Phó Thủ tướng: Làm tốt tự chủ đại học là trách nhiệm với đất nước
VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, không nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước...
Về tự chủ đại học (ĐH), sẽ không phải bàn có cần làm hay không mà đã thống nhất là phải làm; phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp. Nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017.
Tự chủ ĐH là một thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện tự chủ ĐH có tính đặc thù của Việt Nam, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển giáo dục ĐH thế giới.
Nói rõ về khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH hiện nay thực chất liên quan đến vấn đề nhận thức và nhiều điểm trong nhận thức liên quan đến lợi ích và trách nhiệm, giống như hình ảnh “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập |
Nấc 1 là trường không được tự chủ chút nào, Nhà nước bao cấp hết thì khóa rất chặt. Nấc 2 cho trường tự chủ một phần chi thường xuyên, khóa sẽ mở ra thêm một chút. Nấc 3 là trường tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thì nới ra chút nữa. Phải đợi đến khi tự chủ toàn bộ, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên mới cho tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, đó là nấc 4 chứ không phải đã được “tháo” hết khóa đó ra.
Còn 2 chìa, một chìa là của cơ quan quản lý Nhà nước; chìa thứ 2 là cơ quan chủ quản
Các trường tiên tiến trên thế giới vẫn có tiền ngân sách nhà nước người ta vẫn tự chủ, từ đó cho rằng, phải hiểu đúng về tự chủ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ trước hết đặt ra là tự chủ về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu, bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt hành chính vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó, ra các quyền về bộ máy, về nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ và tự chủ tài chính chỉ là 1 phần.
Tự chủ tài chính phải được hiểu một cơ sở nói chung, trong đó có ĐH, được tự chủ về tài chính là được tự chủ về thu và chi, theo quy định pháp luật.
Nguồn thu tạm phân làm 4 loại: thu từ nguồn tài trợ, từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy đinh pháp luật của cơ sở đào tạo; từ học phí và các loai phí nếu có theo quy định nhà nước; nguồn thứ tư vô cùng quan trọng và cần phải làm rõ là nguồn từ ngân sách nhà nước.
Trước đây, nguồn này cấp theo đầu vào, tính số biên chế, hay tính số chỉ tiêu đăng ký mà không quan tâm, không phụ thuộc vào chất lượng đầu ra. Nay nguồn ngân sách nhà nước phải theo giao nhiệm vụ, theo đặt hàng và căn cứ vào chất lượng đầu ra.
Như vậy, vẫn còn ngân sách Nhà nước, nhưng điều quan trọng là đổi mới cách cấp và cách sử dụng ngân sách cho hiệu quả để mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Tự chủ là để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Không nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, xã hội. Còn nếu xét về mặt cạnh tranh, chúng ta thua.
Vì sao phải tự chủ, trước hết, mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, góp tính quyết định vào đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thứ 2, như Trung ương vừa bàn, nhằm không phải cắt ngân sách một cách đơn giản mà là để tiết kiệm và sử dụng ngân sách tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu đào tạo tốt thì tiết kiệm cho xã hội, tiết kiệm cho người dân.
Thứ 3, chúng ta phải thực hiện tự chủ ĐH, phải biến cái người ta lo ngại thành thời cơ. Đó là đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho tất cả mọi người, trong đó lưu ý các đối tượng chính sách phải được đảm bảo.
Lãnh đạo Bộ GD- ĐT và các đại biểu tham dự Hội nghị |
Thực hiện tự chủ, Bộ GD-ĐT cần tháo gỡ tối đa các quy định, đặc biệt cho các trường đã tự chủ tốt. Điều tiếp theo, cũng là cái khó nhất, là các cơ quan chủ quản – khi bấy lâu nay coi nhà trường như một vụ, như 1 trung tâm của mình mà quên mất đây là 1 trường ĐH.
Tự chủ phải đi xuống từng trường, phải xuống đến tận giảng viên. Chừng nào “giáo vụ còn là cụ giáo viên” thì còn chưa có tinh thần tự chủ ĐH một cách xuyên suốt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, trước hết là phải đổi mới ngay tư duy cho lãnh đạo các trường ĐH, trực tiếp nhất từ các hiệu trưởng. Chừng nào còn có ý kiến: Luật đã có quy định về hội đồng trường, nhưng hội đồng trường phần lớn chưa lập, hoặc lập ra rồi còn chưa đúng là cơ quan quyền lưc thì không được.
Hội đồng trường phải quyết định 2 vấn đề: tổ chức bộ máy nhân sự của trường, kể cả quyết ai là hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa, trưởng bộ môn; quyết định về tài chính, chi ở mức nào trở lên thì hội đồng trường phải thông qua, mức nào trở xuống thì Ban giám hiệu quyết định…
Nhắc đến chuyện Đảng lãnh đạo, Phó Thủ tướng cho biết: Đảng lãnh đạo tất cả các lĩnh vực, trong trường có Đảng ủy trường. Lấy ví dụ, về nhân sự, ai làm hiệu trưởng phải theo 1 quy trình. Đảng quy hoạch, xem xét nhân sự đó. Đảng xem xét xong, giới thiệu ra, Hội đồng trường xem xét bỏ phiếu, đồng ý mới đề nghị bổ nhiệm, hoặc tiến tới sau này tự bổ nhiệm hiệu trưởng.
Điều thứ 2, điều tối quan trọng là tất cả các trường tự chủ phải có một bộ quy tắc ứng xử, cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt: tuyển người quy trình thế nào, thẩm quyền ai quyết, thu nhập thêm tiêu chí phân bổ thế nào, căn cứ vào điều gì, Thi đua khen thưởng như thế nào...
Thứ 3, phải có 1 cơ chế, lập các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận ĐH cho đối tượng chính sách.
Thứ 4, nhất định chúng ta phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng. Tự chủ phải đi với giải trình trách nhiệm với xã hội, để sao cho trường ĐH là cơ sở, ở đó thể hiện một mô trường làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh, là 1 thiết chế của dân tộc, đất nước và nếu vươn lên đẳng cấp, thì đó sẽ là thiết chế của thế giới./.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tự chủ đại học vẫn còn nhiều bất cập