mô hình của thế giới, hệ thống sáng tạo quốc gia tốt là một tam giác đều, xoay chiều nào cũng được. Một đỉnh là ĐH, một đỉnh là nghiên cứu, một đỉnh là Nhà nước và trung tâm là doanh nghiệp.

Còn mô hình ở nước ta hiện nay, theo nhiều chuyên gia quốc gia đánh giá, mô hình của Việt Nam là tam giác cân, đáy nhỏ nên không xoay nhiều chiều được, buộc phải cố định. Đỉnh cao nhất là Nhà nước, 2 đỉnh dưới cùng là doanh nghiệp và ĐH, ở giữa trung tâm là viện nghiên cứu. Chính vì vậy, các trường ĐH không tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học nhiều như các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Vấn đề trên cho thấy, chúng ta cần đổi mới chất lượng giáo dục ĐH vì đây là cấp học cung cấp nguồn nhân lực, lao động cho xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để đổi mới có hiệu quả phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới thì các trường ĐH phải quyết tâm tự chủ.

Theo nhiều nhà phân tích, môi trường ĐH đòi hỏi sự khai phóng, sáng tạo và những người tham gia quản trị ĐH là người có trình độ, có hiểu biết, mặt bằng hiểu biết tương đối cao và tương đối đồng nhất. Đặc biệt, tự chủ gắn với giải trình xã hội.

Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ khi các trường ĐH tự chủ

Trên thực tế, vấn đề tự chủ ĐH ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và cũng đã thí điểm cách đây 10 năm áp dụng đối với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là sau đó vấn đề này lại không được thúc đẩy thêm, không đạt được những mong muốn đề ra.

Nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề tự chủ chậm tiến triển là do hầu hết nhiều trường đều hiểu lệch theo hướng là tự chủ tài chính, các trường ĐH lo lắng rằng Nhà nước sẽ không cấp ngân sách thì không có tiền chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có ba vấn đề mà các trường ĐH cần chú ý:

Thứ nhất, tự chủ chuyên môn, dạy học và nghiên cứu liên quan đến quản lý Nhà nước. Trước đây, ta “cầm tay chỉ việc”, nhưng giờ đây đã tháo gỡ được nhiều, những trường ĐH gần đây được cho tự chủ nên được nhiều quyền hơn.

Thứ hai, về tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự, vừa qua, Bộ Nội vụ có quyết định tháo gỡ căn bản liên quan đổi mới các đơn vị sự nghiệp công. Trong sự nghiệp giáo dục, ngoài số biên chế hiện có mà trường muốn tuyển thêm bao nhiêu là toàn quyền tự làm chứ không bị giàng buộc phải xin đề án xin nhân lực.

Thứ ba, về tự chủ tài chính. Ở những quốc gia như CHLB Đức, Pháp có tự chủ ĐH, thậm chí rất nhiều trường tự chủ nhưng ngân sách Nhà nước vẫn cấp kinh phí cho các trường đó. Có nghĩa là các trường ĐH tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không cấp kinh phí nữa.

“Vậy tự chủ là như thế nào? Chúng ta hãy hình dung 14 trường ĐH tự chủ hiện nay, nếu nhìn tinh sẽ thấy các trường được lợi quá vì được nhiều quyền mà vẫn được Nhà nước đầu tư.

Các trường ĐH hãy bỏ ý nghĩ và nỗi sợ là nếu tự chủ thì không được Nhà nước đầu tư nữa. Tôi khẳng định tự chủ ĐH không phải là Nhà nước không đầu tư nữa, chỉ có điều thay đổi cách đầu tư”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta phải hiểu rõ là không thể duy trì mức học phí quá thấp trong khi ngân sách Nhà nước không đủ tiền đầu tư cho các trường ĐH như các nước phát triển thì làm sao các trường có thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Trong khi đó, hàng năm có rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam phải ra nước ngoài học tập với mức học phí cao gấp hàng trăm lần học phí trong nước.

Việc các trường ĐH đăng ký tự chủ không chỉ mang lại lợi ích cho mình mà còn giúp cho rào cản giữa trường công lập và tư thục được tháo gỡ.

Chúng ta phải nâng dần chất lượng giáo dục ĐH lên. Các trường có thể dùng số tiền học phí được đóng cao lên đó để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo, đối tượng chính sách. Như vậy, các em vẫn được tiếp cận với việc học tập.

Trong khả năng có thể, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ các trường ĐH bằng cách hỗ trợ lãi suất hay hỗ trợ một phần kinh phí để các trường tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất.

Thay vì Nhà nước tiếp tục cấp tiền lương cho giáo viên theo kiểu khi họ đã là viên chức rồi, làm việc như thế nào vẫn cứ yên tâm ngồi ở vị trí đó thì bây giờ dùng tiền ấy để cấp học bổng cho học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn; hoặc Nhà nước tiếp tục đầu tư tăng nguồn cho nghiên cứu khoa học, chứ Nhà nước không cắt ngay nguồn đầu tư cho khối ĐH.

