Tinh giản viên chức giáo dục cần có lộ trình
VOV.VN -Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, việc tinh giản viên chức, đặc biệt là viên chức giáo dục thời điểm này cần phải có lộ trình và phải cân nhắc kỹ.
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (ảnh: quochoi.vn)
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho biết: Đối với việc tinh giản biên chế công chức có nhiều thuận lợi thì việc tinh giản viên chức, đặc biệt là viên chức giáo dục thời điềm này cần phải có lộ trình và phải cân nhắc kỹ.
Theo thống kê chưa dầy đủ, 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thiếu khoảng 76.000 giáo viên. Riêng giáo viên mầm non thiếu 44.000 người. Hiện cả nước chỉ có 2 tỉnh thành phố đủ giáo viên.
Hơn nữa, chúng ta không thể gộp điểm trường ở tất cả các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vì như vậy nhiều học sinh phải đi học xa nhà. Chúng ta không thể để tình trạng nhồi nhét 50-60 học sinh/lớp ở các thành phố, thị xã.
Theo đại biểu Cao Đình Thưởng, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu giáo dục cho con em của người dân. Vì vậy, chúng ta cần phải nhanh chóng có bài toán giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và phải có tầm nhìn dài hạn đối với vấn đề này. Ngoài ra, Chính phủ cần có lộ trình hợp lý để địa phương cần chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ, đặc biệt là giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải về công việc; đồng thời đẩy nhanh việc xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, y tế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (ảnh: quochoi.vn) |
Gian lận thi cử là điểm đen không nên có
Góp ý vào việc thi cử, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết, cử tri tỏ ra thất vọng đối với đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục, với kỳ thi “2 trong 1” khó thành công và còn nhiều lỗ hổng.
Đề thi THPT Quốc gia năm 2017 quá dễ tạo ra cơn mưa điểm 10, cao gấp 40 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, có bi kịch là có học sinh đạt 30 điểm vẫn trượt ĐH nguyện vọng 1.
Năm 2018, đề thi quá khó nên đã phát hiện chuyện động trời là gian lận trong thi cử. Đây là điểm đen không nên có và cần Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.
Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu mới về tinh giản biên chế giáo viên
Tinh giản biên chế giáo dục không thể lấy bằng cấp là tiêu chí chính