Thu phí ATM nội mạng là “đánh” vào người nghèo?

Nhiều người cho rằng, việc làm này của các ngân hàng đi ngược chủ trương hạn chế dùng tiền mặt mà lâu nay Chính phủ đang ra sức làm.

Mới đây, Hội Thẻ Việt Nam thống nhất sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho thu phí giao dịch ATM nội mạng. Lý do đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng đầu tư, trang bị, bảo trì...

Theo kết quả cuộc họp ban chấp hành Hội Thẻ Việt Nam, việc thu phí giao dịch ATM nội mạng dựa trên đề xuất của các ngân hàng thành viên. Các ngân hàng phải đặt vấn đề thu phí giao dịch ATM nội mạng vì theo kết quả kinh doanh thẻ nhiều năm nay ngân hàng nào cũng than lỗ. Trong khi đó chi phí cho ATM ngày càng đắt đỏ, chưa  kể giá thuê địa điểm đặt máy có thể tới hàng chục triệu đồng, rồi hàng loạt các phí khác như phí thuê đường truyền, phí thuê đội ngũ kiểm đếm, tiếp tiền, rồi sửa chữa bảo dưỡng máy cũng tới hàng trăm triệu đồng một năm. Ngoài ra, ngân hàng còn phải duy trì số dư thấp nhất 400-500 triệu đồng một máy. Với những ngân hàng có hệ thống ATM lên đến hàng nghìn máy thì số tiền không sinh lãi lên đến 500-600 tỉ đồng. Hơn nữa, việc thanh toán bằng thẻ lại chưa phổ biến.

Đại diện Hội Thẻ Việt Nam cho biết thu phí giao dịch ATM nội mạng không chỉ có phí rút tiền mà còn có phí chuyển khoản.

Nhiều người sử dụng thẻ cho rằng các ngân hàng không thực sự vì sự phát triển chung của đất nước mà chỉ “chăm chăm” lo cho lợi nhuận của mình. Thực ra, người sử dụng thẻ đâu phải toàn những người “rủng rỉnh tiền bạc”. Hiện nay, chủ yếu vẫn là tiền lương của công nhân, cán bộ công chức, viên chức được trả qua thẻ. Lương đã ít lại còn bị rút thêm vài đồng tiền phí nữa. Với những người sử dụng thẻ visa, master card… thì không sao nhưng với người nghèo, sinh viên, học sinh… thì vài nghìn bạc cũng là cả một vấn đề.

Bạn Bùi Trung An (chauchauxanh1984@gmail.com) chia sẻ: Nếu thu như thế thì những người có thu nhập thấp sẽ không thể được sử dụng dịch vụ, nhất là cán bộ cơ sở mỗi tháng phụ cấp chỉ vài trăm ngàn, cao nhất cũng không đến 3 triệu. Phát sinh phí giao dịch ít nhất trong năm cũng khoảng 200 ngàn đồng, một con số không nhỏ so với đồng lương của họ

Bạn Lê Hồng Khanh thẳng thắn cho rằng: “Tôi không chấp nhận thu phí ,vì tôi để tiền trong đó đã gần như không có lãi rồi mà còn phải đóng phí nữa chứ. Thật là vô lý quá”.

Dịch vụ ít, hạ tầng kém nên khách hàng vẫn chủ yếu rút tiền từ ATM để tiêu dùng chứ chưa mặn mà với việc sử dụng thẻ để thanh toán. Chính vì thế mà bạn Nguyễn Anh Tuấn (nguyenanhtuan1104@gmail.com) thắc mắc: “Nếu ngân hàng thu phí thì dịch vụ thẻ của các ngân hàng phải thuận tiện như: tính lãi suất bậc thang cho khoản tiền để trong thẻ hay tính lãi qua đêm, chuyển khoản hay rút giữ các tài khoản của các ngân hàng khác nhau (ngân hàng ngoài mạng, máy ATM của các ngân hàng khác không phải ngân hàng đang sử dụng)”.

Tính toán sơ bộ của bạn Trần Bảo Lợi (thientan04@yahoo.com) cho thấy: Với phí quản lý thẻ là 3.300 đồng/tháng mà ngân hàng Vietcombank đã áp dụng (có thể sẽ áp dụng rộng rãi) thì với tài khoản thẻ của cán bộ, công nhân viên với đồng lương từ 1,5 triệu đến 3,7 triệu đồng/tháng, sau khi rút tiền để chi tiêu thì trong tài khoản thẻ còn lại số tiền không đáng kể mà vẫn chịu phí trên (chưa kể phí rút tiền có thể còn được áp dụng sau này) thì đây là 1 thiệt thòi cho những người làm công nhận lương qua thẻ. Có thể sau lần thay đổi các loại phí thu qua ATM lần này, thì việc người dân quay lại sử dụng tiền mặt để thanh toán (cách thanh toán cổ điển), cũng như hạn chế việc chuyển tiền vào tài khoản thẻ để quản lý dự trữ vì không thấy sinh lời mà còn chịu nhiều loại phí từ ngân hàng là điều không tránh khỏi.

Ngay sau khi có thông tin thu phí nội mạng sử dụng thẻ ATM nhiều người đã tính đến chuyện ngay sau khi có lương sẽ ra ngân hàng xếp hàng để rút tiền để tránh các khoản phí mà ngân hàng đưa ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên