Quy hoạch mạng lưới các trường đại học không đơn giản là phép cộng

VOV.VN - "Khi hợp nhất các trường không chỉ đơn giản là một phép cộng, mà là sắp xếp lại để trở thành trường đa ngành, đa lĩnh vực".

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209), giao Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch thực hiện.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có trao đổi với PV VOV.VN về những vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới các trường đại học, sư phạm hiện nay.

PV: Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao triển khai quy hoạch mạng lưới các trường đại học, sư phạm trên cả nước, ông có góp ý gì cho đề án này?

TS Lê Viết Khuyến: Hệ thống các trường đại học hiện nay đang có sự lộn xộn, khi nói đến quy hoạch mạng lưới, chủ yếu nói đến quy hoạch các trường công lập. Quy hoạch trường công sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, do đó cần tính đến hiệu quả hoạt động ra sao, đảm bảo yếu tố công bằng.

Khi quy hoạch, cần đảm bảo 3 tiêu chí quan trọng nhất là công bằng, chất lượng và hiệu quả. Công bằng là mạng lưới các trường này phải phục vụ tất cả người dân, phải được phân bố sao cho đồng đều cân xứng. Như vậy sẽ phải chia ra các trường trung ương có nhiệm vụ giải quyết nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở tầm quốc gia. Các trường này được đầu tư và chịu trách nhiệm chỉ đạo từ trung ương, bám sát chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, không nhằm cho riêng vùng miền nào.

Nhưng khi chú ý đến tầm vĩ mô, lại không thể đáp ứng yêu cầu riêng của từng địa phương, lúc này cần có các trường đại học vùng, quy mô nhỏ hơn, gắn với những đặc thù riêng của từng vùng miền. Trường đại học vùng lập ra với những khu vực chậm phát triển về kinh tế như Tây Bắc, Tây Nguyên... Những trường đại học vùng thường đầu tư vào những ngành phát triển kinh tế của vùng đó, tạo nguồn nhân lực để đưa kinh tế xã hội vùng phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, quá trình thành lập các trường đại học vùng nhiều người lại chưa hiểu được tính chất của trường vùng, khiến các trường này phát triển lung tung. Trường đại học vùng rất cần thiết, nhưng lại chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Tiếp theo là các trường địa phương, gắn liền với từng tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực đa dạng, cụ thể của từng tỉnh mà các trường trung ương hay vùng chưa thể đáp ứng. Các trường này cũng được mở ra để huy động thêm nguồn lực do địa phương đóng góp, phục vụ sự phát triển của cộng đồng, vì cộng đồng.

Nhưng hiện có nhiều quan niệm sai về các trường địa phương dẫn đến thực trạng có hàng loạt các trường ở tỉnh không thể phát triển. Một số đề xuất được sáp nhập để trở thành thành viên ĐH Quốc gia là không ổn. Tôi nói vậy bởi trường ĐH Quốc gia là trường trọng điểm của cả nước, thể hiện mặt bằng quốc tế, có những yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất, chương trình… trong khi trường địa phương lại đáp ứng nhu cầu của địa phương mang một sứ mệnh khác và điều kiện khác.

PV: Thực tế hiện nay đang có nhiều trường đại học "vật vã" tuyển sinh, hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là các trường đại học địa phương như ông vừa nói, vậy đâu là lời giải cho nhóm trường này khi quy hoạch, thưa ông?

TS Lê Viết Khuyến: Trường công gắn liền với nguồn tiền của Nhà nước, số tiền ấy phải sử dụng có hiệu quả. Thông thường, khi nói về tính hiệu quả của các trường, người ta thường nhìn vào quy mô của trường đó, trường có đào tạo tốt không, có tuyển sinh được không. Các chuyên gia kinh tế giáo dục đại học từ nhiều năm trước đã chỉ ra rằng một trường có quy mô trên 3.000 sinh viên thì chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên sẽ thấp hơn các trường dưới 3.000 sinh viên. Do đó, nhiều nước trên thế giới yêu cầu các trường có quy mô dưới 3.000 sinh viên sẽ phải sáp nhập để nâng quy mô lớn hơn.

Nhưng khi hợp nhất các trường không chỉ đơn giản là một phép cộng, mà là sắp xếp lại để biến các trường đó thành trường đa ngành, đa lĩnh vực. Trước đây, trong nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thường chỉ có các trường đơn ngành, nhưng trong nền kinh tế nhiều thành phần, cấu trúc nguồn nhân lực luôn biến động, các trường đơn ngành tồn tại không thuận lợi, có thời điểm thiếu, có lúc lại thừa số lượng lớn.

Các trường này chủ yếu là trường chuyên ngành, cần xác nhập lại thành các trường đa lĩnh vực. Nhưng việc xác nhập, hợp nhất cần có những tiêu chí rõ ràng, không chỉ đơn giản là một phép cộng cơ học.

PV: Mục đích sau cùng của các trường đại học là đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, vậy trong quá trình quy hoạch mạng lưới các trường, vai trò của việc dự báo cung cầu lao động ra sao, thưa ông?

TS Lê Viết Khuyến: Việc dự báo thị trường lao động là rất cần thiết, để từ đó điều chỉnh quy mô đào tạo cho từng trường. Song việc dự báo này chỉ mang tính chất chung, rất khó để đưa ra những dự báo sát sườn với từng vùng, từng tỉnh, do điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện nay các trường đều phải thống kê, điều tra về tình trạng việc làm của sinh viên sau 6 tháng tốt nghiệp. Từ tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, các trường có thể điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh trong những năm tiếp theo. Đây là cách làm hợp lý được nhiều chuyên gia giáo dục nước ngoài khuyến nghị.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mạng lưới giáo dục đại học và các trường sư phạm sẽ được quy hoạch thế nào?
Mạng lưới giáo dục đại học và các trường sư phạm sẽ được quy hoạch thế nào?

VOV.VN - Quy hoạch sẽ đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết giữa mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với cơ sở nghiên cứu khoa học trong việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Mạng lưới giáo dục đại học và các trường sư phạm sẽ được quy hoạch thế nào?

Mạng lưới giáo dục đại học và các trường sư phạm sẽ được quy hoạch thế nào?

VOV.VN - Quy hoạch sẽ đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết giữa mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với cơ sở nghiên cứu khoa học trong việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Sớm chấm dứt quy hoạch “treo” làng Đại học Đà Nẵng
Sớm chấm dứt quy hoạch “treo” làng Đại học Đà Nẵng

VOV.VN - Tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu đô thị Đại học Đà Nẵng sớm được phát triển.

Sớm chấm dứt quy hoạch “treo” làng Đại học Đà Nẵng

Sớm chấm dứt quy hoạch “treo” làng Đại học Đà Nẵng

VOV.VN - Tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu đô thị Đại học Đà Nẵng sớm được phát triển.

Phê duyệt quy hoạch khu Đại học lớn nhất miền Bắc
Phê duyệt quy hoạch khu Đại học lớn nhất miền Bắc

Đại học quốc gia có quy mô diện tích 1.000 ha; đào tạo 60.000 sinh viên tới năm 2020

Phê duyệt quy hoạch khu Đại học lớn nhất miền Bắc

Phê duyệt quy hoạch khu Đại học lớn nhất miền Bắc

Đại học quốc gia có quy mô diện tích 1.000 ha; đào tạo 60.000 sinh viên tới năm 2020