Tự chủ tài chính: Chưa tạo đột phá chất lượng giáo dục ĐH

Các trường đại học công lập “kêu”, việc thực hiện tự chủ tài chính còn thiếu đồng bộ, nhiều trường thu không đủ bù chi.

Thu không đủ bù chi, không được tự chủ trong tuyển sinh và đầu tư cơ sở vật chất… là những vấn đề nan giải mà các trường, các cán bộ quản lý đặt ra tại Hội thảo "Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập" diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Thiếu đồng bộ

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có hơn 300 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công lập. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường ĐH công lập đang trở thành vấn đề đau đầu khi nhiều trường vẫn cho rằng, tự chủ tài chính còn mang tính hình thức, nửa vời.

Là một trong những trường có tiếng nhất hiện nay chuyên về đào tạo ngành tài chính, kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương thẳng thắn cho rằng: Sau 4 năm thực hiện tự chủ tài chính, nhà trường vẫn không tạo ra được những đổi mới như mong muốn bởi cơ chế thiếu đồng bộ. Ngoài việc phải tự lo kinh phí chi thường xuyên, trường không được hưởng thêm bất cứ quyền hạn, cơ chế gì so với các trường không được giao tự chủ. Để duy trì hoạt động giảng dạy, trường phải “thắt lưng buộc bụng” để lo chi phí chi thường xuyên và lương thưởng cho hơn 500 giảng viên.

Tự chủ tài chính sẽ giúp các trường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy

Theo lý giải của ông Hoàng Văn Châu, với mức thu học phí không khác biệt với các trường được hưởng ngân sách, khó khăn lớn nhất hiện nay với các trường ĐH tự chủ tài chính như Ngoại thương là thu không đủ bù chi.

Cái khó nữa là, trường không được giao tự chủ trong các nguồn thu của mình, khiến cho trường gặp khó trong việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên để thu hút giảng viên giỏi... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu cơ chế vẫn lạc hậu kiểu “xin-cho” như thế này, e rằng việc tồn tại cũng đã khó, chứ chưa nói đến nâng cao chất lượng.

“Trường cần cơ chế tự chủ theo hướng giao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh được quyết định mức học phí; quyết định lương và thu nhập cho cán bộ, giảng viên trong trường; được sử dụng tiền thu học phí vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất…” - ông Hoàng Văn Châu đề xuất.

GS.TS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính cũng khẳng định: Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục như hiện nay một cách manh mún, nhỏ giọt khiến các trường chưa chủ động trong hoạt động. Ví dụ máy móc, trang thiết bị của trường hư hỏng nay muốn đầu tư, nâng cấp lại phải thực hiện cơ chế “xin-cho”, làm giấy phép lên cấp trên xem xét. Đã đến lúc, chúng ta phải hạn chế bao cấp đối với giáo dục ĐH.

Thiếu cơ chế kiểm soát

TS. Nguyễn Trường Giang - Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cũng nhất trí rằng, hiện nay giáo dục đại học đang duy trì mức học phí thấp. Hạn chế của việc này là không đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, để nhận được sự đồng thuận của xã hội, việc tính đủ chi phí đào tạo trong học phí phải được thực hiện theo lộ trình.

Mặt khác, trường phải được tự quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc; đồng thời phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính.

GS.TS Hoàng Văn Châu cũng kiến nghị: “Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các trường công lập. Vì thực tế, hệ thống các trường ĐH công lập hiện nay đang tồn tại nhiều chế độ, cơ chế tài chính khác nhau, gây sự bất bình đẳng giữa các trường”.

Theo ông Châu, vấn đề quan trọng là, cần thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước gắn với trường có chất lượng hay kém chất lượng; phân bổ kinh phí nên gắn với các kết quả đánh giá, kiểm định độc lập về chất lượng đào tạo thì mới công bằng, hiệu quả.

Đồng ý với việc giao quyền tự chủ về mức thu cho các trường, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, còn thiếu cơ chế kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người học.

“Hiện nay Chính phủ đã cho phép ĐH công lập tự chủ thu học phí cao so với Nghị định 49/2010/NĐ-CP nhưng chất lượng lại chưa tương xứng. Vì vậy, vấn đề cần làm hiện nay là xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp với học phí để người học không bị thiệt thòi. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các trường để hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính. Trong đó tự chủ mức thu, nguồn chi nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực tài chính. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế cấp phát ngân sách cho các trường công lập một cách phù hợp. Thay đổi mạnh mẽ về cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên