Thầy trò miền núi Quảng Nam ở lại trường ôn thi tốt nghiệp THPT
VOV.VN - Hiện tại, hầu hết các trường THPT ở miền núi Quảng Nam đang tạo điều kiện hết sức để học sinh ở lại trường ôn thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng tới. Theo đó, tại các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam, ngành giáo dục đang tích cực ôn tập cho học sinh bằng nhiều hình thức như: tăng tiết dạy, kiểm tra, thi thử để học sinh làm quen và đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
Những ngày này, nhà bán trú của trường THPT Âu Cơ, huyện Đông Giang luôn sáng đèn đến tận khuya. Ở đó, các em học sinh đang nỗ lực ôn thi dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy, cô giáo.
Ngoài giờ dạy chính khóa, thầy giáo B’Nươch Khôi, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Âu Cơ còn phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp 12 vào các buổi tối trong tuần. Nhận thấy học trò của mình còn khá yếu, thầy Khôi luôn tìm những phương pháp hiệu quả nhất để bổ sung kiến thức cho các em. Theo thầy Khôi, thương học sinh nên giáo viên tình nguyện phụ đạo và mong muốn nhất chính là sự tiến bộ của học trò.
"Đầu tiên tôi lập kế hoạch giảng dạy. Sau mỗi chủ đề thì cho học sinh làm những câu hỏi trắc nghiệm nằm trong đề thi THPT quốc gia của những năm trước. Ngoài ra, tôi còn xây dựng một chuyên đề về câu hỏi trắc nghiệm được chọn lọc của Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh và giải các đề thi của các năm", thầy Khôi nói.
Ngoài trường THPT Âu Cơ, hoạt động ôn tập vào ban đêm cho học sinh cũng được trường THPT Quang Trung, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam duy trì từ nhiều năm nay. Trong thời gian này, học sinh không chỉ ôn thi trên lớp mà tại ghế đá ngoài hành lang lớp học, hay nhà Gươl cũng được học sinh tận dụng làm nơi ngồi học bài, ôn thi.
Em A Tiêng Thị Nho, học sinh lớp 12/3, trường THPT Quang Trung cho biết: "Em thấy yên tâm hơn vì thầy cô giảng dạy, tích lũy lại kiến thức cho chúng em rất nhiều. Nhưng có lẽ em vẫn phải tự học thêm nhiều hơn nữa trong thời gian này để có kết quả tốt trong kỳ thi".
Việc ôn thi tốt nghiệp THPT của học sinh miền núi gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở đồng bằng, thành thị, các trường chọn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để thầy trò cùng kết nối trao đổi kiến thức thì trên miền núi tỉnh Quảng Nam, các trường học chỉ có thể giao bài học đến từng nhà cho học sinh ôn tập nhưng cũng không hiệu quả. Trong khi, phần lớn phụ huynh không có thói quen dạy học cho con cái. Bởi thế, ngay khi trở lại trường học sau dịch, các trường phải dạy tăng tiết, tăng thời lượng. Không chỉ ôn tập vào ban ngày, mà đến tối, các học sinh còn tự học dưới sự quản lý của thầy giáo, cô giáo.
Thầy Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm nay trường có gần 140 em học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT, tất cả đều chọn Ban xã hội: "Thứ nhất, phải tập trung cho các em học sinh dân tộc người thiểu số ở lại trường ăn, ở và ôn tập, để tránh việc đi lại khó khăn trong mùa nắng nóng, đồng thời giúp các em yên tâm ôn tập. Thứ 2, thầy cô giáo cũng đã chuẩn bị tài liệu, ngân hàng đề, tổ chức khảo sát thi thử tốt nghiệp 2 lần để đánh giá, phân loại năng lực các em, để tác động cho các em có kiến thức đảm bảo".
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 16.500 thí sinh đăng ký dự thi. Đối với các huyện miền núi, sau khi bế giảng năm học vào 15/7, Sở tiếp tục cử các đoàn giáo viên đi đến trường THPT để hỗ trợ chuyên môn cho đến ngày thi tốt nghiệp.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh và giáo viên các trường vùng cao trong thời gian ôn tập khoảng 2,5 tỷ đồng: "UBND tỉnh tham mưu HĐND có nghị quyết về hỗ trợ kinh phí cho cả trò lẫn thầy ôn tập cho học sinh. Các thầy, cô giáo cũng tình nguyện ở lại lo cho các em ăn, ở và theo cùng với kế hoạch của Ban lãnh đạo nhà trường tổ chức ôn tập phụ đạo ở giai đoạn nước rút cho các em"./.