Thiếu quỹ đất xây dựng trường mầm non

Việc thiếu trường mầm non đã khiến cho người dân phải gửi con ở những nhà trẻ, nhóm nuôi dạy trẻ tự phát, hoạt động kém chất lượng.  

Vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phần thảo luận tại tổ chiều 21/10 là cần có biện pháp quản lý hoạt động các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành ở các địa phương.

Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu tại ý kiến

Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) nêu ý kiến phải xem xét lại việc tăng tuyển mới hệ cao đẳng, đại học, tăng số sinh viên/vạn dân.

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, mạng lưới các trường đại học đang dàn trải, nhiều nhưng chất lượng không đồng đều. Nhiều trường nâng cấp lên thành đại học, tuyển sinh ồ ạt nhưng không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, nhiều trường sẵn sàng “vượt” quy chế của Bộ Giáo dục-Đào tạo để tuyển đủ thí sinh, khiến nguồn tuyển sinh đầu vào thấp, chất lượng kém.

Đại biểu Ngô Thị Minh kiến nghị, Chính phủ cần giao việc cụ thể cho Bộ Giáo dục-Đào tạo kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các trường đại học, cao đẳng ở các địa phương. Những trường nào tuyển sinh không đúng quy định, hoạt động kém chất lượng thì nên sớm đóng cửa.

Một vấn đề khác liên quan đến giáo dục được các đại biểu bàn luận là hiện nay, nhiều địa phương thiếu trường mầm non do quỹ đất dành cho việc xây dựng không có.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Các địa phương chỉ tập trung dành quỹ đất để xây dựng các dự án, nhà ở mà chưa chú ý đến dành quỹ đất xây dựng trường mầm non. Điều này đã khiến cho người dân đành phải gửi con ở những nhà trẻ, nhóm nuôi dạy trẻ tự phát, hoạt động kém chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân kiến nghị: Ngân sách Nhà nước dành cho Giáo dục cần phải ưu tiên cho phát triển giáo dục mầm non, các địa phương cần phải dành kinh phí và quỹ đất xây dựng trường học tại các khu có đông dân cư sinh sống. Ngoài ra, cần phát huy tốt công tác xã hội hóa giáo dục mầm non./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên