Tiến sĩ đã đào tạo nếu không đạt chuẩn sẽ xử lý như thế nào?
VOV.VN -Các TS đã được đào tạo trước đây, nếu không hoàn thiện được các điều kiện theo chuẩn mới thì không thể trở thành giảng viên hay người hướng dẫn NCS.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ (TS). Trong quy chế có nhiều điểm mới bắt buộc đối với nghiên cứu sinh (NCS) dự tuyển trình độ đào tạo tiến sĩ cũng như khi được cấp văn bằng...
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.
PV: Xin bà cho biết, Thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ có những điểm mới nổi bật nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Những điểm mới cơ bản của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ TS bao gồm:
Mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong việc quy định các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ TS phù hợp với mỗi NCS và đề tài nghiên cứu; xác định phương thức tuyển sinh và số lần tuyển sinh trong năm; quy định về rút ngắn thời gian học tập, dung lượng và hình thức luận án, đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn… Theo đó, một số thủ tục hành chính (thư giới thiệu, hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở…) cũng được giảm thiểu để đảm bảo quy trình hợp lý nhưng không lãng phí, phiền hà…
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ TS cũng nâng cao tiêu chuẩn đầu vào của NCS thông qua các quy định về năng lực nghiên cứu và điều kiện ngoại ngữ tối thiểu để có thể tham khảo tài liệu nước ngoài…
Điều quan trọng của quy chế là nhằm nâng cao chuẩn đầu ra của NCS thông qua các quy định về công bố khoa học quốc tế (Đã công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện);
Ngoài ra, quy chế cũng nhằm nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng thông qua các quy định về điều kiện người hướng dẫn, người phản biện luận án… phải có công bố khoa học quốc tế và đề cao trách nhiệm của người hướng dẫn, hội đồng đánh giá luận án khi có khiếu kiện về bản quyền tác giả…
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT |
PV: Trong Thông tư có đề cập đến việc nghiên cứu sinh muốn được đào tạo tiến sĩ phải có trình độ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế như: chuẩn ngoại ngữ theo TOEFL, IELTS. Liệu những tiến sĩ đã đào tạo trước đây, không đạt được trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế thì Bộ GD-ĐT có yêu cầu với họ như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Mỗi quy chế có một sứ mệnh riêng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng thời kỳ mà quy chế đó có hiệu lực. Vì vậy, Quy chế mới này cũng như hầu hết các văn bản pháp luật khác đều không áp dụng hiệu lực hồi tố, không yêu cầu các TS đã đào tạo trong thời gian trước khi Quy chế có hiệu lực phải đáp ứng điều kiện của quy chế này.
Tuy nhiên, khi Quy chế mới này có hiệu lực, các TS đã được đào tạo trước đây, nếu không hoàn thiện được các điều kiện theo chuẩn mới thì không thể trở thành giảng viên hay người hướng dẫn NCS, không thể tham gia vào quá trình đào tạo TS trong thời gian tới.
PV: Nghiên cứu sinh muốn đạt được trình độ TS thì phải có ít nhất 1 bài đăng trong tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 2 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện (Peer Review) hay 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác. Bà có thể cho biết, vì sao Bộ GD-ĐT lại đưa ra quy định mới này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Nội dung mới này chủ yếu để nâng chuẩn đào tạo TS của Việt Nam, yêu cầu NCS phải có kết quả nghiên cứu mới, được quốc tế thừa nhận; tránh tình trạng một số luận án chủ yếu là nghiên cứu tổng quan, kiến nghị chung chung, không có đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực nghiên cứu, không làm gia tăng tri thức khoa học hoặc không giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi phải nghiên cứu…
Đào tạo TS chủ yếu là đào tạo ra những giảng viên, nhà nghiên cứu… nên nhìn chung, phải đáp ứng được yêu cầu “không biên giới” của các lĩnh vực khoa học, đảm bảo hội nhập quốc tế.
PV: Để thực hiện quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT đã và đang hướng dẫn các cơ sở đại học, học viện rà soát việc tuyển sinh, đào tạo, cấp văn bằng như thế nào. Nếu các cơ sở sai phạm thì Bộ GD-ĐT có chế tài xử lý nghiêm so với các quy định trước đó như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo TS đang được tổng hợp kết quả. Nếu cơ sở nào sai phạm tất yếu sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Những chế tài như: dừng tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo… có thể sẽ được áp dụng theo đúng quy định đối với các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Học tiến sĩ chỉ để “lên chức, lên quyền” là điều đáng lo ngại
Đào tạo tiến sĩ được thắt chặt hơn