Tăng học phí đại học cần có lộ trình thích hợp

VOV.VN - Tăng học phí phải đi đôi với việc tăng chất lượng giáo dục như giảm số lượng sinh viên trong một lớp, tăng cường giáo viên theo tiêu chuẩn.

Theo quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ vừa ban hành từ ngày 1/12/2015 học phí giáo dục đại học sẽ tăng 10%/ năm cho từng năm học. Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, việc tăng học phí là theo đúng lộ trình, tạo điều kiện cho các trường có kinh  phí để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, cũng như chất lượng giảng dạy học tập. Trong khi đó, ý kiến của sinh viên và phụ huynh thì lại không như vậy.

Yêu cầu cần tăng chất lượng giáo viên theo tiêu chuẩn.

Theo quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ tài chính được áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. 

Cụ thể, các ngành: khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, sẽ là 610.000 đồng/tháng từ năm học 2015-2016, sau đó tăng dần lên 670.000 đồng/tháng, 740.000 đồng/tháng...và đến năm học 2020-2021 là 980.000 đồng/tháng. Tương tự, học phí các ngành: khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch từ mức 720.000 đồng/tháng, tăng dần đều qua các năm học và đạt 1,17 triệu đồng/tháng trong năm học 2020-2021. Cao nhất là  học phí ngành y dược, từ 880.000 đồng/tháng tăng dần đều qua các năm học và đạt đến 1,43 triệu đồng/tháng trong năm học 2020-2021.

Còn tại các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính, học phí được áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo cũng từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Cụ thể, ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, học phí ở mức 1,75 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 1,85 triệu đồng/tháng từ năm 2018 đến năm 2020 và 2,5 triệu đồng/tháng từ năm 2020-2021. Tương tự, học phí ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch từ 2,05 triệu đồng/tháng đến 2,2-2,4 triệu đồng/tháng; ngành y dược cao nhất, 4,4 triệu đồng/tháng-5,05 triệu đồng/tháng.

Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, việc tăng học phí như quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ là phù hợp và theo đúng lộ trình quy định. Bởi, Nghị định 49 của Chính phủ hết hiệu lực vào năm học 2014-2015. Năm học 2015-2016, Chính phủ quyết định thay đổi mức học phí để phù hợp với hiện tại. Tăng học phí sẽ giúp các trường có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nghiên cứu khoa học...nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Một số trường dã chuẩn bị kế hoạch tăng học phí ngay trong học kỳ 2 của năm học 2015-2016.

PGS. TS Phạm Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng, cho biết: “Với mức tăng 10% một năm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có phần kinh phí nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Quan điểm của Chính phủ là dần dần xóa bỏ bao cấp và các trường phải tự chủ, tự hạch toán. Chất lượng đào tạo có yếu tố quyết định đến việc xác định học phí đối với sinh viên các trường đại học. Chất lượng và học phí phải tương thích với nhau. Theo quy định, kỳ hai chúng tôi sẽ thu theo mức tăng”.

Trong khi đó, đón nhận thông tin học phí sẽ tăng vào học kỳ 2 tới, nhiều sinh viên, nhất là những em ở vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn không khỏi lo lắng. Nguyễn Anh Tuấn,  sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ: từ Nghệ An ra Hà Nội học đại học, hàng tháng Tuấn phải trang trải rất nhiều khoản như tiền thuê trọ, tiền học, tiền sinh hoạt hàng ngày... với giá cao hơn ở quê rất nhiều. Giờ học phí tăng như vậy sẽ thêm gánh nặng cho gia đình.

“Em là sinh viên từ nông thôn ra thành phố. Vấn đề học phí và các tiền trong chi tiêu khác đối với em rất là khó khăn. Mỗi năm học phí sẽ tăng thêm 10% như thế nếu tính đến khi ra trường thì đấy cũng là một số tiền khá lớn. Học phí tăng lên như thế sẽ gây cho em rất nhiều áp lực trong học hành”.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải có kinh phí. Với tình hình phát triển kinh tế như hiện nay, nếu chỉ có kinh phí của nhà nước cấp thì chưa đủ, cần có thêm các nguồn lực từ xã hội bằng nhiều kênh, trong đó có việc tăng học phí.

