Tích hợp môn Lịch sử: Chủ trương mới làm thay đổi diện mạo môn học
VOV.VN-Môn Lịch sử xứng đáng là môn học quan trọng và việc tích hợp là có căn cứ pháp lý và khoa học…
Lời tòa soạn:
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời thường nói: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm quan trọng của việc người dân phải hiểu biết về lịch sử dân tộc.
Thời gian gần đây, tình trạng học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử ngày càng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: sách giáo khoa còn nặng nề kiến thức, phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thực sự thu hút học sinh... Vấn đề này đã khiến dư luận xã hội thực sự quan tâm cũng như lo ngại.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và An ninh-Quốc phòng thành môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”. Tuy nhiên, khi Dự thảo được đưa ra, nhiều học giả, nhà khoa học, sử học và thậm chí là giáo viên lại phản đối cách thức tích hợp này và bày tỏ sự lo ngại vị thế môn Lịch sử có thể bị “lãng quên”.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vào chiều 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Như vậy, môn Lịch sử tiếp tục là môn học độc lập, không bị tích hợp vào các môn học khác. Ngay sau Quốc hội thông qua Nghị quyết như trên, nhiều nhà khoa học, sử học và người dân cho rằng, việc làm Quốc hội là kịp thời, sáng suốt và hợp lòng dân.Vấn đề cốt yếu là bây giờ chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu trong việc đổi mới môn Lịch sử, làm sao để môn học này thực sự thu hút học sinh.
Xung quanh việc tích hợp nội dung môn Lịch sử, báo Điện tử VOV.VN xin giới thiệu loạt bài viết với chủ đề: “Quốc hội giữ Lịch sử là môn độc lập: Kịp thời và hợp lòng dân”.
Bài 1: Tích hợp môn Lịch sử: Chủ trương mới của Bộ Giáo dục-Đào tạo
Bài 2: Tích hợp môn Lịch sử: Ghép nối, chắp vá tùy tiện là sai lầm lớn
Bài 3: Đổi mới môn Lịch sử: Đột phá phải từ phương pháp giảng dạy
Bài 4: Đổi mới môn Lịch sử: Phải để người học có được tinh thần dân tộc
Bài 5: Quốc hội giữ Lịch sử là môn độc lập: Kịp thời và hợp lòng dân
Bài 1: Tích hợp môn Lịch sử: Chủ trương mới làm thay đổi diện mạo môn học
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời thường nói: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm quan trọng của việc người dân phải hiểu biết về lịch sử dân tộc.
Những năm gần đây, việc học sinh “bỏ bê” môn Lịch sử được thể hiện rất rõ thông qua kết quả trong nhiều kỳ thi quốc gia. Điểm thi môn học này đều bị đánh giá là thấp nhất với hàng chục nghìn bài thi dưới điểm trung bình, hàng trăm bài thi bị điểm 0 và điểm liệt (điểm 1).
Sự chán nản, quay lưng với môn Lịch sử được thể hiện rất rõ khi hàng trăm học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) ném đề cương môn Lịch sử trắng xóa cả sân trường sau khi biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 không thi môn học này.
Cao trào về sự ngoảnh mặt với môn Lịch sử của học sinh khiến giới chuyên môn nghiên cứu Sử học, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục đều phải trăn trở là câu chuyện 19 giám thị chỉ coi thi có duy nhất 1 thí sinh tại một Hội đồng thi Tốt nghiệp THPT ở Hà Nội năm 2014.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu, nhà giáo cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến học sinh không hứng thú với môn Lịch sử như: sách giáo khoa có quá nhiều chi tiết, số liệu, phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa hấp dẫn…
Trước yêu cầu của Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục-Đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW nói chung và đổi mới môn Lịch sử nói riêng, Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”. Như vậy, dự kiến trong tương lai, môn Lịch sử sẽ không đứng độc lập như hiện nay.
Tuy nhiên, khi Dự thảo được công bố, nhiều nhà khoa học, sử học, giáo viên và dư luận xã hội lại bày tỏ sự lo ngại, môn Lịch sử có thể bị ghép nối, chắp vá tùy tiện, vị thế môn học này có thể bị “lu mờ”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển |
Giải thích về chủ trương đổi mới môn học Lịch sử, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Hiện nay đang có sự hiểu lầm giữa dư luận xã hội và chủ ý của Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự hiểu nhầm này có thể do cách trình bày, cách viết của Ban soạn thảo chưa rõ ràng.
Ban soạn thảo xin khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông mới coi trọng tất cả các môn học trong nhà trường, đặc biệt là môn Lịch sử. Tầm quan trọng của môn Lịch sử trong Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” được thể hiện rất rõ, trước hết là vẫn tôn trọng những nội dung của môn học này và áp dụng bắt buộc tất cả mọi học sinh phải học từ cấp Tiểu học, THCS cho đến THPT.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT, trong Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” đã công bố, ở cấp THPT có đề cập đến môn học “Công dân với Tổ quốc”. Môn học này dựa trên 3 mạch nội dung lớn là: Giáo dục Công dân, Lịch sử và Quốc phòng-An ninh. Tất cả HS cấp THPT phải học bắt buộc với thời lượng 3 tiết/tuần. Điều này có nghĩa là phần nội dung Lịch sử yêu cầu học sinh phải bắt buộc học (1 tiết/tuần). Tổng cộng, học sinh sẽ học 35 tiết/năm. Ba năm, học sinh sẽ học 105 tiết.
Ngoài ra, do yêu cầu phân hóa trình độ ở cấp THPT, Chương trình yêu cầu những học sinh theo hướng chuyên về khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật… phải học môn khoa học xã hội, chủ yếu là các nội dung Lịch sử và Địa lý. Mỗi nội dung chiếm khoảng 1,5 tiết/tuần. Còn những học sinh nào có xu hướng đi theo các môn khoa học xã hội trong đó có chuyên ngành Lịch sử thì phải học môn Lịch sử chuyên sâu, mở rộng và yêu cầu cao hơn với thời lượng 3 tiết/tuần.
Một tiết dạy lịch sử trên sa bàn của thầy và trò tỉnh An Giang |
Như vậy, chúng ta có thể hình dung về số lượng là một học sinh học bình thường phải học khoảng 2,5 tiết lịch sử/ tuần. Những học sinh đi theo chuyên ngành Khoa học xã hội, trong đó có Lịch sử phải học 4 tiết/tuần (gồm 1 tiết bắt buộc chung trong mon Công dân với Tổ quốc và và 3 tiết của môn Lịch sử).
Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh chỉ học môn Lịch sử với thời lượng 1,5 tiết/tuần. Rõ ràng, về thời lượng số tiết học Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông mới nhiều hơn so với chương trình hiện hành.
Việc đổi mới môn Lịch sử cũng xuất phát từ yêu cầu nhằm khắc phục tình trạng học sinh đang “thờ ơ” với môn học này. Vì thế cần đổi mới một cách toàn diện: chương trình, sách giáo khoa và đặc biệt cách dạy học, cách kiểm tra đánh giá kết quả học tập.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cho rằng, việc hình thành một năng lực chung hay một phẩm chất nào đó là kết quả tổng hợp của nhiều môn học chứ không phải chỉ có 1 môn. Theo quan điểm đó, giáo dục Lịch sử sẽ không thể chỉ “khoán trắng” cho mình môn học này, mặc dù Lịch sử đóng vai trò cốt lõi.
Căn cứ để tích hợp môn Lịch sử
Đề cập đến căn cứ cơ sở để Ban soạn thảo tích hợp nội dung môn Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và Quốc phòng-An ninh thành môn Công dân với Tổ quốc, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT cho biết, Nghị quyết 29/TW8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng cũng như Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đều yêu cầu cần tinh giản tránh chồng chéo, trùng lặp về kiến thức giữa các lĩnh vực, môn học; tích hợp ở các bậc học dưới và phân hóa dần ở bậc THPT.
