Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp
VOV.VN -Theo Thứ trưởng, tất cả giáo viên của ta đều có thể dạy tích hợp được, vấn đề chính là biết sử dụng kiến thức tổng hợp để dạy thế nào cho tốt.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong “Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”, dư luận đặt nhiều câu hỏi xoay quanh chương trình này. Thế nào là chương trình tổng thể? Học sinh thu nạp được những gì sau khi học chương trình này? Kết thúc chương trình phổ thông, học sinh sẽ được trang bị kiến thức gì? Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho chương trình đổi mới, Bộ GD-ĐT đã có lộ trình đào tạo giáo viên như thế nào?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, định hướng về phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục; cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá giáo dục.
Chúng ta có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình giáo dục của các môn học giáo dục khác. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể hình dung là kế hoạch chung nhất của hoạt động giáo dục phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông. Trong đó quy định mục tiêu giáo dục của từng cấp học, quy định các môn học, các lĩnh vực giáo dục và định hướng về nội dung, phương pháp, cách thức tiếp cận trong giáo dục phổ thông.
Sau khi xây dựng xong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sẽ là căn cứ để xây dựng chương trình giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục khác.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông? Mục tiêu đặt ra cho học sinh sau khi kết thúc chương trình này là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Mục tiêu của chương trình với mong muốn giáo dục sẽ giúp cho học sinh hình thành tính cách, năng lực của người lao động mới; có năng lực tự học, có khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp một cách hiệu quả trong hoạt động.
Chúng ta sẽ hình thành con người lao động trong môi trường mới, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như hội nhập quốc tế.
Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng dạy tích hợp, hoàn toàn khác so với phương pháp dạy học truyền thống (Ảnh minh họa) |
PV: Nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục sẽ theo hướng tích hợp và phân hóa. Ở đây có hiểu như thế nào về hai cách thức dạy này và sẽ áp dụng như thế nào trong chương trình mới?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Dạy tích hợp có nghĩa là dạy học thế nào để cho học sinh có khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn, trong học tập một cách hiệu quả nhất. Như vậy, khi dạy một nội dung có thể đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
Còn phân hóa là hướng dạy học làm sao phù hợp với đặc tính riêng của từng học sinh, để phát huy cao nhất tiềm năng riêng của từng em, phù hợp với năng lực riêng, hứng thú, sở trường của từng em.
Tích hợp và phân hóa được chú trọng cả từ tiểu học đến THPT, kể cả ĐH nữa. Về nội dung giáo dục thì phải thiết kế thế nào đó để kiến thức có liên quan, gần nhau, để khi dạy và học dễ vận dụng, tạo điều kiện cho việc dạy học tích hợp một cách thuận lợi.
Còn phân hóa quan trọng nhất là quá trình dạy, giáo viên quan tâm đến từng học sinh, để dạy học phù hợp với nhận thức của từng em. Về nội dung, có thể thiết kế thành những nội dung khác nhau để dạy cho từng nhóm học sinh theo nguyện vọng, sở trường của các em.
PV: Liệu tích hợp và phân hóa có mâu thuẫn gì với nhau hay không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tổng hợp và phân hóa nhìn bề ngoài là ngược nhau, thực ra có quan hệ thống nhất trong suốt quá trình dạy học.
Khi dạy cho học sinh biết vận dụng kiến thức tổng hợp, thì chính là từng em đã biết phát huy khả năng riêng của mình, như thế đã là phân hóa. Khi dạy phân hóa cũng làm cho từng em biết phát huy khả năng riêng của mình, các em vận dụng kiến thức có được phù hợp nhất với bản thân, nghĩa là đã vận dụng kiến thức tổng hợp.
