Tín nhiệm và không tín nhiệm

(VOV) - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sôi nổi với tranh luận: tín nhiệm hay không tín nhiệm, tín nhiệm đến mức nào...

“Tín nhiệm”, “bất tín nhiệm”, “bãi miễn”, “từ chức” không phải bây giờ mới nói ra, bàn luận, tranh cãi sôi nổi, có khi có nhiều ý kiến gay gắt từ trong nghị trường ra ngoài xã hội được phản ánh qua các kênh thông tin, báo chí. Những cụm từ này đã được khẳng định, được ghi trong hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới.

Điều 20 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  năm 1946 ghi: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, theo điều 41 và 61”.

Điều 41: “Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tống số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức”.

Điều 61: “Nhân viên hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính có thể bị bãi miễn.

Cách thức bãi miễn sẽ do luật định”.

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ ở điều 84, khoản 7: Quốc hội có quyền “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội và các ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”.

Một trong những khâu quan trọng để thực hiện các “quyền” này là phải lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đấy cũng là quyền của mỗi đại biểu và của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Như vậy Hiến pháp đã quy định 66 năm nay, nhưng vì sao chưa thực hiện đầy đủ. Ai cũng biết cụm từ “sẽ do luật định” chưa thành hiện thực, chưa cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Thủ tục từ lấy phiếu tín nhiệm đến bỏ phiếu tín nhiệm như dự thảo hiện nay lại quá dích dắc. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng: “dự thảo đặt ra thủ tục để bỏ phiếu tín nhiệm lòng vòng, không hiệu quả. Cán bộ có vào có ra, có lên, có xuống, nhưng lâu nay ra và xuống là rất khó… Trong khi đó thực tế quy định bỏ phiếu tín nhiệm đã có hơn 10 năm qua, nhưng không thể thực hiện được”.

Dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định 4 cấp độ tín nhiệm là tín nhiệm thấp, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm cao và có ý kiến khác. Như thế là quá chi tiết, rườm rà mà không chính xác lại khó khăn phức tạp trong việc thống kê kết quả. Theo tôi nên lấy hai tiêu chí là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Ai được dưới 50% số phiếu là không được tín nhiệm, còn trên 50% thì được tính là tín nhiệm thấp, trung bình hay tín nhiệm cao.

Hiến pháp năm 1946, cách đây 66 năm đã mở đường cho “từ chức”.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sôi nổi với tranh luận: tín nhiệm hay không tín nhiệm, tín nhiệm đến mức nào, quyết liệt với “xin lỗi” và “văn hóa từ chức”. Thẳng thắn, chân tình, các đại biểu của dân đã nói đúng tiếng nói logic của cuộc sống chứ không theo ý định chủ quan của một ai.

Chính điều đó đã trả lại niềm tin cho dân, cho sự tín nhiệm cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên