Sự học bên kia dốc Mù Tảng

VOV.VN - Nhiều năm qua, việc dạy và học vùng biên giới xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình luôn gặp nhiều khó khăn bởi địa hình nguy hiểm, đường sá xa xôi. Dịch bệnh học sinh dừng đến trường, không sóng điện thoại, thầy cô nơi rẻo cao phải vượt đèo, lội suối đưa chữ vào tận bản cho các em.

Bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nằm cách trung tâm xã chừng 5 cây số đường chim bay nhưng con đường vào bản lại quá hiểm trở, việc đi lại cực kỳ gian khó. Mùa mưa lũ, đường vào bản Bạch Đàn ngập ngụa bùn lầy, sạt lở. Không một phương tiện nào có thể đi được trên con đường này ngoài việc đi bộ.

Hơn 4 tháng nay, 2 chị em ruột là Hồ Thị Thanh Huyền, lớp 11 và Hồ Thị Son, lớp 12, cùng học tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình phải dừng việc lên lớp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Em Hồ Thị Thanh Huyền cho biết, cả hai chị em phải ra sườn núi tìm chỗ có sóng điện thoại để tham gia học trực tuyến.

“Trong bản của em không có mạng internet nên chúng em ra đây dựng lán để ngồi học hy vọng đuổi kịp theo các bạn. Ở đây thì cũng hứng được sóng, bọn em vẫn cố gắng lên đây để ngồi học”, em Huyền nói.

Bản bạch Đàn có gần 60 hộ thì 70% trong số này đã là hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo. Người dân trong bản sống dựa vào lúa nước, lúa rẫy, trồng sắn... Nghèo khó nhưng người dân nơi đây luôn quan tâm đến việc học của con cái.

Bà Hồ Thị Lài, mẹ của Hồ Thị Thanh Huyền và Hồ Thị Son đã dùng số tiền dành dụm từ bán sắn mua cho con mỗi đứa 1 chiếc điện thoại thông minh để học trực tuyến.

Ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, việc học hành của con trẻ còn nhiều trắc trở: “Mùa mưa lũ cũng chỉ có 1 con đường duy nhất, bị sạt lở thì cô lập bản đó, sạt lở tắc đường là chịu. Học sinh trên địa bàn cũng gặp khó khăn, đặc biệt bây giờ là sóng điện thoại và thiết bị học trực tuyến. Thậm chí không có sóng nên mỗi chỉ đạo về phòng, chống thiên tai là không thể liên lạc được, nhiều lúc phải cử người đi bộ vào trong đó để nắm tình hình”.

Không sóng điện thoại, không mạng internet, học sinh nhiều bản làng ở xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình không thể học trực tuyến. Để đưa con chữ tới với học sinh, thầy cô giáo nơi đây phải vượt đường hiểm trở, băng rừng, lội suối để vào bản.

Tháng 10, mưa gió bất thường, con đường lởm chởm các điểm sạt lở, lầy lội níu lấy chân người đi. Thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy cho biết, hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở các bản cách xa trường. Chưa thể tựu trường, không thể học trực tuyến, không còn cách nào khác, thầy cô phải mang tài liệu vào cho học sinh tự học.

Quãng đường dài khoảng 10 cây số nhưng vào mùa mưa, núi lở, mọi người phải đi bộ, vào đến bản cũng mất 2- 3 tiếng đồng hồ. Có khi giáo viên vào bản ở lại cả tháng trời không thể về được điểm trường trung tâm. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu, những lúc vào bản gặp mưa lớn sạt đường, nước suối dâng cao, không có sóng điện thoại liên lạc ra bên ngoài, các thầy, cô giáo ở lại bản và nhận được sự giúp đỡ tận tình của bà con.

“Phương tiện để giúp các em học trực tuyến như máy tính, điện thoại rất ít, mạng internet hầu như là không có. Do đó chúng tôi thực hiện hướng dẫn học sinh tự học bằng cách giáo viên sẽ soạn thảo nội dung cốt lõi, cơ bản nhất sau đó photo ra rồi đi phát cho học sinh, cứ mỗi tuần giáo viên sẽ vào bản phát 2 đợt”, thầy Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Ở đây, hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhà ở xa trường học. Các thầy cô phải vượt núi, băng đèo mang tài liệu, sách vở vào cho học sinh tự học.

Em Hồ Thị Dung, học sinh lớp 7, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy ở bản Bạch Đàn cho biết, mỗi lần thầy cô vào đến bản, nhìn chân tay, mặt mũi chỗ nào cũng lấm lem bùn đất, các em thương thầy cô nhiều lắm.

