Tự chủ ĐH: Đề nghị loại các trường Đại học hoạt động nửa vời
VOV.VN- Độc giả cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải kiểm soát chặt chẽ việc giao quyền tự chủ cho các trường.
Bài 2: Tự chủ Đại học: Các trường khó quyết mức thu học phí mới
Bài 3: Tự chủ ĐH: Học phí tăng, sinh viên nghèo khó nuôi “giấc mơ” giảng đường?
Bài 4: Tự chủ Đại học: Học "người" cách tự chủ, nhưng không "bê" nguyên
Bài 5: Tự chủ Đại học: Phải kiểm soát được chất lượng giáo dục
Tự chủ Đại học: Các trường ĐH đang xây dựng nhân sự "ngược"?
Thứ trưởng GD-ĐT: Để các trường ĐH tự chủ, Bộ không buông lỏng quản lý
Báo Điện tử VOV vừa đăng loạt bài viết với chủ đề: “Tìm lời giải cho các trường ĐH, CĐ công lập tự chủ toàn diện”. Nhiều độc giả đã bày tỏ quan điểm, ý kiến khác nhau xung quanh loạt bài viết này. Đa phần độc giả bày tỏ sự ủng hộ đối với Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017 nhằm hướng tới mở rộng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, CĐ. Việc làm này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm chi ngân sách Nhà nước.
Bước đầu tiên của quá trình tự chủ toàn diện trong các trường ĐH, CĐ, trong năm 2014, Bộ GD-ĐT đã chính thức giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.
Được tự chủ trong tuyển sinh là các trường ĐH, CĐ có quyền quyết định phương án thi tuyển, có quyền ra đề thi, tuyển chọn, mở ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nguồn lực của trường mình…
Tuy nhiên, một số độc giả bày tỏ quan điểm quan ngại, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH công lập không dễ vì họ phải đảm bảo đủ năng lực để ra đề thi, chấm thi, nguồn tuyển sinh “đầu vào” và sinh viên tốt nghiệp.
Có thể dẫn đến học thêm-dạy thêm tràn lan
Độc giả Thái minh anh nêu ý kiến: các trường ĐH công lập được tự chủ là điều cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. Liệu các trường có tự ra đề thi, chấm thi và đảm bảo yêu cầu tuyển được thí sinh vào trường chất lượng hay không còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của họ. Ngành Giáo dục cần sàng lọc kỹ nguồn tuyển sinh “đầu vào” và “đầu ra” của các trường, tránh tình trạng cho họ ồ ạt tuyển sinh nhưng nguồn nhân lực không đảm bảo yêu cầu.
Độc giả Ánh Hồng cho rằng, trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH là rất tốt, để họ tuyển chọn được nguồn tuyển thí sinh “đầu vào” đạt chất lượng. Khi nguồn tuyển sinh “đầu vào” chất lượng thì cũng là căn cứ để xác định sinh viên tốt nghiệp có năng lực học tập tốt hơn. Nên cứ thí điểm mô hình giao quyền tự chủ cho một vài trường ĐH công lập và cần có thời gian rút kinh nghiệm khi nhân rộng ra các trường ĐH khác trên cả nước.
Bên cạnh việc phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và chất lượng sinh viên tôt nghiệp, một số độc giả bày tỏ quan ngại, nếu giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ thì liệu có thể dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan?
Bạn Đặng Tiến Đạt lo ngại: Tôi còn nhớ rất rõ hồi con tôi đi thi ĐH, các trường cũng tuyển sinh riêng. Thế nhưng, việc học thêm tràn lan đã diễn ra trước khi các trường tổ chức thi đã khiến cho xã hội bị xáo trộn nhiều. Còn nếu bây giờ để các trương tổ chức thi riêng liệu có xảy ra tình trạng như trên hay không? Mong ngành Giáo dục cần cân nhắc kỹ khi giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh riêng. Bộ GD-ĐT cần đưa ra những tiêu chí cụ thể cho các trường ĐH, CĐ được tổ chức tuyển sinh riêng.
