Thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 cần những giấy tờ nhập học nào?
VOV.VN - Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia để xác nhận nhập học đại học.
Hiện nay, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã và đang lần lượt công bố điểm chuẩn vào từng ngành của trường mình.
Từ ngày 1 đến 7/8, các trường ĐH sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của thí sinh. Nếu thí sinh nào đã trúng tuyển nguyện vọng 1 phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia để xác nhận nhập học ở trường ĐH đã trúng tuyển.
Nếu thí sinh nào đã trúng tuyển nguyện vọng 1 phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia để xác nhận nhập học ĐH (ảnh minh họa) |
Hồ sơ làm thủ tục nhập học vào trường gồm:
- Bản chính giấy báo nhập học và hồ sơ trúng tuyển có dán sẵn ảnh chân dung đã đóng dấu giáp lai của chính quyền địa phương theo mẫu có sẵn của Bộ GD-ĐT. Tân sinh viên có thể mua hồ sơ tại hiệu sách hoặc tải bản trên mạng Internet về và in ra.
- Bản chính giấy chứng nhận kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
- Bản sao học bạ THPT có công chứng.
- Bản sao giấy khai sinh có công chứng.
- Bản chính và bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời có công chứng.
- 4 ảnh chân dung cỡ 3x4 mới chụp, 2 bản sao chứng minh thư nhân dân có công chứng.
- Phiếu khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp quận, huyện cấp.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban chỉ huy quân sự cấp quận, huyện cấp và giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban chỉ huy quân sự cấp phường, xã nơi cư trú cấp đối với sinh viên nam trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự từ 18 tuổi trở lên.
- Bản sao công chứng các giấy tờ pháp lý để xác nhận tân sinh viên thuộc diện ưu tiên, đối tượng chính sách (nếu có) như giấy chứng nhận là con liệt sỹ, dân tộc ít người con thương/bệnh binh (kèm bản sao thẻ thương/bệnh binh có công chứng), chứng nhận hộ nghèo…dùng để xét miễn giảm học phí.
Đặc biệt, thí sinh cần xác nhận nhập học trước 17h ngày 7/8 bằng phương thức trực tuyến hoặc theo quy định của trường. Những em đến trường nhập học chậm quá 15 ngày kể từ thời gian nhập học ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển bị coi như bỏ học nếu không có lý do chính đáng.
Quy định xét tuyển đợt 1 năm nay khác so với các năm trước. Ở đợt này, thí sinh được đăng ký nhiều NV (không giới hạn số NV) vào các trường khác nhau, hoặc các ngành khác nhau trong cùng một trường. Nguyên tắc xét tuyển là bình đẳng, căn cứ trên điểm thi của thí sinh, và thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một NV duy nhất.
Trong trường hợp thí sinh không trúng tuyển NV1 (khi các trường tiến hành xét tuyển), dữ liệu của thí sinh sẽ bị loại khỏi NV1. Khi đó, trường thí sinh đăng ký NV2 sẽ tiến hành xét tuyển dựa vào điểm thi. Nếu điểm của thí sinh đạt điểm chuẩn của NV2, thí sinh sẽ trúng tuyển.
Không có quy định nào bắt buộc điểm NV2 phải cao hơn NV1. Điểm chuẩn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký, điểm thi.
Do vậy, có thể điểm chuẩn mà trường thí sinh đăng ký NV2 nhiều khi còn cao hơn cả trường NV1, nếu trường NV2 có nhiều thí sinh điểm cao đăng ký xét tuyển. Khi các trường xét tuyển bổ sung, quy chế quy định điểm xét tuyển không được thấp hơn điểm chuẩn đợt 1.
Nếu không trúng tuyển ĐH ở nguyện vọng 1 thì từ ngày 13/8, thí sinh cần theo dõi kết quả các đợt xét tuyển bổ sung tại các trường đã đăng ký nguyện vọng.
Lúc này, mỗi trường ĐH, CĐ sẽ chủ động công bố kế hoạch xét tuyển bổ sung riêng. Do đó, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào trường nào cần theo dõi kỹ chỉ tiêu cũng như điểm và thời gian xét tuyển bổ sung của trường đó.
Trước ngày 31/12/2017, các trường ĐH, CĐ sẽ báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2017 của trường mình.
Năm nay, có 629.788 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Trong đó, với mức điểm sàn là 15,5 điểm, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga sẽ có 83% tổng chỉ tiêu đỗ trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1./.
Điểm chuẩn đại học cao chưa từng có: Bất thường trong đổi mới?
Điểm chuẩn của các trường đại học tốp đầu năm 2017
Các trường đại học Quân đội chính thức công bố điểm chuẩn năm 2017
Điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội năm 2017: Cao nhất 29,25