“Khi bão lụt, nhiều lúc thầy cô đi vào bản đón chúng em tới trường. Ở đây không có mạng để chúng em học trực tuyến, thầy cô mang tài liệu, sách vở vào cho chúng em học”, em Dung chia sẻ.

Câu chuyện vượt khó để học chữ của các em học sinh ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy khiến nhiều người xúc động. Để giúp các em có điều kiện học trực tuyến, tỉnh Quảng Bình đã làm việc với Tập đoàn Viettel chi nhánh Quảng Bình khảo sát vị trí, địa điểm để tiến hành lắp Trạm phát sóng phù hợp, đảm bảo phủ sóng 4G đến tận bản làng xa xôi. Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, việc phủ sóng cho các bản làng vùng biên giới không chỉ tạo thuận lợi cho công tác giáo dục mà còn đảm bảo thông tin liên lạc cho cứu hộ cứu nạn, quốc phòng an ninh, bảo vệ rừng.

Theo ông Hồ An Phong, ngoài việc lắp đặt Trạm phát sóng tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị dành nguồn lực, trang thiết bị hỗ trợ cho các em để học sinh ở các xã biên giới có thể tiếp cận được với việc học trực tuyến trong những ngày giãn cách phòng chống dịch hiện nay.

“Tìm các cách hỗ trợ về đường truyền, thiết bị. Tỉnh đang tiếp nhận những hỗ trợ đó và kêu gọi các doanh nghiệp có hỗ trợ, có sự ủng hộ của xã hội hóa sẽ giúp đỡ rất nhiều trường hợp. Đảm bảo điều kiện để các cháu có thể tiếp cận các phương pháp học online tốt nhất”, ông Hồ An Phong bày tỏ.

Câu chuyện lên núi tìm chỗ hứng sóng học trực tuyến của các học sinh vùng biên giới thể hiện tinh thần hiếu học đáng khích lệ. Lãnh đạo các địa phương nên dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, hỗ trợ học sinh sớm tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc học tập, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa học sinh miền núi với miền xuôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Học trò người Mông ở Yên Bái lên núi "hứng" sóng 3G học trực tuyến
Học trò người Mông ở Yên Bái lên núi "hứng" sóng 3G học trực tuyến

VOV.VN -  Nhiều tấm gương học sinh vùng cao hiếu học lên núi “hứng sóng” 3G để theo dõi những tiết học trực tuyến của thầy cô.

Học trò người Mông ở Yên Bái lên núi "hứng" sóng 3G học trực tuyến

Học trò người Mông ở Yên Bái lên núi "hứng" sóng 3G học trực tuyến

VOV.VN -  Nhiều tấm gương học sinh vùng cao hiếu học lên núi “hứng sóng” 3G để theo dõi những tiết học trực tuyến của thầy cô.

Học trò vùng cao xứ Nghệ đùm cơm, đi bộ hàng chục km “hứng" sóng 3G học online
Học trò vùng cao xứ Nghệ đùm cơm, đi bộ hàng chục km “hứng" sóng 3G học online

VOV.VN - Để có sóng học online, những cô cậu học trò xứ Nghệ phải đùm cơm lên núi tìm vị trí “hứng sóng” mới vào được lớp học.

Học trò vùng cao xứ Nghệ đùm cơm, đi bộ hàng chục km “hứng" sóng 3G học online

Học trò vùng cao xứ Nghệ đùm cơm, đi bộ hàng chục km “hứng" sóng 3G học online

VOV.VN - Để có sóng học online, những cô cậu học trò xứ Nghệ phải đùm cơm lên núi tìm vị trí “hứng sóng” mới vào được lớp học.

Học sinh “hứng sóng” học online: Đừng than vãn, hãy chìa vai gánh vác những khó khăn
Học sinh “hứng sóng” học online: Đừng than vãn, hãy chìa vai gánh vác những khó khăn

VOV.VN - Thay vì than vãn, chỉ trích, hãy cùng chìa vai "gánh" những khó khăn với Chính phủ, bảo đảm tốt nhất quyền được học tập cho trẻ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Học sinh “hứng sóng” học online: Đừng than vãn, hãy chìa vai gánh vác những khó khăn

Học sinh “hứng sóng” học online: Đừng than vãn, hãy chìa vai gánh vác những khó khăn

VOV.VN - Thay vì than vãn, chỉ trích, hãy cùng chìa vai "gánh" những khó khăn với Chính phủ, bảo đảm tốt nhất quyền được học tập cho trẻ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.