Như vậy, việc tích hợp và phân hóa là triển khai với tất cả các môn học chứ không phải riêng ba môn học trên. Đúng là theo quan niệm cũ thì ba môn này có mục tiêu, nội dung khác nhau.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống |
Tuy nhiên, Ban biên soạn đã nghiên cứu nội dung trong Luật Quốc phòng - An ninh cũng như nội dung cần giáo dục công dân, giáo dục lịch sử và nhận thấy có nhiều nội dung gần nhau, trùng nhau. Ba môn học này lại cùng có mục tiêu chung là nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết tối thiểu, căn bản về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của công dân; đều cần có hiểu biết về truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc, truyền thống của quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang và đều hướng tới giáo dục lòng yêu nước... Vì vậy, có thể tích hợp các nội dung chung này với nhau trong môn Công dân với Tổ quốc.
Việc tích hợp các nội dung của 3 môn trong một môn học nhằm soi sáng tác động và làm sáng tỏ cho nhau, tránh được trùng lặp; giúp giáo viên và học sinh vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức thuộc các lĩnh vực, môn học khác nhau để tìm hiểu, lý giải một vấn đề. Việc lựa chọn nội dung của mỗi môn cũng vì thế không thể ôm đồm, không biến môn học thành một khoa học thu nhỏ của bậc đại học nhồi nhét kiến thức, gây quá tải cho học sinh.
Tuy nhiên, 3 môn: Lịch sử, Đạo đức-Công dân và Quốc phòng-An ninh cũng có những nội dung độc lập thì giáo viên vẫn cứ giảng dạy theo từng lĩnh vực; còn những nội dung chung thì nên tích hợp lại để thực hiện mục đích trên.
Thay đổi cách giáo dục môn Lịch sử
Theo tinh thần của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT cho rằng, nhà trường cần thay đổi cách dạy học như thế nào để học sinh thích học môn Lịch sử.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: Về phương pháp dạy học lịch sử cần có các chuyên gia sư phạm ngành Lịch sử bàn sâu và kỹ hơn. Giáo dục lịch sử phải bằng nhiều hình thức, nhiều con đường; phải đặt trong mối quan hệ với nhiều môn học khác, phát huy sức mạnh tổng hợp của các môn học.
Muốn tăng cường sự hiểu biết hãy kết hợp kiến thức, kỹ năng từ nhiều môn học khác nhau. Nội dung và yêu cầu giáo dục Lịch sử không chỉ mình môn Lịch sử gánh vác mà còn có các môn như Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục lối sống, Giáo dục công dân… cùng chia sẻ.
Ở môn Ngữ văn khi dạy “Bình Ngô đại cáo” hay “Tuyên ngôn Độc lập”, giáo viên không chỉ dạy một áng văn Nghị luận mẫu mực mà còn dạy các bài văn đó như một văn kiện lịch sử vô giá. Thông qua đó, học sinh hiểu biết và thấm thía về tình cảm và tầm vóc vĩ đại của những người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và bối cảnh của các giai đoạn lịch sử hết sức trọng đại, đáng nhớ… Cũng như vậy, tất cả các bài hát đưa vào chương trình môn Âm nhạc đều gắn với một giai đoạn Lịch sử, đều góp phần làm sống dậy những sự kiện và các nhân vật lịch sử, đều góp phần giáo dục Lịch sử.
Đặc biệt là qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện ở cả 3 cấp, với các hình thức đa dạng, phong phú, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có điều kiện giáo dục Lịch sử bằng các hoạt động thực tế như: tham quan các di tích lịch sử, tổ chức sưu tầm, giới thiệu các tư liệu, con người và hiện vật lịch sử; đi thăm bảo tàng Lịch sử, viếng các nghĩa trang, giúp đỡ, thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ, tổ chức dã ngoại về với cội nguồn, các chiến khu cách mạng, các làng nghề truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Lịch sử…
Những hình thức giáo dục thực tế này nếu tổ chức tốt còn có tác dụng và hiệu quả hơn nhiều lần những bài học lịch sử khô cứng, gò bó trong bốn bức tường lớp học./.