Cơ cấu, bổ nhiệm lại hội đồng quản trị trường ĐH

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang soạn Dự thảo Nghị định theo hướng về cơ bản các trường ĐH tự chủ toàn quyền nhưng thay đổi mô hình quản trị, cơ quan chủ quản giảm sự can thiệp hành chính bằng việc đầu tiên là cơ cấu, bổ nhiệm lại hội đồng trường lâm thời (6 tháng đến 1 năm).

Trong thời gian đó, hội đồng trường đó bầu chọn hiệu trưởng, hiệu phó, cơ quan lãnh đạo trong trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Chúng ta đang kiên trì quyết liệt thực hiện đường lối đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.

Bước khó khăn nhất ban đầu mà chúng ta gặp phải là phân biệt chức năng quản lý Nhà nước với chức năng sở hữu doanh nghiệp và việc bỏ chủ quản trong doanh nghiệp vô cùng gian nan, vất vả.

Bởi khi đó, các Bộ, các ủy ban, các ban giám đốc không đồng thuận nhưng Nhà nước kiên trì thuyết phục và kết quả là đổi mới được hệ thống doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay.

Còn đổi mới ĐH lại khó khăn hơn đổi mới doanh nghiệp bởi nó liên quan đến con người cho nên trong thời gian tới chúng ta cần có trách nhiệm và quyết tâm cao hơn./.

Tự chủ ĐH là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm. Tự chủ ĐH thường được thể hiện chủ yếu trên 3 nhóm nội dung lớn: Học thuật, tổ chức nhân sự, tài chính. Tuy nhiên, trong việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, có một số vấn đề cần thống nhất về nhận thức:

Một là, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH không có nghĩa là mọi trường ĐH đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau. Trên thế giới, có tồn tại một “phổ” rộng về mức độ tự chủ: Những trường được trao quyền tự chủ tối đa là những trường ĐH có hàm lượng trí tuệ cao, tức là những trường ĐH nghiên cứu. Còn các trường theo hướng nghề nghiệp-ứng dụng vẫn phải chịu sự kiểm soát và giám sát khá lớn từ phía Nhà nước, đặc biệt về mặt học thuật.

Hai là, quyền tự chủ của trường ĐH càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao. Ở đây, trách nhiệm xã hội không chỉ là lời hứa suông mà là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, người sử dụng lao động, công chúng và Nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng.

Ba là, quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường có thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. Hội đồng trường phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường. Thành phần của Hội đồng trường phụ thuộc loại hình sở hữu của trường.

Bốn là, phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hữu hiệu.

Năm là, trao quyền tự chủ cho trường ĐH hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường ĐH từ Trung ương cho các tỉnh, thành phố, địa phương./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vướng mắc và đề xuất của các trường khi thực hiện tự chủ Đại học
Vướng mắc và đề xuất của các trường khi thực hiện tự chủ Đại học

VOV.VN - Các trường được tự chủ đại học đề xuất thu học phí dựa trên việc xếp hạng, thay đổi cách thức để thực hiện tuyển sinh riêng, mở ngành…

Vướng mắc và đề xuất của các trường khi thực hiện tự chủ Đại học

Vướng mắc và đề xuất của các trường khi thực hiện tự chủ Đại học

VOV.VN - Các trường được tự chủ đại học đề xuất thu học phí dựa trên việc xếp hạng, thay đổi cách thức để thực hiện tuyển sinh riêng, mở ngành…

Đại học nào thu học phí cao nhất và thấp nhất khi tự chủ?
Đại học nào thu học phí cao nhất và thấp nhất khi tự chủ?

VOV.VN -Mức thu học phí với từng ngành cao nhất là ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM (14,5 triệu đồng/năm). Mức thu thấp nhất là ĐH Hà Nội (7,8 triệu đồng/năm).

Đại học nào thu học phí cao nhất và thấp nhất khi tự chủ?

Đại học nào thu học phí cao nhất và thấp nhất khi tự chủ?

VOV.VN -Mức thu học phí với từng ngành cao nhất là ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM (14,5 triệu đồng/năm). Mức thu thấp nhất là ĐH Hà Nội (7,8 triệu đồng/năm).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe những khó khăn về tự chủ đại học
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe những khó khăn về tự chủ đại học

VOV.VN - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của các trường để tìm ra bước đi phù hợp trong thực hiện tự chủ đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe những khó khăn về tự chủ đại học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe những khó khăn về tự chủ đại học

VOV.VN - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của các trường để tìm ra bước đi phù hợp trong thực hiện tự chủ đại học.