Tiêu cực thi THPT để lại dư âm, Luật Giáo dục phải lấy ý kiến nhân dân
VOV.VN - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và cho lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Tiếp theo chương trình làm việc của phiên họp 26, chiều nay (8/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau khi thảo luận, UBTVQH quyết định chưa trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 mà giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để hoàn thiện dự án luật, tạo sự đồng thuận cao.
“Câu chuyện kỳ thi THPT Quốc gia để lại dư âm cần xử lý”
Nêu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, giáo dục phổ thông là vấn đề người dân rất quan tâm và câu chuyện thi THPT Quốc gia vừa qua để lại nhiều dư âm phải giải quyết, trả lời, xử lý.
Theo ông Phúc, qua tiếp xúc cử tri hiện có hai luồng ý kiến là có tiếp tục tổ chức kỳ thi hay không hay chỉ cấp chứng chỉ cho các em. Còn nếu thi mà giao cho địa phương như vừa qua thì xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Câu chuyện thi THPT Quốc gia vừa qua để lại nhiều dư âm cần xử lý |
“Tôi nghĩ luật liên quan đến nhiều đối tượng nên cần thận trọng, tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, cử tri và nhân dân và có thêm thời gian để thận trọng trước khi quyết sách, đó cũng là sự lắng nghe, thận trọng của Quốc hội” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm và đề nghị có thể lùi sang kỳ họp 7 để giải quyết “điểm chốt” trong đạo luật này trước tình hình hiện nay.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc thi để cấp bằng là cần thiết, là cơ sở đánh giá mức độ đạt chuẩn. Nhưng cũng có quan điểm đề nghị không thi mà chỉ xét cấp bằng.
“Có ý kiến cử tri đặt vấn đề tại sao phải tổ chức thi khi mà 98% đỗ, 2% trượt, gây tốn kém khi tổ chức cả một kỳ thi. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn nếu không thi thì việc dạy và học thế nào để đảm bảo nghiêm túc, chất lượng?” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề và đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.
Là người có 15 năm giảng dạy và tham gia chấm thi ở trường Đại học, bà Nguyễn Thanh Hải ủng hộ phương án kỳ thi “2 trong 1” xuất phát từ mục đích đỡ gây tốn kém, áp lực cho thí sinh và gia đình, đồng thời mang tinh thần nghiêm túc của kỳ thi Đại học trước đây ảnh hưởng vào kỳ thi phổ thông. Qua đó lọc được học sinh cũng như tăng tính cạnh tranh của các trường Đại học. Tuy vậy, khâu tổ chức là vấn đề cần phải bàn.
Dẫn ý kiến cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, còn có phương án thứ 3, tức tổ chức hai kỳ thi. Theo đó, thi THPT làm cơ sở tham khảo cho trường Đại học, còn các trường vẫn tự chủ tổ chức tuyển sinh nhưng phương thức tuyển sinh khác đi chứ không trở về như trước đây.
“Cử tri nuối tiếc về tính nghiêm túc của kỳ thi ĐH trước đây” – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh và bày tỏ nhất trí với ý kiến của ông Nguyễn Hạnh Phúc là cần thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri và nhân dân, cân nhắc và có bước đi thận trọng.
Nhấn mạnh thi THPT là vấn đề liên quan đến toàn dân, tác động lớn đến xã hội, ông Hà Ngọc Chiến – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị nên lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân vì còn ý kiến khác nhau.
“Luật này nên lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để có kết quả, khi quyết cũng hợp lòng dân và trên cơ sở khoa học là thuận hơn, nhân dân cũng sẽ đánh giá cao quyết sách của Quốc hội” – ông Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến.
“Không thể không lấy ý kiến nhân dân”
Liên quan đến vấn đề thi cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Chúng ta ngồi đây trước đây đều cả phổ thông và cả đại học mà đều thấy tốt cả. Lúc đó đất nước còn nhiều khó khăn, trình độ năng lực, phương tiện và điều kiện vật chất cho thi cử khó khăn hơn chứ, mà làm tốt. Giờ cái gì cũng hơn nhưng cứ thế, năm này qua năm kia cứ thay đổi, phụ huynh rất vất vả trong chuyện này”.
Ông Uông Chu Lưu đề nghị từ thực tiễn vừa rồi cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, nghiên cứu lại kỳ thi, lấy thêm ý kiến để chọn ra giải pháp tạo sự ổn định.
“Đây là dự án luật quan trọng, tác động lớn mọi đối tượng và toàn xã hội, được nhân dân, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, cũng là thách thức với Chính phủ và Bộ GD-ĐT. Những vấn đề lớn, chính sách cụ thể ở đây cần thêm thời gian phân tích, đưa ra giải pháp khả thi trong điều kiện bối cảnh KTXH nước ta” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị luật thông qua 3 kỳ họp, tiếp tục trình Quốc hội xin ý kiến tại Kỳ họp 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội: Phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về Luật Giáo dục |
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Từ dự án luật sửa đổi một số điều thành dự án luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội. Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử vừa rồi thì nhân dân rất quan tâm luật này, không thể không lấy ý kiến rộng rãi vì vấn đề này “đụng” tới từng nhà”
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh thêm là không thể phủ nhận nỗ lực, thành quả của nền giáo dục Việt Nam. Các ý kiến nêu lên để hướng tới cái tốt hơn chứ không phải phủ nhận những thành quả đã đạt được. Do đó cần đánh giá công bằng chứ đừng lấy một việc tiêu cực để đánh giá chung.
“Cái đổi mới là cần thiết nhưng cần ổn định, đừng để năm nay sẽ tuyển sinh thế nào, thi cử ra sao, đừng năm nào được năm đấy” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói và lưu ý Ban soạn thảo tích cực chuẩn bị, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án luật./.
Gian lận điểm thi ở Hoà Bình và mong mỏi của nữ hiệu trưởng
Gian lận thi cử ở Hòa Bình không phải do Bộ GD-ĐT phát hiện ra