Độc giả Mạnh Bách kiến nghị: Khi Bộ GD-ĐT giao cho các trường tự chủ trong tuyển sinh riêng nên cân nhắc tới việc kiểm soát tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan ở trường tuyển sinh riêng. Vì nhu cầu học thêm của thí sinh có thể lớn với mong muốn làm được đề thi vào trường tổ chức thi riêng.
Trước những lo ngại về tuyển sinh riêng, bạn Lưu minh tuấn góp ý kiến: Đúng là tuyển sinh riêng là một bài toán rất khó cho tất cả các trường ĐH, CĐ. Nếu kỳ thi THPT quốc gia chung đảm bảo chất lượng thì mới là căn cứ để các trường thực hiện công tác tuyển sinh.
Bạn Đăng Ninh cho rằng: Ở nhiều nước trên thế giới đã để cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh và tự chủ tài chính. Việt Nam mới chập chững bước đi đầu tiên cần phải tham khảo ý kiến của các nước, tránh gây lãng phí và làm xã hội bị xáo trộn.
Loại bỏ các trường hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả
Nhiều độc giả cho rằng, khi được tự chủ một cách toàn diện về tuyển sinh, tài chính, học phí, quản lý thì các trường phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội trước nguồn nhân lực đào tạo ra. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần phải kiểm soát chặt chẽ việc giao quyền tự chủ cho các trường.
Độc giả Trần Thanh Nga bày tỏ quan ngại đến số liệu thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi học xong ĐH, CĐ vì chất lượng học tập, kỹ năng không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội.
Theo độc giả Trần Thanh Nga, Chính phủ, Bộ GD-ĐT nên cơ cấu lại hệ thống các trường ĐH, CĐ, loại bỏ những trường hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Không nên để tồn tại quá nhiều trường ĐH, CĐ hoạt động một cách nửa vời mà đào tạo kém chất lượng, ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Đồng quan điểm trên, độc giả tuyet ngoc cho rằng, chỉ nên giao quyền tự chủ toàn diện cho một số trường ĐH công lập có năng lực thực sự, không nên giao hết cho tất cả các trường vì có thể dẫn đến tình trạng thương mại hoá giáo dục.
Song song với việc cân nhắc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH công lập đến đâu, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm kiểm soát hoạt động của họ.
Bạn Hoàng Hải nêu quan điểm, việc giao quyền tự chủ một cách toàn diện cho các trường ĐH công lập không thể đem ra đong đếm như trong sản xuất, kinh doanh vì đây là đào tạo sản phẩm trí tuệ cho xã hội. Nếu tự chủ ĐH mà không kiểm soát chặt chẽ thì hậu quả sẽ rất nặng nề, con em chúng ta sẽ phải gánh chịu rất lớn. Mong các cơ quan chức năng khi giao tự chủ cho các trường phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ vấn đề này.
“Nếu giao quyền tự chủ cho các trường ĐH công lập, Bộ GD-ĐT cần thẩm định lại điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực của các trường đến đâu thì mới giao quyền tự chủ cho họ ở mức đó”- Độc giả trần thu trang nhấn mạnh.
Độc giả Nguyen Minh Hang bày tỏ: Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ cho các trường tuyển sinh riêng. Nếu không kiểm soát chặt chẽ chất lượng thì nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội sẽ không đảm bảo chất lượng, lãng phí nguồn tài chính quốc gia.
Độc giả Đinh Hồng Thắm cho rằng, Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm trước xã hội khi giao quyền tự chủ cho các trường ĐH đến đâu, bởi nếu giao quyền tự chủ vô tội vạ mà không có sự kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn việc đào tạo sẽ kém chất lượng, gây lãng phí lớn cho xã hội và thiệt hại lớn nhất vẫn là người học./.