PV: Theo nhiều chuyên gia, việc đưa môn Lịch sử vào nhóm môn tự chọn có thể dẫn đến tình trạng môn này không có ai chọn, khiến học sinh càng thờ ơ với môn Lịch sử? Ý kiến của Thứ trưởng như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khi chọn để thi môn Lịch sử thì ít em chọn, nhưng khi tổ chức những cuộc thi tìm hiểu lịch sử thì có rất nhiều học sinh tham gia. Cuộc thi này đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tổ chức. Học sinh cả nước tham gia rất đông với những hình thức rất phong phú. Năm nay Bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức. Điều này nói lên rằng không phải Lịch sử là môn học bị thờ ơ mà chính là học sinh rất quan tâm.
Tuy nhiên, thí sinh chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp, thi đại học ít do phụ thuộc vào sự lựa chọn nghề nghiệp của các em sau này có dùng đến kiến thức lịch sử nhiều hay không.
Lịch sử vừa là nội dung tự chọn, nhưng cũng bắt buộc ở THPT là như thế này: Trong mỗi lĩnh vực giáo dục có nhiều môn học. Đối với giáo dục lịch sử thì không phải chỉ có môn Lịch sử với kiến thức lịch sử. Trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới có môn Công dân với Tổ quốc. Đây là môn tích hợp, có phần nội dung về kiến thức Giáo dục công dân, giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh. Như vậy môn này là bắt buộc từ lớp dưới cho đến lớp trên. Nghĩa là đã có phần bắt buộc về lịch sử trong đó.
Ngoài ra, trong kiến thức bộ môn Văn cũng có nhiều kiến thức về lịch sử. Đây chính là nội dung bắt buộc của môn Lịch sử, cần thiết cho tất cả mọi người.
Còn phần tự chọn dành cho những em sau này định hướng nghề nghiệp liên quan nhiều đến kiến thức, lĩnh vực lịch sử, các em có điều kiện đi sâu hơn để phục vụ cho việc đào tạo nghề nghiệp sau này.
PV: Trong chương trình mới, giáo viên gặp khó khăn gì trong dạy tích hợp? Giáo viên dạy tích hợp sẽ được tuyển mới hay sử dụng số lượng cũ, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khi xây dựng chương trình mới phải dựa vào đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay. Đội ngũ này đủ điều kiện thực hiện, tất nhiên phải có bồi dưỡng, cố gắng của bản thân họ. Sau đó, khi đào tạo giáo viên mới cũng phải đáp ứng được chương trình như giáo viên hiện tại.
Chúng ta không đặt điều kiện là giáo viên phải đổi sang môn khác mà tận dụng năng lực đã được đào tạo để dạy chính bộ môn đó. Tôi lấy ví dụ như trong bộ môn tích hợp như Khoa học xã hội: Phải xây dựng chính trên cơ sở môn Đại lý và Lịch sử hiện nay.
Có 3 nội dung chính, thứ nhất là mạch kiến thức của môn Địa lý; thứ 2 là mạch kiến thức của phân môn Lịch sử; thứ 3 là có những chuyên đề tích hợp cả 2 môn này, cũng như tích hợp nhiều môn khác xã hội quan tâm.
Giáo viên Địa hiện nay có thể dạy phân môn Địa lý trong môn Khoa học xã hội; giáo viên Lịch sử sẽ dạy phân môn Lịch sử trong môn Khoa học xã hội. Phần chuyên đề tích hợp sẽ bồi dưỡng thêm giáo viên để họ có thể dạy được và nhà trường có thể phân công ai có năng lực nhất thì dạy chuyên đề đó.
Ví dụ chuyên đề Biển đảo Việt Nam có cả kiến thức Địa lý và Lịch sử. Thực ra những kiến thức đó một giáo viên môn Sử hay Địa đều có cả. Vấn đề chính là giáo viên biết sử dụng kiến thức tổng hợp để dạy thế nào cho tốt.
Quan trọng là cách thức tổ chức dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá để huy động kiến thức một cách tổng hợp. Cho nên tất cả giáo viên của ta đều có thể làm được.
PV: Cảm ơn Thứ trưởng!./.