Tuy nhiên, theo ông Khánh tỷ lệ tăng học phí nên có lộ trình từng bước thích hợp, vì nếu tăng quá cao, sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn: “Tôi nghĩ để nâng cao chất lượng đào tạo cần phải có nguồn lực về tài chính cho nên từng bước một chúng ta phải điều chỉnh và nâng cao dần mức học phí, nhưng làm sao đóng học phí cũng phải phù hợp với mức độ phát triển về mặt kinh tế của đất nước và có chính sách phân biệt không phải tất cả các sinh viên đều phải đóng mức học phí như nhau. Việc tăng là cần, nhưng mà tăng có lộ trình. Mỗi một đối tượng sinh viên cần có một chính sách sao cho phù hợp”.

Tăng học phí phải đi đôi với việc tăng chất lượng giáo dục như giảm số lượng sinh viên trong một lớp, tăng cường giáo viên theo tiêu chuẩn của Bộ, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào giảng dạy... đảm bảo tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên. Đó là ý kiến của nhiều người cho rằng như thế mới đảm bảo việc tăng học phí nhận được sự đồng thuận cao của xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chất lượng đào tạo ĐH liệu có theo kịp lộ trình tăng học phí?
Chất lượng đào tạo ĐH liệu có theo kịp lộ trình tăng học phí?

VOV.VN - Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhiều đối tượng xã hội, đặc biệt là dân nghèo, đối tượng chính sách. Do vậy, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu.

Chất lượng đào tạo ĐH liệu có theo kịp lộ trình tăng học phí?

Chất lượng đào tạo ĐH liệu có theo kịp lộ trình tăng học phí?

VOV.VN - Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhiều đối tượng xã hội, đặc biệt là dân nghèo, đối tượng chính sách. Do vậy, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu.

ĐH Hà Nội thu học phí tối đa 12 triệu đồng/năm học 2015-2016
ĐH Hà Nội thu học phí tối đa 12 triệu đồng/năm học 2015-2016

VOV.VN -Mức thu học phí bình quân tăng lên 14 triệu đồng/sinh viên/năm vào năm học 2016-2017.

ĐH Hà Nội thu học phí tối đa 12 triệu đồng/năm học 2015-2016

ĐH Hà Nội thu học phí tối đa 12 triệu đồng/năm học 2015-2016

VOV.VN -Mức thu học phí bình quân tăng lên 14 triệu đồng/sinh viên/năm vào năm học 2016-2017.

Tăng học phí đại học: Giải quyết cho sinh viên nghèo ra sao?
Tăng học phí đại học: Giải quyết cho sinh viên nghèo ra sao?

VOV.VN -Học phí bậc đại học dự kiến tăng mạnh đối với các trường được tự chủ tài chính sẽ gây khó khăn cho nhiều sinh viên nghèo.

Tăng học phí đại học: Giải quyết cho sinh viên nghèo ra sao?

Tăng học phí đại học: Giải quyết cho sinh viên nghèo ra sao?

VOV.VN -Học phí bậc đại học dự kiến tăng mạnh đối với các trường được tự chủ tài chính sẽ gây khó khăn cho nhiều sinh viên nghèo.

Qui định mới về học phí từ bậc mầm non tới đại học
Qui định mới về học phí từ bậc mầm non tới đại học

VOV.VN -Học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập sẽ được điều chỉnh theo CPI.

Qui định mới về học phí từ bậc mầm non tới đại học

Qui định mới về học phí từ bậc mầm non tới đại học

VOV.VN -Học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập sẽ được điều chỉnh theo CPI.