Phải chọn được những sinh viên giỏi nhất vào ngành sư phạm

Sinh viên giỏi theo nghề sư phạm sẽ tác động rất lớn tới chất lượng giáo viên trong vòng từ 10-15 năm sau…  

Điểm trúng tuyển nhóm ngành sư phạm giảm dần đang là dấu hiệu đáng lo ngại vì chất lượng đầu vào thấp, khó có được thế hệ giáo viên giỏi. Khoảng 10 năm trước, thí sinh thi khối C vào các trường sư phạm phải đạt tối thiểu 24 điểm mới mong đỗ, trong khi khối A điểm còn cao hơn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, điểm đầu vào của thí sinh thi sư phạm trong cả nước đang có xu hướng giảm dần, có trường phải lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn và phải tuyển nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu.

Một giờ giảng bài cho học sinh Tiểu học

Nghề dạy học vốn được xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, người giáo viên được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, “người gieo hạt cho tương lai”. Trong niềm vui chào đón năm học mới 2011-2012, người dân có con đi học đều mong muốn con mình được hưởng một nền giáo dục tốt nhất, được học ở những thầy cô giáo giỏi, có phẩm chất đạo đức và tận tuỵ với nghề.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, mong muốn của xã hội không phải là chuyện dễ dàng khi mà mới đây, tại hội nghị toàn quốc ngành sư phạm, nhiều cán bộ, giảng viên các trường đại học phải thốt lên rằng: Số lượng sinh viên thi tuyển vào các trường sư phạm ngày càng ít đi, sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng nghề chiếm tới 70%, giáo viên ở các vùng miền có sự chênh lệch lớn (thành phố nhiều nhưng các vùng, miền khó khăn thì rất thiếu). Hiện nay, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên giảng dạy trải dài khắp các tỉnh, thành, vùng miền nhưng số lượng giáo viên có trình độ, yêu nghề, sẵn sàng bám trường, bám lớp trong bất kỳ hoàn cảnh nào không được như những năm trước.

Các chế độ đãi ngộ chưa thực sự thu hút được người giỏi

Lực lượng nhà giáo được coi là hạt giống gieo mầm cho thế hệ trẻ hình thành nhân cách và phát triển sau này. Điều quan trọng hơn nữa là đất nước có nhiều giáo viên giỏi sẽ góp phần vực dậy cả một nền giáo dục. Nếu chúng ta thiếu hụt lực lượng giáo viên có trình độ, tâm huyết với nghề thì sẽ ảnh hưởng tới thế hệ của 10-15 năm sau. Đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.

Có một thời kỳ dài, chúng ta đã tuyển sinh được lượng lớn thí sinh đỗ đạt điểm cao vào các trường sư phạm và tuyển dụng được khá nhiều giáo viên  giỏi vào giảng dạy tại các trường học. Đó là kết quả của việc ngành Giáo dục có chính sách, sinh viên đỗ vào các trường sư phạm thì không phải đóng học phí và ra trường được phân bổ công việc.

PGS.TS Lê Sỹ Giáo

Tuy nhiên hiện nay, trên thực tế, việc phân bổ công việc cho sinh viên ra trường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số sinh viên tốt nghiệp. Nhiều sinh viên khác, ra trường 4-5 năm vẫn không thể tìm được việc làm. Tìm được công việc đúng ngành nghề khó, nhiều người đành phải chuyển sang công việc khác hoặc làm trái ngành nghề.

PGS.TS Lê Sỹ Giáo, giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: Một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp được bố trí công việc lại không muốn đến những địa bàn, vùng miền khó khăn để giảng dạy. Mặc dù Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có những chính sách ưu đãi, ưu tiên cho những giáo viên giảng dạy ở những nơi khó khăn nhưng nhiều sinh viên phân vân vì điều kiện sinh hoạt, đường sá ở những địa phương này còn thiếu thốn, trở ngại. Đặc biệt, có những sinh viên nữ tâm sự, giảng dạy ở những vùng khó khăn sẽ ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên khó lập gia đình khi tuổi xuân qua nhanh.

Đây là những lý do chủ yếu khiến cho một bộ phận sinh viên có học lực xếp loại giỏi ở các trường THPT đang có xu hướng “quay lưng” lại với ngành học sư phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng “đầu vào” của ngành đào tạo có vị trí quan trọng đặc biệt này.

Với những yếu tố như trên, nhiều người đang lo ngại là những chính sách, sự ưu đãi của ngành Giáo dục đã đưa ra chưa thực sự lôi cuốn, thu hút người giỏi theo nghề sư phạm.

Giáo viên giỏi sẽ quyết định chất lượng giáo dục của hàng chục năm sau

Khi khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì cũng đòi hỏi ở người giáo viên phải có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất theo kịp với sự phát triển của thời đại.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, giáo viên giỏi phải là những người biết tận dụng những tiến bộ của khoa học tiên tiến nhất trên thế giới vào giảng dạy. Tuy nhiên, người giáo viên ấy cũng phải chiến thắng mọi hoàn cảnh, thời tiết, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn. Ví dụ như khi địa phương bị bão lũ, trường lớp ngập lụt, bàn ghế trôi dạt, hư hỏng, đồ dùng giảng dạy, sách vở bị cuốn trôi, điện mất, nước sạch không có, mà chỉ còn mỗi phấn trắng và bảng đen thì người thầy giáo vẫn phải chủ động đáp ứng được những yêu cầu giảng dạy, bài giảng vẫn phải hấp dẫn và lôi cuốn được học sinh.

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh

Để thu hút số lượng học sinh thi vào các trường sư phạm là yếu tố cần lưu tâm nhưng để kéo những sinh viên giỏi theo đuổi, tâm huyết với nghề cũng lại là cả một vấn đề lớn. Bởi như GS.TS Nguyễn Viết Thịnh nhận định, số lượng sinh viên giỏi tốt nghiệp theo nghề sư phạm sẽ tác động rất lớn tới chất lượng giáo viên trong vòng từ 10-15 năm sau.

Đã đến lúc đừng để câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” phải lặp lại. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các trường sư phạm cần đào tạo ra những người giỏi và các địa phương phải tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả sinh tốt nghiệp loại khá, giỏi có việc làm.

Bộ Giáo dục-Đào tạo nên ưu tiên cho các trường sư phạm có uy tín mở rộng nguồn tuyển, mã ngành đào tạo và nâng cấp, xây thêm ký túc xá cho sinh viên. Việc làm này nhằm thu hút ngày càng nhiều sinh viên từ các tỉnh xa theo học ngành sư phạm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng cho rằng: Xây dựng và phát triển ngành giáo dục, phải chọn được những người ưu tú nhất làm thầy cô giáo, chọn được những sinh viên giỏi nhất vào học ngành sư phạm. Muốn thu hút sinh viên theo học sư phạm và chọn được giáo viên giỏi theo đuổi nghề “trồng người” thì các địa phương phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, chủ động quy hoạch nguồn nhân lực, giáo viên cho 5-10 năm sau.

Đất nước ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao nên nhu cầu được hưởng một nền dân trí cao là tất yếu khách quan. Đây cũng là cơ hội và cũng là thách thức đối với ngành giáo dục. Để Giáo dục Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới, lực lượng thầy, cô giáo có trình độ chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, hết lòng vì học sinh có vai trò hết sức quan trọng. Năm học mới 2011-2012 đang bắt đầu, chúng ta rất mong đợi và trông chờ vào sự đổi mới trong ngành giáo dục đối với sự phát triển thế hệ các nhà giáo trong tương lai!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên