Thí sinh trên 29 điểm trượt NV1: Có nên điều chỉnh chính sách ưu tiên?
VOV.VN - Việc điều chỉnh cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH phải được tổng kết đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó mới có thể xem xét thực hiện.
Sau khi các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn vào các ngành, nhiều thí sinh bất ngờ khi điểm chuẩn năm nay được cho là cao kỷ lục so với nhiều năm. Với mức điểm chuẩn cao như năm nay, một số thí sinh điểm thi lên đến trên 29 điểm nhưng vẫn không đỗ ĐH ngay từ nguyện vọng 1.
Điều đáng nói là lại có những thí sinh chỉ đạt 25,75 điểm nhưng được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ ĐH.
Trước thực tế trên, có nhiều ý kiến cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên nên thay đổi để thí sinh đạt điểm cao, không được cộng điểm không bị thiệt thòi.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về nội dung này.
Có chuyên gia giáo dục cho rằng, cần sự điều chỉnh hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào ĐH để những thí sinh đạt điểm cao thực sự không bị thiệt thòi (Ảnh minh họa) |
PV: Thưa ông, năm nay, điểm chuẩn của nhiều trường ĐH top đầu tăng vọt nên cũng có nhiều thí sinh đạt điểm thi rất cao (trên 29 điểm) vẫn không thể đỗ ngay từ nguyện vọng đầu tiên nên các trường phải đưa ra tiêu chí phụ để chọn lọc thí sinh. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Ông Hà Ngọc Chiến: Đúng là năm nay có thí sinh điểm thi rất cao nhưng vẫn không đỗ ĐH ngay từ nguyện vọng đầu tiên. Ví dụ như Học viện An ninh có thí sinh đạt 30 điểm vẫn không đỗ ĐH.
Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh, các trường ĐH sẽ xác định điểm chuẩn của từng ngành để chọn lựa thí sinh vào học theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Một số trường ĐH có thí sinh đạt điểm cao đăng ký xét tuyển rất đông nên phải đưa ra tiêu chí phụ như xét thêm điểm thi môn Ngoại ngữ,... để đảm bảo công bằng, khách quan.
Điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội năm nay lấy 29,25 điểm nên có thí sinh trên 29 điểm vẫn không đỗ (ảnh minh họa) |
PV: Năm nay, có nhiều thí sinh đạt từ 29-30 điểm là số điểm thực tế 3 môn thi các em đạt được chứ không hề được cộng điểm ưu tiên nào vẫn không đỗ ĐH. Trong khi đó, có học sinh đạt 25,75 điểm nhưng lại được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm nên đỗ ĐH. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, cần có một sự điều chỉnh chính sách ưu tiên cho hợp lý để các thí sinh điểm cao cảm thấy công bằng trogn thi cử. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hà Ngọc Chiến: Đảng và Nhà nước đã có chính sách cộng điểm ưu tiên cho học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người. Nhờ có chính sách này thì học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu vùng xa mới có cơ hội để thi đỗ vào các trường đại học theo nguyện vọng.
Chính sách ưu tiên đối với dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Việc một số chuyên gia cho rằng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên thì phải được tổng kết đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó mới có thể xem xét có sự điều chỉnh hay không.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Thí sinh hơn 29 điểm trượt ĐH: Chuyên gia giáo dục đưa ra giải pháp
Cơ hội nào cho thí sinh không đỗ nguyện vọng 1?