Sắp xếp lại việc quản lý chất lượng giáo dục đại học

Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các văn bản quy định, nhiệm vụ trọng tâm ngành hướng đến là đổi mới quản lý giáo dục.  

Sáng 30/1, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các trường đại học, cao đẳng ở thành phố về thực hiện chính sách pháp luật trong việc thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và chủ trì hội nghị.  

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 41 trường đại học, học viện; trong đó 29 trường công lập và 12 trường ngoài công lập. Hàng năm, thành phố đầu tư hơn 22% ngân sách cho phát triển giáo dục. Đến năm 2025, thành phố chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ra khu vực ngoài thành với quỹ đất 10 nghìn hecta. Thế nhưng, hiện nay quỹ đất cho việc di dời chỉ mới đạt 20% kế hoạch. Tại buổi làm việc, phần lớn các đại biểu đề cập đến vướng mắc trong tìm kiếm quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng quy mô đào tạo ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hiệu trưởng các trường công lập cho rằng với học phí thu còn thấp, mức đầu tư hàng năm cho trường còn hạn chế, các trường không thể nâng cao chất lượng đào tạo.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ chứ không chỉ dừng ở việc phân cấp về giáo dục đại học cho địa phương. Đồng thời, tham mưu với Chính phủ xây dựng văn bản pháp quy về quản lý giáo dục; trong đó làm rõ hoạt động vì lợi nhuận và phí lợi nhuận để tránh thương mại hóa giáo dục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng giáo dục ngoài việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các văn bản quy định, nhiệm vụ trọng tâm ngành hướng đến là đổi mới quản lý giáo dục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Muốn giải quyết việc học thì khâu đột phá chính là đổi mới quản lý. Trong tất cả khó khăn về khâu đột phá quản lý chính là người quản lý biết chọn khâu đột phá và sau đó tạo hướng dây chuyền cho nó đi lên. Lâu nay chúng ta cũng quan tâm chất lượng nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý chất lượng đại học. Vì vậy cần phải sắp xếp lại việc quản lý chất lượng giáo dục đại học”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên