Thầy giáo trẻ mang quân hàm xanh dành cả thanh xuân gieo chữ vùng biên
VOV.VN -Không chỉ mang cái chữ đến với Mường Lạn, thầy Vàng Lao Lừ (SN 1989) còn dạy cho người dân cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, thay đổi những hủ tục.
Đêm đông ở bản Co Muông, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La, nơi tiếp giáp với biên giới Việt- Lào lạnh tê tái, sương giá, gió rừng xuyên qua từng tấm vách, cánh cửa mỏng manh, lạnh đến rát mặt. Trong cái lạnh thấu xương, tiếng đánh vần đồng thanh, tiếng viết bảng rin rít của cả thầy và trò đã xua đi cái tĩnh lặng trong đêm của vùng cao.
Sương núi lùa vào lớp, quấn quýt bên ngọn đèn điện mờ nhạt, thầy giáo Vàng Lao Lừ đảo bước quanh lớp, nắn nót bắt tay cho từng bạn nhỏ viết chữ, chỉ lại cách đánh vần cho từng “cô, chú” học sinh lớn tuổi.
Trong số những học sinh ngồi đây, tất cả đều chưa từng một lần được biết đến cái chữ, mỗi lần cán bộ yêu cầu ký tên, lại điểm chỉ tay, nhiều người vì đi theo tiếng sáo gọi bạn tình từ sớm mà cũng bỏ luôn việc học.
Thầy Vàng Lao Lừ đến từng nhà vận động người dân cho con em đi học. (Ảnh: NVCC) |
Co Muông là một trong những bản nằm giáp biên giới Việt Lào, cách trung tâm xã Mường Lạn 18km, đường đến đây vẫn còn nguyên đường đất, trời nắng thì bụi, trời mưa trơn trượt khó đi. Đây là nơi sinh sống của khoảng 48 hộ với hơn 300 nhân khẩu hoàn toàn là người dân tộc Mông. Dù thế giới đã bắt đầu bước vào thời kỳ CMCN 4.0, nhưng bà con nơi đây vẫn phải sống trong cảnh 5 không: không điện, không đường, không trường, không trạm và không chợ. Họ nghèo đủ thứ, nhưng cái nghèo nhất vẫn là nghèo chữ, nghèo hiểu biết. Với những đứa trẻ Co Muông nói riêng và Mường Lạn nói chung, việc học chữ còn quá xa vời.
Là bộ đội đồn biên phòng Mường Lạn, thường xuyên đi về địa bàn giúp đỡ người dân sinh hoạt, sản xuất, nắm bắt được tình hình, hiểu được những khó khăn mà đồng bào đang phải trải qua, Trung úy Vàng Lao Lừ đã đề xuất đơn vị xin được mở lớp dạy học xóa mù chữ cho người dân. Được thành lập từ 1/2017, đến nay lớp học xóa mù chữ của thầy Vàng Lao Lừ đã hoạt động được gần 3 năm.
Thầy Lừ cho biết, những ngày mới mở, lớp học được làm bằng những ván gỗ ghép lại đơn sơ, trong hơn 1 năm, thầy và trò phải học trong cảnh soi đèn pin để học chữ mỗi tối. Đến tháng 7/2018, sau khi thầy Vàng Lao Lừ đề xuất lên đơn vị, xin được cấp bộ phát điện từ năng lượng mặt trời, những khó khăn về ánh sáng mới được dần khắc phục.
Đến nay, sau gần 3 năm, người dân bản Co Muông đã quen với hình ảnh người lính áo xanh, ban ngày bảo vệ Tổ quốc, tối đến cầm phấn dạy chữ cho người dân.
Tâm sự về nghề, thầy Vàng Lao Lừ cho biết, từ nhỏ đã có ước mơ trở thành bộ đội biên phòng, dù chưa từng học về sư phạm, nhưng nghiệp gieo chữ cứ thế đến với anh như một cái duyên: “Bản thân tôi cũng là người dân tộc Mông, thấy đồng bào dân tộc ở đây vẫn còn khó khăn quá, đặc biệt là trẻ em, vì cách xa trung tâm xã, nên các em không có điều kiện đến trường. Từ thực tế đó, tôi muốn mang cái chữ đến với bà con để thay đổi tư duy, mong có một cuộc sống tốt hơn”.
Lớp học của thầy Vàng Lao Lừ hiện có 36 học sinh, em nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi, người lớn nhất nay cũng đã 38, 40 tuổi.
Thầy Lừ tâm sự, do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiều gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tảo hôn, tâm lý cái chữ không thể làm no cái bụng, nên nhiều người dân nơi đây chưa một lần đến trường. Cũng bởi vậy mà hành trình gieo chữ cũng dài và trắc trở như những con đường vào bản Co Muông, đòi hỏi sự kiên nhẫn và nhiệt huyết.
Để vận động học sinh đi học, thầy phải đi từng hộ gia đình vận động, nói rõ những cái hay của việc học chữ như có thể ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi trồng, phát triển kinh tế.
“Đến giờ tôi vẫn ấn tượng với một gia đình có cả 3 bố con đều đi học. Ban đầu vận động khó khăn lắm, nhưng khi học thử thấy vui, giờ ra chơi, tôi lại ngồi nói chuyện về chăn nuôi, trồng trọt, chỉ cho cách làm ăn hiệu quả, nên giờ thích đi học lắm. Ông bố mới hỏi thầy rằng, cả nhà tôi 3 bố con đi học có được không, tôi bảo, cả nhà bác đi học cũng được. Đến nay, gia đình đã mua được máy sát thóc phục vụ bà con, kinh tế dần khấm khá”, thầy Vàng Lao Lừ phấn khởi kể.
Trung úy Vàng Lao Lừ thường xuyên hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả. (Ảnh: NVCC) |
Sau một thời gian tham gia lớp học chữ ban đêm, nhiều học sinh của thầy Lừ đã tự viết được tên mình, đọc thông viết thạo, biết tính toán, ứng dụng vào đời sống, nhiều người lớn tuổi chấm dứt việc điểm chỉ tay khi ký tên.
Để đưa được cái chữ đến với dân bản, chiến sĩ trẻ Vàng Lao Lừ đã phải cùng cắm bản, hòa cùng cuộc sống của người dân, giúp họ hiểu hơn về cuộc sống và để bà con dân bản hiểu được lợi ích lâu dài của việc đến lớp.
Cũng bởi vậy mà cả năm anh cũng chỉ có vài lần được về nhà, cả tuần, thậm chí cả tháng mới lên xã, về đơn vị để mua gạo, mang thức ăn lên dự trữ, sống trong một vách ngăn nhỏ của nhà văn hóa.
Giải cứu nữ sinh bị dụ bán qua biên giới
Trung úy Vàng Lao Lừ cho biết, do trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn, 100% là hộ nghèo, nên nhiều phụ nữ, trẻ em ở bản Co Muông là mục tiêu nhắm đến của các đối tượng buôn bán người qua biên giới. Vàng Thị Sênh (SN 2000), học sinh của thầy Lừ cũng từng suýt là nạn nhân.
Kể lại sự việc, thầy Lừ cho biết: “Tối hôm đó không thấy Sênh đến lớp, tôi đã hỏi em gái Sênh thì được biết Sênh có khách đến nhà nên không đi học. Nhưng đến hôm sau, anh trai Sênh lại hỏi, Sênh ngủ trên lớp hay sao mà từ tối qua không thấy về. Tôi biết là chuyện chẳng lành, vì ở đây bọn buôn người thường dùng bài hỏi lấy về làm vợ để lừa bán phụ nữ”.
Với thầy Lừ, những thay đổi dù nhỏ trong tư duy, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lạn cũng đủ để trở thành động lực lớn cho thầy bám bản. (Ảnh: NVCC) |
Đoán biết được tình hình, thiếu úy Lừ đã nhanh chóng báo cáo với cơ quan, nhờ các lực lượng cùng phối hợp điều tra để giải cứu Vàng Thị Sênh.
Qua tìm hiểu thông tin từ các học viên trong lớp, thầy Lừ biết được 2 đối tượng lạ mặt đưa Sênh đi là người Yên Bái. Sau khi tìm hiểu và liên lạc được với chị dâu của 1 trong 2 đối tượng thì hay thông tin chúng đã bỏ nhà đi từ rất lâu không thấy về.
“Nếu muốn lấy về làm vợ thì phải đưa ra mắt gia đình, nhưng đây lại dẫn Sênh đi đâu không biết. Tôi đoán rằng chúng không đi qua Yên Bái vì sợ phát hiện nên đã đề nghị lực lượng chức năng truy tìm ở những tuyến đường khác nữa. Mãi mới liên hệ được với Sênh, hỏi ở đâu thì em bảo không biết, chỉ biết đang ở trên xe mà say xe quá”, thầy Lừ kể.
Sau một hồi tìm kiếm thông qua các manh mối, cùng sự trợ giúp của các cơ quan chức năng, thiếu úy Lừ đã giải cứu thành công nạn nhân Sênh khi đang bị đưa ra bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để đưa lên Lào Cai bán qua biên giới.
Sau này, mỗi câu chuyện thực tế như vậy lại được thầy Vàng Lao Lừ đưa vào các bài học để dạy cho các học sinh cách bảo vệ chính mình. Đối tượng học sinh thuộc nhiều nhóm khác nhau, bên cạnh việc dạy chữ, dạy cách chăn nuôi, trồng trọt, thầy giáo Vàng Lao Lừ còn thường xuyên hướng dẫn, phân tích cho học sinh biết đến tuổi nào thì được kết hôn, tuổi nào nên có con để giảm thiểu hủ tục tảo hôn nơi đây.
Đường đến Mường Lạn còn nhiều khó khăn, những cái “không”, thiếu thốn của đất rừng biên giới không cản được bước chân người lính. Dẫu biết rằng hành trình gieo chữ còn lắm gian truân, nhưng chính tình cảm của dân bản, sự khởi sắc dù nhỏ ở nơi đây cũng đủ trở thành động lực lớn lao cho thầy giáo – chiến sĩ Vàng Lao Lừ cố gắng.
Với những cống hiến của mình, anh Vàng Lao Lừ đã vinh dự nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2018./.