TPHCM xem xét bỏ yêu cầu về hộ khẩu trong tuyển dụng
VOV.VN - Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo ngành chức năng thành phố xem xét không đưa tiêu chí hộ khẩu vào tuyển dụng công chức, viên chức…
Tháng 3/2014, từ thực tế ở TP HCM và một số nơi khác trong tuyển dụng lao động, ổn định cuộc sống người dân, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội khóa 13 lúc đó đưa ra kiến nghị nên bỏ việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Vấn đề đó nay được Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nêu lên trong cuộc làm việc mới đây với các ngành, các đơn vị trực thuộc. Trước mắt, chưa nói đến việc bỏ hộ khẩu trong quản lý dân cư, nhưng Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo ngành chức năng thành phố xem xét không đưa tiêu chí hộ khẩu vào tuyển dụng công chức, viên chức và tuyển sinh ở trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo ngành chức năng thành phố xem xét không đưa tiêu chí hộ khẩu vào tuyển dụng công chức, viên chức và tuyển sinh... |
Còn tại các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, công bằng mà nói, Sở Nội vụ và UBND TP HCM đã khá năng động, linh hoạt khi xem xét và quyết định bỏ tiêu chuẩn về hộ khẩu cho một số đơn vị cụ thể trong tuyển dụng.
Năm 2014, UBND thành phố có Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học, trong đó không có yêu cầu về hộ khẩu. Trí thức, tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi được tiếp nhận, tuyển dụng mà không cần xét yếu tố hộ khẩu.
Cuối năm 2015, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố và Bệnh viện quận Thủ Đức được mở rộng tuyển dụng viên chức, bác sỹ không có hộ khẩu tại thành phố để đáp ứng nhu cầu về nhân lực và thu hút được người giỏi.
Bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: “Xuất phát từ chỗ bệnh viện phát triển nhanh, bệnh nhân đông nên phải có đội ngũ bác sỹ đáp ứng nhu cầu. Có nguồn nhân sự dồi dào bác sỹ ngoài khám chữa bệnh còn có thời gian đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là đội ngũ trí thức nên quản lý đơn giản. Anh em có ý thức chấp hành kỷ luật, tuân thủ pháp luật tốt lắm”.
Tuy nhiên, việc bỏ hộ khẩu để tuyển dụng người có năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc mới chỉ thực hiện ở một vài nơi. Còn đa phần các thông báo thi tuyển công chức, viên chức của thành phố đều nêu rõ: “Người đăng ký dự tuyển phải có: “Quốc tịch Việt Nam và có hộ khẩu thường trú tại TP HCM”.
Điều này thực tế đã khiến nhiều người có năng lực nản lòng hoặc từ bỏ con đường làm việc cho thành phố. Yêu cầu về hộ khẩu thành phố không chỉ trong tuyển dụng mà hiện còn áp dụng cả trong đào tạo tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Thí sinh muốn thi tuyển vào trường này trước hết phải có hộ khẩu thành phố. Khi mới thành lập, trường dễ dàng tuyển đủ 100 chỉ tiêu. Nhưng hiện nay trường đã có chỉ tiêu đào tạo lên đến 1.000 mà vẫn giữ yêu cầu về hộ khẩu khó mà đảm bảo chất lượng đầu vào cao.
Thành phố lý giải do trường thành lập để đào tạo cho nhu cầu về nhân lực ngành Y của thành phố và vì vậy phải có bao cấp về tài chính. Nhưng để đảm bảo thu hút được thí sinh giỏi vào học, thành phố cần xem xét bỏ tiêu chuẩn hộ khẩu đối với thí sinh.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói: “Nếu trường mở rộng cho thí sinh các tỉnh thành vào thành phố sẽ không bao cấp nổi. Tôi đề nghị trường có báo cáo và xin ý kiến thường trực Ủy ban là trong chỉ tiêu 1.000 đó vẫn ưu tiên bao nhiêu % là con em thành phố khi đậu vào sẽ có bao cấp. Còn lại tuyển rộng rãi nhưng tính học phí theo tính đúng, tính đủ”.
Gần đây nhất, trong buổi làm việc với Sở Khoa học Công nghệ TP HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Sở Nội vụ thành phố phải làm sao bỏ quy định về hộ khẩu trong tuyển dụng để thu hút được nhân tài.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cần bỏ ngay tiêu chuẩn hộ khẩu trong tuyển sinh, mở rộng tuyển sinh để có những thí sinh chất lượng nhất. Đồng thời, thành phố phải tính đến cách quản lý như thế nào để hạn chế tăng dân số cơ học kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có hạ tầng không đáp ứng kịp.
Ông Đinh La Thăng nói: “Nhập khẩu hay không nhập khẩu cần phải có tổng thể quy hoạch chung về dân số của thành phố. Chúng ta phải cân bằng với hạ tầng và các vấn đề khác. Chúng ta dựa trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và có đề ra các rào cản kỹ thuật để quản lý được dân số. Có chính sách làm sao để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và hạn chế, quản lý được các lực lượng mà mình không cần.
Mỗi năm, dân số TP HCM tăng khoảng 450.000 người, chủ yếu là tăng cơ học. Nhưng mỗi năm, thành phố này cũng cần hàng trăm ngàn lao động. Như năm 2017 này, thành phố cần 280.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ làm mới, tăng 7,69% so với năm 2016. Cho nên, việc bỏ quản lý bằng hộ khẩu còn là một câu chuyện dài.
Nhưng việc bỏ quy định về hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức và trong cả tuyển sinh ở một số trường đặc thù của thành phố để thu hút người tài là điều mà chính quyền thành phố có thể thực hiện được ngay./.